Đứng tại lõi khu rừng, bốn bề đâu đâu cũng nham nhở cây to, cây nhỏ bị đốn hạ, khói đen bốc lên nghi ngút do người dân lấn chiếm lấy đất sản xuất. Lợi dụng điều này, “lâm tặc" cũng len lỏi vào rừng đốn hạ cây rừng lấy gỗ chở đi tiêu thụ.
Cạo trọc - đốt sạch
Những ngày đầu tháng Năm, Tây Nguyên đang gồng mình chống chọi với cái nắng như thiêu đốt. Đây cũng là thời điểm các cơ quan quản lý bảo vệ rừng nỗ lực ngăn chặn vấn nạn người dân địa phương phá rừng làm nương rẫy. Bởi theo tập quán địa phương, những ngày nắng nóng cũng chính là thời điểm người dân cơi nới, cải tạo nương rẫy chờ mưa xuống để canh tác. Lâm tặc cũng thừa cơ trà trộn thâm nhập vào những cánh rừng đốn hạ gỗ vận chuyển đi tiêu thụ.
Ảnh minh họa. |
Ngày 5/5, một “thổ địa” tại xã Ia Tul (huyện Ia Pa, Gia Lai) thông tin với PV: Tại khu vực rừng thuộc huyện Ia Pa tệ nạn phá rừng diễn biến rất phức tạp. Ban ngày thì người dân địa phương chặt hạ cây rừng cơi nới nương rẫy còn về đêm các đối tượng lâm tặc bắt đầu hoạt động vận chuyển gỗ ra khỏi rừng.
Theo sự chỉ dẫn của nguồn tin, 9h cùng ngày PV đã có mặt tại xã Ia Tul chuẩn bị nước uống, mì gói bắt đầu hành trình ngược đại ngàn.
Sau hơn 5 giờ gồng mình vượt ải, chúng tôi cũng đến được khu vực rừng xã Ia Tul giáp ranh xã Chư Mố (huyện Ia Pa). Tại đây, bốn bề núi dựng đâu đâu cũng hiện hữu hình ảnh những vạt rừng bị đốt cháy nham nhở. Có những vị trí cây rừng bị đốn hạ nằm la liệt lá còn xanh, gốc vừa rỉ nhựa tươi rói. Còn tại các vị trí khác, những vạt rừng cây cối um tùm ngày nào bị người dân địa phương cạo trọc, đốt sạch để lấy đất sản xuất lửa vẫn cháy âm ỉ, khói đen vẫn bốc lên ngùn ngụt.
Tại đây, lần theo vệt bánh xe độ chế còn mới tinh để lại trên mặt đường đến đoạn một ngã ba, PV phát hiện điểm tập kết gỗ. Tại vị trí này có khoảng 10 cây gỗ đường kính 60-70cm dài trên 3m mới được kéo về dấu vết còn rất mới. Đi thêm một đoạn, PV bắt gặp một chiếc xe độ chế đang bốc gỗ lên thùng xe chở đi. Lom khom dưới cái nắng như "thiêu đốt", người dân địa phương vẫn thản nhiên đốn hạ cây rừng gom lại thành từng đống châm lửa đốt.
Kiểm lâm không phát hiện ra?
Từ khu vực này, PV tiếp tục băng cắt qua nhiều đường xương cá. Theo ghi nhận, thực trạng đáng báo động không chỉ một mà là rất nhiều vạt rừng xanh bị người dân đốn hạ, lấy đất làm nương rẫy.
Trao đổi với PV, ông Hà Quang Tuyến - Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Ia Pa - cho biết: Hạt thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng, các đơn vị chủ rừng, UBND các xã các thôn, làng tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân để phát triển, quản lý bảo vệ rừng.
Trong tháng Tư, Hạt thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng thành lập các tổ, tuần tra, kiểm soát tiến hành truy quét lâm tặc vào những đợt cao điểm. Cụ thể chỉ trong tháng Tư, Hạt đã phát hiện bắt giữ 7 vụ vi phạm trên địa bàn huyện, tạm giữ hơn 15m3 gỗ các loại. Về việc người dân địa phương lấn chiếm đất rừng để làm nương rẫy, hạt Kiểm lâm tiếp tục phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các xã vận động người dân tự nguyện kê khai diện tích đất rừng đã lấn chiếm, xác định lô, khoảnh tiểu khu để lên phương án thu hồi.
Tuy nhiên, khi PV cung cấp những hình ảnh, tư liệu đã thu thập được, ông Tuyến sửng sốt: "Anh em trong cơ quan cũng liên tục tuần tra kiểm soát nhưng không phát hiện ra. Về thông tin phát hiện gỗ, tôi sẽ cho anh em đi kiểm tra, còn việc phá rừng làm rẫy từ đầu năm đến nay chưa phát hiện xử lý vụ nào cả".
Chính quyền chưa làm hết trách nhiệm Trao đổi với PV, một cán bộ sở TN&MT tỉnh Gia Lai chia sẻ: Có thể nói vấn nạn phá rừng là một trong những nguyên nhân gián tiếp dẫn đến tình trạng mưa lũ, sạt lở, ngập lụt, gây nên những hậu quả rất nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Nguyên nhân được cho là do chính quyền địa phương chưa thực hiện hết trách nhiệm trong việc quản lý bảo vệ rừng. Lâm tặc vào rừng thay nhau triệt hạ cây để lấy gỗ. Người dân địa phương cả làng đưa nhau lên phát rừng lấy đất sản xuất. Có những quả đồi bị cạo trọc, đốt sạch. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu mỗi khi mưa xuống gây nên tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng. Điển hình, tại tỉnh Gia Lai năm 2019 xảy ra mưa lớn gây ngập lụt, chia cắt cục bộ. Hàng ngàn héc-ta hoa màu bị hư hỏng, nhiều nhà cửa của người dân bị cuốn trôi thiệt hại hàng tỷ đồng... |
HỒ NAM
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí Đời sống & Pháp luật số thứ 7 (19)