Gia đình sinh con một bề là gái không phải hiếm có khó tìm tại Việt Nam và ẩn chứa đằng sau là mỗi câu chuyện khác nhau. Song tựu chung đều giúp người đời có cái nhìn tích cực về đông con, xoá bỏ định kiến "trọng nam khinh nữ".
Chia sẻ trên Tri thức và Cuộc sống, Ngà (SN 2000, quê Hải Dương) cho biết cha mẹ cô sinh được 5 người con gái. Theo đó chị lớn sinh năm 1986, sau đó lần lượt sinh năm 1988, 1991, 1995 và cuối cùng là cô nàng.
"Cả 5 chị em mình đều có công việc ổn định: mình, chị lớn và chị thứ 3 hiện là dược sỹ bán thuốc; chị thứ 2 là chủ của một cửa hàng bỉm sữa, chị áp út làm việc bên Nhật.
Chúng mình đều lập gia đình, có tổ ấm riêng. Nhưng luôn quan tâm đến cuộc sống của bố mẹ dù lấy chồng xa nhà. Mình vẫn thường đùa rằng chỉ có con út gần bố mẹ, được cho nhiều nhất do lấy chồng trong làng. Bố mẹ ới một câu là có mặt ngay tức khắc", Ngà bộc bạch.
Ngà kể, bố mẹ cô khi xưa chịu áp lực sinh con trai nối dõi tông đường nên... đẻ cố. Tuy vậy, duyên trời chỉ cho bố mẹ cô con gái nên đẻ đến người con thứ 5 là dừng. Đến giờ, gia đình cô vẫn thường được mọi người gọi là “gia đình ngũ long công chúa”.
Không được “đủ nếp đủ tẻ” như ý nguyện nhưng bố mẹ Ngà vẫn luôn yêu thương, trân trọng 5 người con gái. Cuộc sống những năm 80 nhiều khó khăn, vất vả, bố mẹ cô cố gắng làm lụng, kiếm tiền nuôi 5 chị em ăn học thành người.
Giờ đây, cả 5 chị em đều có công ăn việc làm ổn định. Chứng kiến 5 con gái thành đạt và hôn nhân hạnh phúc, bố mẹ Ngà rất hãnh diện và tự hào. "Bố thấy chúng mình trưởng thành, có công việc ổn định nên vui lắm! Bố hay trêu mẹ rằng may ngày xưa đẻ được 5 cô công chúa, chứ có con trai nhỡ đâu phá tung trời là hỏng.
Lúc đó, chị em mình lại tự nhủ hãy sống thật tốt, hiếu thuận với bố mẹ thật nhiều. Hiện tại chúng mình đã và đang làm được điều đó.
Vợ chồng chị em mình cũng luôn bảo nhau phải lấy bố mẹ làm gương, luôn yêu thương, cùng nhau vượt qua mọi cay đắng, sẻ chia ngọt bùi", cô gái Gen Z tâm sự.
Nguyễn Ngà luôn tự hào về 4 người chị gái của mình. Cô cũng hạnh phúc khi được các chị bao bọc, chở che, không phải gồng mình đối diện với những trắc trở trong cuộc sống.
Nhắc đến chuyện tình của bố mẹ, cô kể rằng bố mẹ là người cùng làng. Bố cô sau khi đi bộ đội được nghỉ phép hơn 18 ngày liền về nhà bị ông bà kiếm mối giúp lấy vợ.
"Ông bà nội mình đã chấm điểm mẹ mình nên ngỏ ý để cả hai tìm hiểu. Ngày đầu gặp nhau, bố mẹ cùng đi xem tivi ở làng. Bố mình nhát nhưng may mắn được bên ngoại tạo cơ hội cho tìm hiểu.
Một ngày, mẹ gánh gạo đi bán về thì thấy sân có mâm trầu cau. Bà ngoại thông báo bên nội nhà mình sang hỏi mẹ. Mẹ khóc luôn tại chỗ vì không muốn lấy chồng, thích ở nhà làm lụng giúp ông bà ngoại", Ngà kể.
Dẫu vậy cuối cùng bố mẹ Ngà vẫn đến với nhau và đám cưới sau 36 ngày tìm hiểu. Cô cho biết 2 năm sau bố ra quân, về nhà cùng mẹ đóng gạch bán, làm thêm 3 mẫu ruộng mới đủ nuôi các con.
Theo Tạp trí Nông thôn Việt, biết bố mẹ đã trải qua nhiều vất vả nuôi các con khôn lớn, 5 chị em Ngà bảo ban nhau chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ chu đáo. Tết đến xuân về, chị em cô người biếu tiền, người biếu quà, người đến nhà giúp bố mẹ chuẩn bị Tết. Bố mẹ cô dù không có con trai nhưng chưa từng thấy trống vắng, hiu quạnh.
“5 chị em mình dù lấy chồng gần hay xa cũng theo lệ “mùng 1 Tết nội, mùng 2 Tết ngoại”. Cứ mùng 2 Tết là vợ chồng, con cái kéo nhau về nhà ngoại sum vầy. Mấy chị em dành nguyên một ngày đi chúc Tết nhà ngoại, sau đó tập trung ăn uống, hát hò vui vẻ”, Ngà chia sẻ.