+Aa-
    Zalo

    Gia đình bất hạnh, đàn con 3 đứa lần lượt hóa điên

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Từ một hộ gia đình giàu có, chiêng ché để đầy nhà, gia đình bà H’ Tư H’rưng (78 tuổi) trở thành hộ nghèo nhất buôn Jù, xã Ea Tu,TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

    Từ một hộ gia đình giàu có, chiêng ché để đầy nhà, gia đình bà H’ Tư H’rưng (78 tuổi) trở thành hộ nghèo nhất buôn Jù, xã Ea Tu,TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Từ những người hoàn toàn khỏe mạnh, ba cô con gái của bà lần lượt người hóa điên. Sự việc khởi nguồn kể từ khi cả gia đình chuyển lên nhà mới.

    Gia đình bất hạnh, đàn con 3 đứa lần lượt hóa điên
    Chị H’Viết mắc chứng trầm cảm nặng

    Hóa điên vì chăm người điên?

    Bà H’ Tư đã ở cái tuổi 78, có ba người con gái thì người con đầu điên nặng không biết gì, con thứ hai điên nhẹ lúc tỉnh lúc mê, còn người con út đầu óc cũng đã không bình thường do chăm sóc hai chị. 

    Trước kia khi còn sống trong làng cũ dưới huyện Krông Năng, gia đình bà thuộc diện khá giả, chiêng ché chất đầy quanh nhà, chẳng khi nào phải lo đến cái đói. Người con gái đầu tên H’Ngoắt (SN 1972) lên 13 tuổi thì bị té ngã trong một lần đi làm rẫy. Khi ấy vào mùa mưa nên đường rất trơn, cô bé bị ngã đập đầu vào đá. Không chảy máu, vì vậy mà chẳng ai để ý đến cú ngã. H’Ngoắt vẫn đi làm bình thường. 

    Chỉ đến 10 năm sau, khi gia đình vừa chuyển lên nhà mới thì bệnh của cô gái mới bùng phát. H’Ngoắt nói năng lảm nhảm, thường thẫn thờ bỏ nhà đi suốt ngày.

    Hoang mang, người lớn trong nhà thi nhau đi mời “thầy” cúng về xem và làm “lễ trừ ma”. Bao lần làm lễ, bệnh chẳng hề thuyên giảm. Sau đó một thời gian, người con gái thứ hai phải chăng cũng vì sợ mà “thần hồn át thần tính”, đâm ra ngờ nghệch, lúc tỉnh lúc mê. Từ đấy mỗi lần người con cả lên cơn điên, người con thứ hai cũng phát điên theo. 

    Nhà có bốn phụ nữ sống với nhau thì hai điên, hai tỉnh, chẳng còn người lao động bởi cứ một người tỉnh chăm một người điên đã hết ngày. Rồi “miệng ăn núi lở”, không chạy chữa nhưng tiền của trong nhà cũng dần “đội nón ra đi”. Bao nhiều chiêng ché và vật dụng trong nhà, mấy mẹ con đem bán dần bán mòn đến khi tay trắng.

    Gia đình bất hạnh, đàn con 3 đứa lần lượt hóa điên
    Căn nhà có 3 người hóa điên

    Nói về người con thứ ba là chị H’ Viết, ông Y’ Nguy Êban (77 tuổi, hàng xóm thân thiết và cũng là người nắm rõ biến chuyển của gia đình nay) cho biết, sau khi hai người chị mắc bệnh, chỉ còn duy nhất chị H’ Viết tỉnh táo. Thương mẹ, thương các chị, H’ Viết không chịu lấy chồng. Về sau, vì muốn có người đàn ông san sẻ bớt gánh nặng trong nhà cùng mình nên chị quyết định mở lòng. 

    Chẳng ngờ người chị trót đem lòng yêu thương lại chính là người con trai của bác ruột. Biết là ruột thịt quá gần gũi nhưng do hiểu biết còn hạn chế nên H’ Viết bất chấp ngăn cản của gia đình, dòng họ và xóm giềng để theo người đàn ông này. Ở với nhau một thời gian chị H’ Viết mang thai. Trong thời gian này hai người xảy ra xích mích khiến chị buồn chán đành quay về tiếp tục cuộc sống với mẹ và hai người chị bị điên. 

    Lầm lũi, cơ cực suốt 4 năm, chị và một người đàn ông cùng buôn ít hơn chị 2 tuổi có tình cảm với nhau. Hai người lấy nhau và có con. Cuộc sống bắt đầu khởi sắc khi cả hai đều chăm chỉ làm thuê, còn người chị thứ hai bệnh tình thuyên giảm. Vợ chồng đã sửa sang được nhà và mua thêm rẫy. 

    Vậy nhưng, hạnh phúc chẳng tày gang khi người chồng của chị bắt đầu đổ đốn. “Anh ta uống rượu tối ngày không chịu làm ăn. Gia đình đã nghèo lại thêm khó vì không có người kiếm tiền. Ruộng rẫy anh ta đem bán hết; ngay cả tiền hỗ trợ hộ nghèo ít ỏi mà anh ta cũng đốt hết vào rượu. Nhiều khi gạo ăn chẳng có đi vay được chút về thì anh ta cũng mang đi đổi lấy rượu, mặc cho mấy người phụ nữ và trẻ nhỏ nhịn đói đến là tội”, ông Y’ Nguy nhớ lại. 

    Đầu năm 2013 chồng chị H’Viết qua đời do một lần uống rượu say về muộn bị ngã. Khi ấy chị đang mang thai đứa con thứ hai được 4 tháng. Sau đám tang của chồng, người dân trong buôn thấy chị H’ Viết luôn trầm lặng. Chị suy tư nhiều đến nỗi trầm cảm, trở nên thiếu minh mẫn từ đó.

    Tương lai mờ mịt

    Nhìn căn nhà cấp bốn, mái lợp ngói nhem nhuốc từ ngoài vào trong, không ai nghĩ là có người ở. Căn nhà trống rỗng chỉ có duy nhất một cái bàn là ban thờ. Quanh tường treo bề bộn những mớ quần áo cũ rích và hoen ố. Đặc biệt, căn bếp như một nỗi ám ảnh, bởi chính đây là nơi người chị gái đầu hóa điên bị xích lại. 

    Người chị đầu bị điên nặng thường xuyên trần truồng bỏ nhà đi lang thang và hễ gặp ai là sẵn sàng cầm gạch đá ném trả. Xóm giềng nhắc nhở nên H’Viết đành mua xích về để trói chị lại. Việc ăn uống thì cho vào chậu, còn vệ sinh thì ngay tại chỗ. Thi thoảng lên cơn người chị này lại cắn người khiến không ai dám vào cho ăn và vệ sinh.

    Gia đình bất hạnh, đàn con 3 đứa lần lượt hóa điên

    Người chị thứ hai “lây” bệnh điên của chị cả

    Mọi người khuyên cho người này đi trại tâm thần nhưng vì thương con nên bà H’ Tư không cho, đành để ở nhà nuôi. Tuổi già sức yếu, bà vẫn cố chăm con, dù nhiều lần từng bị chính người con cắn vào người. Những khi con lên cơn điên nặng, cứ đêm đến là gào thét, rên rỉ không ai chịu nổi, bà mới dứt lòng cho con đi vào trại. Đưa con đi, bà cũng theo luôn vào trại tâm thần để chăm sóc.

    Ở nhà, vì không có tiền nên ngày ngày chị H’ Viết cũng chỉ biết đi nhặt nhạnh rau cỏ quanh nhà để ăn cho qua bữa. Bữa nào cái nồi cũng chỉ độc màu xanh của rau sắn. Người chị thứ hai sức khỏe tốt nhưng không tỉnh táo, chỉ tối ngày lùi lũi trong nhà không nói không cười. 

    Còn chị H’ Viết mới chưa đầy 30 tuổi mà nhìn bề ngoài như gấp đôi số tuổi hiện có. Hai đứa con lớn của chị đã quá cả tuổi được đến trường nhưng phải chịu cảnh thất học chỉ vì không có tiền. Đứa con út được 6 tháng tuổi cũng gầy yếu do không được chăm sóc đầy đủ, thiếu chất dinh dưỡng.

    Ông Y Mui, trưởng buôn Jù cho biết, gia đình chị H’ Viết thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của buôn. “Họ không chỉ nghèo nhất mà còn khổ nhất buôn. Nhà đã toàn phụ nữ thì đa phần là người điên dại. Bà H’Tư già cả rồi mà vẫn khổ vì các con đều không bình thường. Chưa thấy trường hợp gia đình nào đáng thương như vậy. Không rõ tương lai họ đi về đâu nữa”, vị trưởng buôn trăn trở. 

    Cũng theo ông Y Mui, sau nhiều lần vận động bà H’ Tư đưa người con gái đầu đi bệnh viện tâm thần điều trị, cuối cùng bà cũng nhờ đến chính quyền đưa đi và giúp làm các thủ tục nhập viện. “Thực tế người con cả của bà H’Tư bị tâm thần là do cú ngã hồi bé ảnh hưởng mà không được chữa trị; người con thứ hai là do hoang mang sợ hãi mà hóa điên dại. Còn chị H’Viết do tối ngày chăm hai người chị như vậy và cộng thêm chuyện chồng con không hạnh phúc mà chấp nhận cuộc sống lầm lũi”, ông Y Mui chia sẻ. 

    Thông qua Pháp luật & Thời đại, vị trưởng thôn cũng mong mỏi bạn đọc hảo tâm có những sự giúp đỡ cho gia đình đáng thương này. Mọi sự đóng góp, vui lòng liên hệ ông Y Mui, trưởng buôn Jù, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, số điện thoại 098.246.3552/.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-dinh-bat-hanh-dan-con-3-dua-lan-luot-hoa-dien-a50161.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan