(ĐSPL)- Cuộc hôn nhân sai lầm đã đẩy cuộc đời bà hàng chục năm chịu cảnh đòn roi. Đau đớn hơn, bà còn chứng kiến chồng công khai ngoại tình. Trong một đêm mưa gió, người chồng bội bạc nhẫn tâm dẫn nhân tình về nhà quan hệ, đuổi vợ đi, còn cướp luôn hai con gái khiến bà Ch. hóa điên.
Và cũng từ đó, hàng loạt chuyện đau lòng xảy đến khiến bi kịch tiếp nối bi kịch...
Chồng công khai có nhân tình
Năm 1980, bà Trần Thị Ch. (SN 1960, thôn Chánh Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) nhận lời làm vợ ông Huỳnh Minh Tuấn, là giáo viên ở xã bên (SN 1958, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên). Ngày bà Ch. theo chồng, dù tiếc nuối nhưng ai nấy đều phải thừa nhận, hoa khôi của làng như bà phải được "đặt" vào tay người trí thức, thay vì đám đàn ông chân lấm tay bùn nên đua nhau chúc phúc. Bản thân người phụ nữ này cũng vậy. Cứ tưởng lấy được chồng học cao sẽ được trân trọng, yêu thương và có mái ấm hạnh phúc. Thế nhưng càng sống chung, thực tại phũ phàng càng kéo cuộc đời bà trượt dài trong bi kịch.
Từ khi sinh liên tiếp hai con gái, bà Ch. bắt đầu nếm đủ các trận đòn roi từ ông Tuấn. Người chồng ngày càng lộ rõ bản tính vũ phu, hay rượu chè, cờ bạc... Đã thế, ông ta còn rất trăng hoa, thường quan hệ tình cảm với nhiều cô gái tại nơi làm việc rồi quay về đánh đập vợ con không thương tiếc. Thuyền theo lái, bà Ch. âm thầm chịu đựng gần mười năm trời. Thế nhưng, trong một đêm mưa gió năm 1983, ông Tuấn công khai dẫn nhân tình về nhà quan hệ. "Cô gái mà anh rể đưa về hôm đó, chị Ch. biết từ lâu rồi. Họ vốn là đồng nghiệp của nhau. Anh rể còn yêu cầu vợ ly dị, nhưng vì con, chị Ch. không chịu nghe theo", chị Trần Thị C. (em gái bà Ch., SN 1970, ngụ địa chỉ trên) kể lại.
Xác định không thể lay được ý vợ, ngay trong đêm đó, ông Tuấn lạnh lùng đuổi bà Ch. ra khỏi nhà, giằng lấy hai đứa con gái nhỏ mang đi. Nơi trú ngụ lâu nay của hai vợ chồng cũng được ông sang tay cho người khác từ trước. Mất chồng, không nơi bấu víu, lại còn bị tước đi quyền làm mẹ, bà Ch. đau khổ tột cùng. Khoảng thời gian này, dù được cha mẹ đón về chăm sóc, nhưng trước cú sốc quá lớn, bà Ch. trở nên điên dại. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình, họ chỉ biết tìm đến thầy thuốc địa phương chạy chữa, không có điều kiện đưa bà Ch. tới bệnh viện. Từ đó, bệnh tình bà Ch. càng trầm trọng. Thậm chí nhiều đêm bà chui rúc vào các bụi rậm, nhà hoang để ngủ, miệng luôn độc thoại "tui đã có chồng rồi". Làng xóm chứng kiến cảnh tượng đó đều lắc đầu xót xa.
Thấy người phụ nữ có nhan sắc, nhưng không kiểm soát được hành vi, ngày ngày vạ vật nơi đầu đường xó chợ, những gã đàn ông xấu xa đã lợi dụng làm chuyện đồi bại. Lần thứ nhất bà Ch. mang bầu, cha mẹ phải bắt nhốt bà ở nhà để chờ ngày sinh nở. Nhưng khi con vừa ra đời, người thân lơ là, bà ôm đứa trẻ đi xin ăn. "Cũng may trời thương, lúc người mẹ không tỉnh táo, đứa bé lại biết tự chui tìm bầu sữa mẹ mà bú. Nó cũng không hề đau ốm, cảm sốt, dù suốt ngày chị Ch. cứ ẵm ngửa phơi mặt con lên trời mà đi", chị C. chua chát kể tiếp. Cũng theo chị C., bẵng đi 6 - 7 năm, người dân lại phát hiện bà Ch. "bụng mang dạ chửa". Lo sợ nguy hiểm khi người điên có thai, gia đình bà Ch. hợp sức, lôi bà về nhốt lần thứ hai. Còn cháu bé trai (lúc này đã 6 - 7 tuổi) được chị C. đưa về nhà mình cưu mang.
|
Người phụ nữ bất hạnh Trần Thị Ch. |
Ngậm ngùi con không cha, mẹ bị điên
Tuy nhiên, cha mẹ già cả nuôi thân còn khó, huống gì phải chăm, giữ bà bầu điên dại rồi tiếp đến còn có cả trẻ sơ sinh. Cũng vì thế mà bà Ch. lại "sổng" tiếp, ngay khi vừa sinh nở. Như lần đầu, bà Ch. ẵm bé gái ra đi, tìm tới các bụi rậm trú ngụ. Không may mắn như anh trai, đứa trẻ lần này do suy dinh dưỡng nên quặt quẹo. Có lần con bé ngất xỉu, người đi đường thương quá phải giật lấy rồi nhờ các bà mẹ đang nuôi con cho bú giúp, nó mới tỉnh lại. Nhiều lần phát hiện đứa trẻ không cất nổi tiếng khóc, người lả đi vì đói và sốt, dân làng mới vội bàn với người thân bà Ch. nên có cách can thiệp khác. Song song cùng thời điểm, vì lao lực, phiền muộn, cha mẹ bà Ch. theo nhau qua đời, do đó, bé gái thứ hai tiếp tục được vợ chồng chị C. đón nhận nuôi.
Thời điểm chúng tôi đến thăm, bà Ch. đang ngồi thẫn thờ dưới chái hiên khu nhà hợp tác xã đầu thôn để đợi hai người con, một đứa đi học, một đứa đi làm. Chị C. nói, thói quen này của bà Ch. đã có hàng chục năm qua, dù đã được chính quyền giúp đỡ, dựng cho căn nhà bê tông làm chỗ trú ngụ, xây sát cạnh nhà chị C.. Căn nhà của người điên không thường xuyên ở, nay cứ trống hoác từ trước tới sau, chưa cửa ngõ, bên trong đặt duy nhất chiếc chõng tre ọp ẹp, trông rất tan hoang nhưng với bà Ch. như vậy là "rất ưng ý".
|
Chiếc giường bên trong nhà không cửa của bà Ch. |
Lý giải điều này, chị C. cho biết, vì bà Ch. từ lâu luôn có suy nghĩ "đã lấy chồng" và muốn riêng tư, không liên quan đến chị em. Hơn nữa, căn nhà cũng gần nhà em, nên hằng ngày bà Ch. vẫn có thể nhìn thấy các con của mình. Phần hai đứa trẻ, sinh ra không biết mặt cha nên được dì lấy theo họ mẹ, làm khai sinh tên Trần Văn H. (SN 1990) và Trần Thị H. (SN 1997). Các em là kết quả của những đêm bà Ch. "nằm bờ ngủ bụi", và lớn lên nhờ vào sự đùm bọc của gia đình người dì.
Người con lớn Trần Văn H. không giấu được nỗi buồn trên khuôn mặt chia sẻ với chúng tôi: "Hồi nhỏ, em hay bị bạn bè trêu chọc, chê cười vì con không cha, mẹ bị điên. Nhưng có lẽ, sống được ở trên đời đã là may mắn, em không thể phụ tấm lòng của dì C. và dượng chăm sóc mà có những suy nghĩ lệch lạc". Hỏi em có căm ghét người cha chẳng rõ mặt mũi? H. im lặng nuốt nước mắt, một lúc mới đáp gọn: "Tụi em như vậy thì biết oán sao, mà cũng quen sống cô độc không cha rồi".
Tiếp lời cháu, chị C. cho biết thêm, H. vốn học rất giỏi, năm nào cũng được học sinh khá, giỏi. Tốt nghiệp 12 xong, H. thi đậu vào một trường đại học tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, ở với dì, H. hiểu rất rõ hoàn cảnh của gia đình người đã cưu mang mình cũng nghèo khó, nên tế nhị thông báo "con thi cho vui và để biết sức mình thôi chứ không học lên đâu". Rời ước mơ giảng đường đại học, H. ở nhà giúp dì, dượng chuyện đồng áng, chăm sóc mẹ và phụ kiếm tiền nuôi em gái đang học lớp 10.
Mọi chế độ đều ưu tiên cho gia đình bà Ch. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quy, Trưởng thôn Chánh Sơn (xã Duy Phú) chia sẻ thêm, hiện nay, địa phương rất quan tâm tới hoàn cảnh bi đát của gia đình bà Ch.. Cụ thể, những phần quà, học bổng, chế độ khám sức khỏe... đều ưu tiên cho gia đình này trước. Riêng việc bà Ch. bị lạm dụng tình dục, địa phương rất đau lòng, nhưng vì hành động của bà trước đây khó kiểm soát, bảo vệ nên mới để xảy ra chuyện như vậy. Thời gian sau này, chính quyền đặc biệt chú ý hơn đến bà, nên thôn, xã cũng cam kết, không để người phụ nữ này chịu thêm bi kịch nào nữa. Cũng theo ông Quy, nhiều năm sau ngày bị cha ép rời mẹ, hai con gái đầu của bà Ch. đã tìm về thăm bà. Tuy đã lập gia đình, vẫn cảnh nghèo khó nhưng thi thoảng, cả hai cô con gái cũng gửi tiền bạc, thuốc men và vật dụng để nhờ dì chăm sóc mẹ mình. Trước đây, khi bị cha bắt đi, do còn nhỏ dại, thương mẹ nhưng hai cô con gái cũng đành chịu. Nay trưởng thành, có thể tự quyết định bản thân, các cô quay về nhận mẹ thì bà đã thành người ngơ ngẩn. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-phu-nu-hoa-dien-sau-dem-chong-dan-tinh-nhan-ve-cuop-con-a49983.html