Giám đốc sở TN-MT TP.HCM nhấn mạnh, tài chính đất đai là một yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt trong quản lý đất đai đô thị, nhất là đô thị như TP.HCM.
Mới đây, UBND TP.HCM đã tổ chức hội thảo “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất hiệu quả trên địa bàn TP.HCM”.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc sở TN-MT TP.HCM cho hay, một trong những yếu tố cơ bản nhất của vốn hóa đất đai là tạo nguồn thu đất đô thị, thông qua quá trình đưa đất công vào thị trường theo cơ chế nhà nước giao đất có thu tiền. Nhà nước cho thuê đất và nhà nước thu thuế, phí liên quan đến đất đai đang sử dụng trong khu vực tư nhân.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, ở các nước công nghiệp phát triển, nguồn thu từ đất chiếm 50 - 90% tổng thu ngân sách địa phương, tạo nên nguồn lực rất lớn cho nâng cấp hạ tầng và dịch vụ công cộng tại đô thị.
Còn tại TP.HCM, năm 2019, dự toán thu từ đất là 14.900 tỷ đồng nhưng ước tính thu chỉ 11.000 tỷ đồng, chỉ đạt gần 74% so với dự toán. So với năm 2016, dự toán thu 16.500 tỷ đồng và thực thu 17.000 tỷ đồng, đạt 103%. So với tổng thu ngân sách địa phương giai đoạn 2016 - 2020, tổng thu từ đất ở TP.HCM chỉ chiếm 3 - 5% tổng thu, con số quá khiêm tốn so với tiềm năng thu từ đất ở TP.HCM.
Tại TP.HCM, năm 2019, dự toán thu từ đất là 14.900 tỷ đồng nhưng ước tính thu chỉ 11.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa |
Đáng chú ý, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, tài chính đất đai là một yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt trong quản lý đất đai đô thi, nhất là đô thị như TP.HCM. Và do giá đất quá cao nên một quyết định hành chính về đất đai có thể mang lại lợi ích hoặc làm mất đi lợi ích tính tới đơn vị vài nghìn tỷ đồng.
Thep báo cáo của sở TN-MT, TP.HCM được giao nắm giữ 209,5 nghìn ha đất, trong đó hơn một nửa (114 ngàn ha) là đất nông nghiệp, còn lại (94,6 ngàn ha) là đất phi nông nghiệp.
Trong tổng diện tích đất nói trên, có 162,3 ngàn ha đang được sử dụng, 47,3 ngàn ha đang được giao để quản lý chưa được đưa vào sử dụng, và đất chưa sử dụng chỉ còn 927 ha.
Như vậy có thể thấy hầu hết đất đai của TP.HCM đang được sử dụng hoặc sẵn sàng đưa vào sử dụng. Cũng như Hà Nội, TP.HCM có giá đất cao nhất cả nước. Mỗi m2 đất thuộc bất kể loại đất nào trên thị trường đều có giá từ vài triệu đồng tới khoảng 1 tỷ đồng.
Theo diễn biến liên quan, cáo cáo mới nhất của JLL cho thấy, trong năm 2019, thị trường căn hộ tại TP.HCM đã thiết lập một mặt bằng giá mới. Tại Đường Tôn Đức Thắng (quận 1), một dự án của chủ đầu tư đến từ Hong Kong được chào bán với mức giá 300 triệu/m2.
Tại khu Đông, Masteri Parkland trên Xa lộ Hà Nội sắp được được tung ra thị trường có mức giá khoảng 120 triệu/m2.
Khu vực quận 8, đầu tháng 4/2019, một chủ đầu tư lớn có trụ sở tại quận 3 đã mở bán đợt cuối của khu phức hợp căn hộ trên đường Tạ Quang Bửu với mức giá 45- 50 triệu/m2. Ngay tại khu vực Bình Chánh, Khang Điền vừa tung ra dự án căn hộ cũng có giá 30 -35 triệu/m2. Tại khu Tây, Tập đoàn Hoa Lâm vừa gây sốt thị trường với dự án Aio City cũng có giá 45 triệu/m2.
Tại khu Nam, mức giá căn hộ tại quận 7 đã vọt lên mức 60 triệu – 90 triệu/m2. Cụ thể, dự án trên đường Nguyễn Lương Bằng của một ông lớn địa ốc khu Nam có giá 70-90 triệu/m2. Một dự án giao thô của chủ đầu tư này cũng cháy hàng trong tháng 11/2019 với mức giá 60 - 70 triệu/m2.
Vũ Đậu(T/h)