(ĐSPL) - 15h chiều, gia đình của chị L. bày dụng cụ bơm, vá xe ra góc đường Ấp Bắc-Trường Chinh (TP.HCM) để mưu sinh. Chị L. và con trai là “thợ” chính, chồng chị bị liệt cánh tay trái nên chỉ loanh quanh bơm vá, hỗ trợ vợ và con trai. Đến thời điểm ánh đèn vàng đô thị bật lên, chị L. mới dám tháo chiếc khăn che mặt, để lộ phần da thịt bị “cháy” do a-xít. Ba năm đau đớn thể xác và tinh thần, chị L. cố gắng vượt qua để sống cho tương lai của con trai.
Nỗi đau mang tên a-xít
Đã 3 năm trôi qua, những vết sẹo mang tính tàn phá từ a-xít vẫn khiến chị V.T.L. (39 tuổi, ngụ phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM) đau đớn mỗi khi trái gió trở trời. Lúc nào, chị L. cũng lấy khăn che mặt, mặc áo khoác phủ kín cơ thể để che giấu phần thân thể bị a-xít tàn phá. PV báo ĐS&PL đến gặp chị L. vào đúng giờ tan tầm. Giữa xe cộ ồn ào, chị L. đau đớn, ứa nước mắt nhắc lại nỗi đau 3 năm trước: “Tối một ngày tháng 9/2013, tôi đang vá xe cho khách thì có cảm giác lưng mình nóng rát. Tôi hoảng quá, nhờ chồng ra sau xem thử. Chồng tôi la lên khi phát hiện cơ thể tôi dính đầy axít. Chồng tôi vội vã nhờ người trông coi hiện trường rồi đưa tôi đi bệnh viện cấp cứu”.
Cơ thể của chị L. bị biến dạng hoàn toàn vì a-xít. |
“Bác sĩ bảo tôi khó qua khỏi. Vậy mà, trong lúc mê man, đau đớn, tôi vẫn nghĩ đến con, đến gia đình, đến chồng. Tôi lấy con trai là động lực để vượt qua cơn thập tử nhất sinh Và, cùng với sự tận tình của các bác sĩ, tôi đã vượt qua được. Lúc đó, nhà tôi không có tiền. Chồng tôi phải đi vay mượn nhiều nơi. Có nơi anh vay, có nơi anh nói thẳng là cho anh xin để cứu chữa cho vợ. May mà, mọi người thường ngày yêu quý vợ chồng tôi nên lúc hữu sự họ cũng dang tay giúp đỡ. Con trai tôi phải nghỉ học, ra vỉa hè sửa xe kiếm tiền phụ cha lo cho mẹ”, chị L. kể trong nước mắt.
Anh P.Q.T., chồng chị L., cũng bức xúc chia sẻ: “Lúc vào bệnh viện, tôi chứng kiến vợ đau đớn, quằn quại, cảm giác bất lực cứ dồn dập kéo đến, khiến đầu óc tôi muốn phát điên. Tôi muốn tìm ngay kẻ ác độc để trừng trị. Thế nhưng, mọi thứ đều rơi vào vô vọng. Vợ tôi phải chịu đựng nhiều lần phẫu thuật trong đau đớn, những tổn thương về mặt tinh thần khi vẻ ngoài bị tàn phá nghiêm trọng. Cô ấy không dám nhìn vào gương, không dám đi ra ngoài. Vợ tôi sống rất hiền lành, chỉ có một lần mâu thuẫn với một cặp vợ chồng làm nghề giữ xe. Họ tức giận, hăm dọa sẽ tạt a-xít vợ tôi. Đúng một tuần sau, vợ tôi bị tạt a-xít thật”.
Một giả thuyết khác cũng được anh T. đặt ra là chị L. bị vạ lây. Người đến sửa xe mới là mục tiêu của kẻ thủ ác. “Tôi có nghe mọi người nói, người đến sửa xe hôm đó có cặp bồ này kia, nên bị vợ thuê người tạt axít. Người đó cũng bị tạt trúng nhưng nhẹ hơn vợ tôi. Lúc hai thanh niên lạ mặt xuất hiện, vợ tôi có kêu người khách đến gần để thông báo là bánh xe không bị thủng. Người khách vừa ngồi xuống cạnh vợ tôi thì ca a-xít được hắt trọn về phía họ. Mọi giả thuyết đều được đưa ra và chờ đợi phía cơ quan công an điều tra. Thế nhưng, 3 năm nay, chúng tôi không nhận được thông báo nào từ cơ quan điều tra”, anh T. cho biết.
Anh T. chia sẻ, niềm tự hào duy nhất của anh là chị L.. Hai người đều vào miền Nam làm thuê từ những năm 1990. Anh T. bị liệt tay trái, làm việc gì cũng khó khăn. Chị L. lại là người con gái dịu dàng, dễ mến, đảm đang. Được chị L. đem lòng yêu mến và chấp nhận làm vợ, anh T. luôn tự nhủ phải hết lòng yêu thương, chăm lo cho gia đình. Thế nhưng, bao nhiêu năm lam lũ ở xứ phồn hoa, gia đình anh vẫn phải sống tạm bợ trong căn phòng trọ chật hẹp. Nỗi lo chạy ăn từng bữa luôn đè nặng. Biến cố đến với vợ anh 3 năm trước là tai họa khủng khiếp, đưa gia đình vào cảnh cùng quẫn.
Bí ẩn người đàn bà tìm gặp nạn nhân
Khi vào miền Nam sinh sống, chị L. còn mang nặng một lời hứa với gia đình. Đó là vừa đi làm, vừa dành thời gian hỏi thăm, tìm tung tích mộ phần của người chú ruột hy sinh tại chiến trường miền Nam. Thế nhưng, số phận không cho chị hoàn thành lời hứa. Ba năm qua, chị phải chiến đấu với nỗi đau mang tên a-xít. Con trai chị vì hoàn cảnh gia đình, vì xấu hổ với bạn bè nên chọn cách nghỉ học. Mỗi ngày, cậu bé ra vỉa hè góc đường Ấp Bắc-Trường Chinh làm thay mẹ công việc bơm, vá xe.
Thời điểm đó, người dân ở khu vực này đều thấy bóng dáng nhỏ thó của cậu bé con loay hoay với công việc bơm, vá xe. Những hộp cơm được ăn vội vàng bằng đôi tay lấm lem dầu nhớt. Những nỗi buồn xa xăm trên khuôn mặt trẻ thơ được lấp đầy bằng mồ hôi và nước mắt. Một năm sau biến cố, chị L. lại bắt tay vào công việc quen thuộc. Chị chia sẻ: “Thấy con phải nghỉ học phụ giúp gia đình, tương lai mờ mịt, tôi đau lòng lắm. Dù không muốn ra đường với gương mặt dị dạng, một bên tai bị mất và thương tật đầy mình, nhưng tôi càng không muốn con trai phải lam lũ thay cha mẹ”.
Chị gạt bỏ ngoài tai những lời gièm pha về nguyên nhân mình bị tạt a-xít. Chị khóc thầm mỗi khi nghe người khác bàn tán về gương mặt biến dạng. Mỗi lần ra ngoài, chị phải khoác nhiều lớp áo, che chắn kỹ càng gương mặt. Chị L. tâm sự: “Với những người khách biết tới hoàn cảnh của tôi, họ rất cảm thông, không tỏ vẻ sợ sệt. Thế nhưng, nhiều khách đến vá xe là phụ nữ, lại e dè khi vô tình thấy khuôn mặt, vùng cổ của tôi dưới lớp áo. Thấy họ ngạc nhiên, mắt tròn mắt dẹt, tôi lại cúi đầu hì hục làm cho nhanh để họ đi. Những lúc có trẻ con, tôi càng phải cẩn thận hơn vì lo đứa nhỏ thấy lại ám ảnh. Con trai tôi đã từng hoảng sợ khi thấy những vết sẹo trên cơ thể của mẹ. Tôi hiểu cảm giác đó và thấy đau đớn”.
Cứ 15h chiều, chị L. lại lục đục bày dụng cụ bơm, vá xe ra góc đường và cầu mong có khách ghé qua. Hoàn cảnh gia đình khó khăn là thế, nhưng chưa bao giờ chị L. có ý nghĩ “làm tiền” khách vào vá xe.
“Bao nhiêu năm, vợ tôi vẫn lấy công vá xe tầm 10.000 đến 15.000 đồng, thay ruột đúng giá công ty. Nhiều khách mến thương sự thật thà của cô ấy nên hay ghé bơm vá ủng hộ. Mỗi ngày, vợ tôi sửa xe đến 1h sáng hôm sau, nhiều lắm thì được khoảng 100.000 đồng. Tôi chỉ phụ việc lặt vặt, có ai gọi chạy xe thì tôi lại đi. Hai mẹ con lại bảo ban nhau làm việc. Mới đây, nhờ sự động viên của mẹ, con trai tôi cũng đã nhập học trở lại. Tôi luôn dặn con, tương lai gia đình phụ thuộc tất cả vào sự cố gắng học tập của con”, chồng chị L. tâm sự.
Lúc PV đến, chị L. vừa chạy đi mua đồ về. Thấy con trai vẫn mặc chiếc áo trắng, tay lấm lem, chị liền mắng con: “Đã ăn cơm chưa mà lao vào làm việc. Không ăn lại đau ra, mẹ không lo được đâu”. Cậu con trai nghe thế liền lấy hộp cơm ra ăn vội vàng. Xe khách đến đông, cậu lại bỏ dở hộp cơm phụ mẹ làm.
Chị L. cho biết thêm: “Mấy ngày nay có người đàn bà lạ mặt đến lân la nói việc của tôi bé tí mà kiện cáo làm gì. Cô ta còn bảo hay vợ chồng tôi đến gặp người hăm dọa lúc trước (hăm dọa tạt a-xít) đòi một số tiền rồi rút đơn đi. Cô này còn đưa giấy bút nói tôi viết vài chữ để rút đơn. Tôi cứ nghĩ bà ấy dở người nên không nói nhiều. Thế nhưng, tôi cũng suy nghĩ và trăn trở tìm bao nhiêu năm, gia đình tôi chỉ mong chờ người ra tay tàn độc phải trả giá. Thế nhưng, tất cả cứ rơi vào tuyệt vọng”.
Hiện nay, gia đình chị chỉ trông chờ vào những đồng tiền ít ỏi từ công việc sửa xe lề đường. Mỗi ngày, chị kiếm được khoảng 100.000 đồng, cộng thêm tiền anh chạy xe ôm thì cũng lo được gạo muối. Thế nhưng, mỗi khi trở gió, toàn thân chị lại đau nhức. Cả nhà lại loay hoay với bài toán tiền thuốc, tiền ăn, tiền học cho con trai. Vừa rồi, anh chị không có tiền đóng tiền nhà trọ. Công an phường 13 (quận Tân Bình, TP.HCM) mới huy động cán bộ đóng góp, giúp đỡ anh chị 10 triệu đồng.
Chính quyền địa phương hỗ trợ nhiều mặt cho gia đình chị L. Bà Lê Thị Thu Sương, Phó Chủ tịch UBND phường 13 (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết: “Khi biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị V.T.L, UBND phường 13 cũng có nhiều biện pháp hỗ trợ. Ngoài sự hỗ trợ của UBND phường, cán bộ phường còn vận động Mạnh Thường Quân hỗ trợ cho gia đình chị, cấp học bổng để con chị yên tâm học tập”. |
NGỌC LÀI