Giá rau xanh tại chợ tăng ‘chóng mặt’
Báo Tin Tức đưa tin, ngày 10/9 tại một số chợ lớn ở Hà Nội như: Hàng Bè, Hàng Da, Thanh Hà, Nguyễn Thiện Thuật, Cao Thắng, Long Biên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)… giá một số loại rau xanh, củ quả, đặc biệt rau gia vị vẫn tăng từng ngày.
Nếu như ngày 9/9, giá rau ngải cứu là 12.000 - 13.000 đồng/mớ, ngày 10/9 là 17.000 - 18.000 đồng/mớ và hiếm hàng, nhiều nhà hàng phải đặt mối trước mới có hàng để nhập; giá rau cải xanh từ 28.000 - 30.000 đồng/kg, tăng 3.000 - 5.000 đồng/kg so với ngày 9/9; nhiều loại rau thơm tăng gấp 2 lần so với trước bão...
Một số tiểu thương cho biết: Giá rau xanh các loại bán lẻ nhích tăng từng ngày, do những vựa rau cung cấp cho thị trường Hà Nội ở Bắc Giang, Hà Nam, Hưng Yên.,. đều bị ảnh hưởng lớn do bão Yagi.
Tại các chợ truyền thống như Hà Đông, Phùng Khoang, chợ Ngã Tư Sở… nguồn cung ứng rau xanh cũng đảm bảo nhưng giá các mặt hàng đều tăng mạnh.
Chị Hồng, tiểu thương bán rau tại chợ Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ trên Dân Trí, rau hỏng hết nên khan hiếm. Theo chị, hiện tại, giá rau tăng rất nhiều so với tuần trước, song sắp tới có thể còn đắt hơn do thiếu hàng.
Tương tự, tại chợ Vĩnh Hồ (quận Đống Đa), chị Toàn, tiểu thương bán rau cũng dự báo nhiều nơi tiếp tục mưa to, ngập sâu nên giá rau vài ngày tới chắc chắn sẽ tăng thêm. “ Hiện mỗi kg hành lá giá tới 100.000 đồng, nhiều người mua 1.000 đồng thì tôi không biết bán kiểu gì. Nhiều người mua xong thấy giá đắt còn đòi trả lại", chị than.
Trong khi đó, theo Lao Động, khảo sát ngày 10/9 cho thấy giá một số mặt hàng thịt lợn, thịt gà… tăng không đáng kể so với trước bão.
Các mặt hàng như cá rô phi được bán với giá 65.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg); cá chép được bán với giá từ 70.000 - 75.000 đồng/kg (tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg).
Giá thịt lợn dao động từ 180.000 - 250.000 đồng/kg (tùy loại); thịt bò có giá bán ở mức từ 310.000 - 360.000 đồng/kg (tùy loại), giá thịt gà ta từ 130.000 đến 160.000 đồng/kg, (tùy loại), tăng từ tăng từ 10.000 - 20.000 đồng/kg so với ngày thường.
Giá bình ổn tại siêu thị
Khảo sát tại một số hệ thống siêu thị tại Hà Nội, do có sự chuẩn bị nguồn cung từ các trang trại, doanh nghiệp thuộc hệ thống, cũng như sự kết nối từ các nguồn cung, các nhà cung cấp từ trước, nên nguồn rau xanh, thực phẩm, thịt cá không thiếu, giá cả vẫn ổn định.
Đại diện Co.opMart cho hay, mặc dù ảnh hưởng do mưa bão khiến nguồn cung và vận chuyển hàng khó khăn, nhưng siêu thị cam kết không tăng giá bất cứ mặt hàng hóa nào, đảm bảo giữ giá bình ổn cho người dân. Còn tại các hệ thống WinMart, lượng khách tới siêu thị không quá đông trong ngày 10/9, nhưng rau hết nhanh vì hàng chưa về nhiều...
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Siêu thị Big C Thăng Long, nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa, ngay khi có thông tin về bão số 3, siêu thị đã chủ động liên hệ với các đơn vị thu mua và nhà cung cấp tăng sản lượng nguồn cung, đặc biệt là các nhóm sản phẩm thiết yếu như rau, thịt, trứng, cá… với sản lượng dự trữ tăng khoảng 200 - 300% để nhằm đáp ứng được nhu cầu với người dân Thủ đô. Bên cạnh đó, chất lượng các mặt hàng cũng luôn được đảm bảo, giá cả ổn định…
Bộ Công Thương khuyến cáo người dân không tích trữ ồ ạt
Chiều 10/9, nhiều quầy kệ của siêu thị, chợ ở một số khu vực tại TP Hà Nội hết hàng cục bộ do người dân mua nhiều, mua số lượng lớn. Bộ Công Thương khẳng định nguồn cung không thiếu, theo báo Người Lao Động.
Do lượng người đổ về siêu thị liên tục và khá đông, nên đôi khi, tại một số quầy hàng rau xanh, thực phẩm ghi nhận tình trạng hết hàng cục bộ. Giá cả các mặt hàng được niêm yết công khai, không có tình trạng tăng giá.
Các mặt hàng được chọn mua chủ yếu vẫn là rau xanh, thịt lợn, thực phẩm. Giá cả các mặt hàng giữ ở mức ổn định. Không có hiện tượng tăng giá đột biến.
Tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, các sạp hàng bán rau xanh, thịt lợn, thực phẩm cũng nhanh chóng hết hàng do lượng mua tăng cao đột biến.
Đáng lo ngại, do lo sợ lụt bão, một số chợ dân sinh đã xuất hiện tình trạng người dân "tranh cướp" nhau mua thịt, mua rau…
"Người dân bình tĩnh, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng khắc phục thiệt hại và dự trữ nguồn như yếu phẩm đủ dùng, không tích trữ quá mức cần thiết để ưu tiên các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão gây ra" - Bộ Công Thương khuyến cáo.