+Aa-
    Zalo

    Giá 554 tỉ đồng/km đường “đắt nhất hành tinh”... có xắt ra miếng?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Giá làm đường cao tốc Bến Lức – Long Thành lập kỷ lục về giá mới - 554 tỉ đồng/km khiến nhiều người... không khỏi băn khoăn.

    (ĐSPL) - Dù cho lãnh đạo của công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) lý giải vì sao giá làm đường cao tốc Bến Lức – Long Thành lại lập kỷ lục về giá mới nhưng con số 554 tỉ đồng/km vẫn khiến nhiều người... không khỏi băn khoăn.

    Lý giải chung chung

    Theo số liệu chủ đầu tư cung cấp, dự án đầu tư đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có suất đầu tư bình quân lên tới 25,8 triệu USD/km tương đương 554 tỉ đồng. Đây là mức đầu tư cao kỷ lục so với các đường cao tốc khác và cao hơn cả cao tốc của Trung Quốc (10,9 triệu USD), Mỹ (17,4 triệu USD)...

    Cao tốc Trung Lương – TP. Hồ Chí Minh từng được xây dựng với chi phí rất cao nhưng tai tiếng về chất lượng.

    Lý giải tình trạng suất đầu tư của hầu hết các dự án đường cao tốc trong nước đều quá cao, ông Phạm Hồng Quang - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), phụ trách dự án - cho biết: Suất đầu tư dự án đường cao tốc phụ thuộc nhiều yếu tố như khối lượng xây lắp, chi phí trả lãi vay và các điều kiện ràng buộc khoản vay...

    Lý giải vì sao xây dựng đường cao tốc ở Việt Nam lại đắt hơn cả Mỹ, Trung Quốc, ông Phạm Hồng Quang cho hay, so sánh về chi phí suất đầu tư này chưa thật sự chính xác. Việc so sánh này chỉ là tương đối, bởi vì suất đầu tư phụ thuộc nhiều yếu tố như: Đặc điểm của sản phẩm xây dựng (mỗi công trình có một giá riêng).

    “Mổ” nguyên nhân đội vốn

    Theo chuyên gia giao thông Phạm Sanh với điều kiện tự nhiên gần tương tự, nhưng chi phí đầu tư 1km cao tốc Sài Gòn - Long Thành - Dầu Giây gấp gần hai lần cao tốc Sài Gòn - Trung Lương và cao tốc Bến Lức - Long Thành gấp gần ba lần cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, là không bình thường, chưa kể hiện tượng quyết toán điều chỉnh tăng đến 200\% so với giá ký kết hợp đồng ban đầu ở một số đường cao tốc.

    TS. Phạm Sỹ Liêm: “Nếu thiếu kinh nghiệm hay năng lực yếu thì nên thuê đơn vị quản lý của nước ngoài”.

    Trả lời phỏng vấn của PV báo Đời sống và Pháp luật, TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng bộ Xây dựng cho rằng, ở nước ta các dự án vay vốn nước ngoài đều đắt hơn so với việc huy động vốn từ nội lực. Ông cho hay: “Thực ra, giá trị công trình là do tư vấn của họ sang khảo sát, tính toán, định giá, sau đó đưa ra con số. Bên mình “chấp nhận”, thì họ cho vay. Dẫu cho lãi suất có nhẹ đi nữa, nếu việc tính giá của họ đắt có nghĩa là họ đã thu hồi ngay trong giá, nên có thể họ không cần lãi nữa”.

    Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, dù đại diện VEC đã lý giải những nguyên nhân dẫn tới giá thành suất đầu tư cao tốc này cao ngất, nhưng thực tế, đó chỉ là những lý giải chung chung mà chưa công bố cụ thể chi tiết số liệu, nên không có cơ sở để có thể đánh giá đắt rẻ một cách chính xác. Ví dụ, giải phóng mặt bằng trong phố, chắc chắn sẽ đắt hơn đất ruộng của người dân. Vật liệu xây dựng dự án mua theo giá Việt Nam hay là mua theo giá của nước ngoài cần phải công khai ra. Nhưng nếu so sánh với nhiều dự án cao tốc trong nước đều do VEC thi công, thì rõ ràng có sự chênh lệch khá lớn về suất đầu tư, chưa cần so sánh với các nước tiên tiến. Sự so sánh lúc nào cũng khập khiễng, nhưng rất cần thiết để có thể rút ra kinh nghiệm.

    “Tôi được biết đoạn dự án này có hai chiếc cầu, nếu tính cả tiền làm cầu chia bình quân thì mới đắt. Nhưng để làm rõ vấn đề VEC có thể công bố suất đầu tư cầu ở dự án này, so với suất đầu tư các cầu khác thì vấn đề đắt hay rẻ cũng sẽ rõ ràng. Mọi thứ minh bạch ra thì người dân rất dễ để so sánh đánh giá và thấy bản chất vấn đề”, nguyên Thứ trưởng cho hay.

    TS. Liêm cho rằng, cũng cần đưa ra con số ước lượng suất đầu tư bình quân cho mỗi dự án cụ thể. Chuyên gia này nhấn mạnh, hiện nay nhiều dự án lớn liên tục đội giá (điển hình là dự án đường sắt trên cao ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh), chủ đầu tư đều viện vào chuyện quản lý kém dẫn đến giá cao. “Tôi cho điều đó là vô lý. Ai bắt anh quản lý? Tại sao anh phải “ôm rơm” làm gì? Nếu anh kém thì lẽ ra phải thuê người quản lý cho anh chứ?”, TS. Liêm đặt vấn đề.

    “Ở nước ngoài chủ dự án chỉ lo giữ tiền, còn lại đều phải thuê các đơn vị quản lý, tư vấn giám sát… Nếu các đơn vị được thuê này làm ăn không uy tín thì chỉ tự… đập vỡ nồi cơm của mình. Còn ở mình, có dự án đội vốn lên 60 đến 70\%, hay suất đầu tư đắt bị dân phản ứng, lại khơi khơi lý giải là… vì tôi dốt, thì không thể chấp nhận được. Nếu thiếu kinh nghiệm, năng lực quản lý thì lẽ ra phải thuê đơn vị tư vấn quản lý giám sát hộ - nếu không tin tưởng các đơn vị trong nước thì thuê các đơn vị của nước ngoài. Chi phí thuê tư vấn quản lý không đáng kể so với khoản tiền thất thoát thì tại sao không chịu làm? Phải chăng là có những mù mờ khuất tất, đi đêm với nhau để được các đơn vị tư vấn giám sát lại quả?

    Ở Trung Quốc theo quy định cứ dự án từ 5 triệu NDT trở lên là phải thuê tư vấn quản lý chuyên nghiệp. Hơn nữa BQL dự án ở ta hiện nay, lại không phải là đơn vị quản lý sử dụng công trình, nên khả năng “sống chết mặc bay, không quan tâm đến chất lượng, chi phí làm công trình cũng là điều phải tính đến. Việc này cho thấy sự vô lý, vì đơn vị quản lý sử dụng sau khi công trình hoàn thiện lại bị bỏ ra rìa, trong khi một đơn vị không sở hữu công trình lại nhảy vào quản lý”, TS. Phạm Sỹ Liêm nhấn mạnh.

    Q. TRIỀU

    Xem thêm clip: Hoảng hồn thanh niên dừng xe trên đường cao tốc để tập thể dục

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-554-ti-dongkm-duong-dat-nhat-hanh-tinh-co-xat-ra-mieng-a93696.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan