Ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế Thái Bình phủ nhận thông tin Thái Bình đã lắp hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 trị giá hơn 7 tỉ đồng.
Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC Hà Nội và một số đơn vị liên quan khi thổi giá hệ thống xét nghiệm Real-time PCR tự động từ giá trị thực tế 2,3 tỉ đồng lên 7 tỉ đồng.
Sau vụ việc này, dư luận cũng rất quan tâm đến việc các tỉnh, thành phố mua sắm máy xét nghiệm Covid-19 phục vụ công tác phòng chống dịch trong thời gian qua, trong đó có tỉnh Thái Bình.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi trên Thanh Niên, ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế Thái Bình phủ nhận thông tin Thái Bình đã lắp hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 trị giá hơn 7 tỉ đồng.
“Theo tôi nắm được thì hệ thống máy xét nghiệm có thể từ 2.5 tỉ đến 10 tỉ cơ, tùy theo cấu hình. Tại Thái Bình, lãnh đạo tỉnh yêu cầu mua máy không chỉ phục vụ dịch Covid-19 mà còn để sử dụng cho tất cả các xét nghiệm tất cả các loại virus sau này. Chúng tôi đã đặt mua hệ thống máy Cobas 4800, máy hiện đại nhất bây giờ”, ông Phạm Văn Dịu thông tin.
Theo ông Phạm Văn Dịu, giá hệ thống máy xét nghiệm đã mua là 5,85 tỉ đồng. “Với giá đó, chúng tôi còn đề nghị nhà cung cấp khuyến mại thêm 1.300 bản test xét nghiệm do Việt Á sản xuất trị giá khoảng 600 triệu đồng và bảo hành 5 năm (bình thường là 1 năm). Tôi cam đoan, Thái Bình làm chuẩn”, ông Phạm Văn Dịu cho hay.
Lãnh đạo tỉnh Thái Bình kiểm tra việc lắp đặt hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình - Ảnh: Dân trí |
Theo tìm hiểu của PV báo Thanh Niên, trong quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu cung cấp thiết bị y tế chống dịch Covid-19 của Sở Y tế tỉnh Thái Bình thì số tiền trúng thầu là 6,48 tỉ đồng. Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc (số 7, ngõ 128 Hoàng Văn Thái, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Lý giải điều này, ông Phạm Văn Dịu cho biết: “Sau khi trúng thầu, hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân đóng góp chống dịch của MTTQ tỉnh Thái Bình, đơn vị cung cấp đã đồng ý giảm giá, gọi là ủng hộ chống dịch. Chính vì vậy, giá còn lại mới còn 5,85 tỉ đồng”.
Giám đốc Sở Y tế Thái Bình khẳng định việc mua máy được Hội đồng thẩm định giá của tỉnh Thái Bình làm rất chặt chẽ, công khai và minh bạch. "Tôi cũng đã báo cáo lãnh đạo tỉnh, thực hiện rà soát lại các quy trình cho minh bạch", ông Dịu thông tin
Trước đó, báo Giao thông dẫn nguồn thông tin từ Sở Y tế tỉnh Thái Bình cho biết, bắt đầu từ 1/4, máy xét nghiệm phát hiện Covid-19 sẽ chính thức hoạt động. Mỗi ngày máy có thể xét nghiệm được trên 200 mẫu bệnh phẩm, mỗi mẫu bệnh phẩm sẽ được trả lời sau 4 giờ xét nghiệm.
Được biết, UBND tỉnh Thái Bình đã đầu tư trên 6 tỷ đồng mua sắm hệ thống máy xét nghiệm phát hiện Covid-19 RT-PCR tự động Cobas 4800 (kỹ thuật sinh học phân tử) với mục đích rút ngắn thời gian xét nghiệm, không phải chuyển mẫu bệnh phẩm lên tuyến trên. Trong trường hợp nếu có nghi ngờ nhiễm Covid-19 sẽ được gửi lên Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kiểm tra xét nghiệm khẳng định.
Trước đây, những mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 của Thái Bình đều phải gửi lên Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Đây là một trong những thiết bị nằm trong gói kinh phí 50 tỉ đồng mà UBND tỉnh Thái Bình trang bị cho nghành Y tế để phòng, chống dịch Covid-19.
Theo VietNamNet, Bộ Y tế liên tiếp gửi 2 công văn yêu cầu Sở Y tế tất cả các tỉnh, các bệnh viện báo cáo việc mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động xét nghiệm Covid-19. 2 công văn được Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn ký liên tiếp trong các ngày 17/4 và 24/4 do nhiều địa phương chưa gửi báo cáo về việc mua sắm hệ thống Real-time PCR tự động phục vụ xét nghiệm Covid-19. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế tất cả các tỉnh, các bộ ngành và một số bệnh viện tư nhân tiếp tục thu thập bổ sung số liệu và tổng hợp báo cáo về kết quả mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động của hãng Quiagen (Đức) và toàn bộ các bộ phận cấu thành của hệ thống trên địa bàn về Bộ Y tế. Thời gian báo cáo bổ sung thêm gồm tất cả các hợp đồng đã được ký kết từ ngày 1/3/2018 đến 29/2/2020. Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị gửi tài liệu photocopy, đóng dấu sao y bản chính các văn bản: Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt; quyết định phê duyệt kết quả trúng thầu; hợp đồng mua bán giữa các bên, tài liệu về thông số, tính năng kỹ thuật của hệ thống; catologue của thiết bị chính và các thiết bị thành phần của hệ thống, chụp ảnh của các thiết bị nêu trên. |
Cự Giải(T/h)