(ĐSPL) – Sau sinh, thông thường các mẹ đều tăng cân và khó trở về vóc dáng ban đầu, tuy nhiên, một số người lại nhanh chóng bị giảm cân, thậm chí còn gầy hơn cả lúc chưa mang bầu. Nhiều người cho rằng nguyên do là vì "gần chồng" quá sớm. Liệu điều này có đúng không?
Chị Minh Nguyệt (Diễn Châu, Nghệ An) chia sẻ, chị mới sinh được 5 tháng nhưng cân nặng đang ở trong tình trạng tỷ lệ nghịch với con. Chị Nguyệt cho biết, lúc mới sinh xong chị còn 52 kg, nhưng sau 5 tháng cân nặng của chị giảm còn 46 kg, gầy hơn cả lúc chưa mang bầu (48 kg).
Mẹ chồng chị thấy con dâu ngày càng gầy, xanh xao liền hỏi vợ chồng chị có kiêng “chuyện ấy” sau sinh không, kiêng trong bao lâu? Bà còn bảo sinh xong mà gầy nhanh thế này dễ bị “sản mòn”. Bây giờ chứ ngày xưa làng xóm người ta cười cho, không dám vác mặt ra ngoài cơ.
Chị Nguyệt nghe mẹ chồng nói vậy lo lắng lắm vì vợ chồng chị chỉ hơn 1 tháng sau sinh thì quan hệ trở lại. Chị thắc mắc có phải bị giảm cân là do gần gũi chồng quá sớm như mẹ chồng chị bảo không?
Gầy yếu sau sinh do “gần chồng” quá sớm?
Theo bác sĩ Trần Việt Cường (Trưởng khoa sản, bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM) cho biết trên Khám phá, phụ nữ gầy đi sau sinh cần xem lại về vấn đề dinh dưỡng, các bữa ăn, giờ giấc nghỉ ngơi. Có thể vì sau sinh nhiều phụ nữ phải lo chăm sóc con cái, thức đêm cho con bú, lo lắng về vấn đề kinh tế nên cơ thể gầy đi. Không có chuyện quan hệ sớm 1 tháng sau sinh mà cơ thể gầy yếu đi.
Phụ nữ gầy đi sau sinh cần xem lại về vấn đề dinh dưỡng, các bữa ăn, giờ giấc nghỉ ngơi. Ảnh minh họa. |
Cũng theo bác sĩ Cường, trong y học không có khái niệm sản mòn hay sản hậu, mà chỉ có hậu sản. Thời gian hậu sản trước đây nói là 6 tuần (1,5 tháng) nhưng hiện nay có tài liệu nói thời gian hậu sản 1,5 – 3 tháng.
Bệnh lý thời kỳ hậu sản
Trong thời gian hậu sản, đáng lo ngại nhất là bệnh lý hậu sản. Những bệnh lý trong thời kỳ hậu sản bao gồm những bất thường như: nhiễm trùng, tai biến sản khoa muộn, rối loạn kinh nguyệt hay những rối loạn tâm sinh lý khác kể cả buồn hay trầm cảm sau sinh.
Cụ thể nhiễm trùng hậu sản, bắt đầu từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể qua nhiều con đường khác nhau chủ yếu là đường sinh dục, vì sau sinh cơ quan sinh dục bị tổn thương. Ban đầu viêm nhiễm ở vết cắt tầng sinh môn (sinh thường) còn với sinh mổ là vết mổ. Trong thời gian hậu sản, có máu hoặc sản dịch ra có thể dễ nhiễm trùng từ ngoài vào trong. Cụ thể là ban đầu nhiễm trùng từ ngoài âm đạo vào đến tử cung, buồng trứng, tới tai vòi và dẫn đến viêm toàn ổ bụng.
Có thể hình dung việc mang thai – sinh con – nuôi con như một tình trạng làm việc quá sức, căng thẳng… nên không ít người luôn giữ trọng lượng cơ thể ở mức quá khiêm tốn. Ảnh minh họa. |
Thông thường sau khi sinh, trong vòng 1 năm, bà mẹ phải nuôi con nhỏ, có thể cho con bú mẹ hoặc không. Khó khăn trong nuôi con, dinh dưỡng sai lầm khi nuôi con, ít vận động, làm việc quá sức… cũng là những lý do có thể làm thay đổi trọng lượng. Có thể hình dung việc mang thai – sinh con – nuôi con như một tình trạng làm việc quá sức, căng thẳng… nên không ít người luôn giữ trọng lượng cơ thể ở mức quá khiêm tốn. Bên cạnh đó, không chỉ có người bị gầy mà còn có người tăng cân hoặc không giảm cân nổi sau sinh.
Nếu sản phụ quá gầy thì cần đi khám để xác định có bệnh lý nào đó chưa được phát hiện hay không. Ngoài ra, việc quan hệ tình dục, tốt nhất nên đợi qua thời kỳ hậu sản, vì trong trường hợp chưa biến chứng, tử cung trở về bình thường trong thời gian từ 4-6 tuần. Trong tháng đầu sau sinh, lỗ cổ tử cung còn hở, còn sản dịch… đây là những điều kiện dễ gây nhiễm trùng tử cung.
Ngoài ra, trong giai đoạn này, sức khỏe của bà mẹ chưa thật sự hồi phục, đặc biệt khi có những tổn thương sinh dục hoặc sau mổ sanh sẽ gây đau khi giao hợp, ảnh hưởng đến quan hệ tình dục, đến sức khỏe.
Với những lý do đó, việc quan hệ tình dục sau khi sinh, trong thời kì hậu sản, sẽ có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe sản phụ, chứ không phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gầy, bị “sản mòn” như nhiều người vẫn nghĩ trước đây.