Nguồn tin từ cơ quan CSĐT bộ Công an, đã có kết luận điều tra vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank, nay là ngân hàng TM TNHH MTV Xây Dựng - CB).
Bị can Hứa Thị Phấn trong phiên tòa xét xử đại án VNCB giai đoạn 1. |
Nâng khống giá trị bất động sản gây thiệt hại trên 1.100 tỷ đồng của TrustBank
Cơ quan CSĐT đề nghị truy tố bị can Hứa Thị Phấn (SN 1947, quê Đồng Tháp, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT TrustBank, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ về 2 tội: Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Hai bị can Ngô Kim Huệ, nguyên Phó TGĐ TrustBank, Giám đốc công ty TNHH Phú Mỹ và Bùi Thị Kim Loan, Kế toán công ty TNHH Phú Mỹ bị truy tố chung với Hứa Thị Phấn về 2 tội danh trên.
Liên quan đến vụ án, cơ quan CSĐT bộ Công an cũng đề nghị truy tố 25 bị can khác được xác định vai trò đồng phạm với Phấn về 2 tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Trong số 25 bị can này, có nhiều người nguyên là cán bộ, nhân viên TrustBank chi nhánh Sài Gòn và chi nhánh Lam Giang.
Kết luận điều tra xác định từ tháng 6/2010, TrustBank có vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng. Hồ sơ TrustBank ghi người đại diện pháp luật của ngân hàng là ông Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch HĐQT và ông Trần Sơn Nam, Tổng Giám đốc. Tuy nhiên, 2 người này chỉ là quản lý và điều hành trên giấy tờ, còn việc điều hành TrustBank do Hứa Thị Phấn chi phối.
Bị can Phấn tuy chỉ giữ chức vụ cố vấn cao cấp HĐQT và cố vấn hội đồng Tín dụng TrustBank nhưng lại sở hữu gần 85% cổ phần. Bị can Phấn lợi dụng việc nắm giữ gần 85% vốn điều lệ tại TrustBank, là cổ đông lớn của ngân hàng, nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động của TrustBank, thâu tóm toàn bộ HĐQT, ban Điều hành và cán bộ, nhân viên ngân hàng tại 2 chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang, lũng đoạn mọi hoạt động đầu tư, hoạt động tín dụng và hoạt động thu – chi tiền mặt, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái luật Kế toán, luật Các tổ chức tín dụng và điều lệ TrustBank, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho TrustBank hơn 6.341 tỷ đồng.
Bị can Hứa Thị Phấn được xác định vai trò cầm đầu, chủ mưu phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, các bị các khác với vai trò đồng phạm giúp sức.
Sai phạm của bị can Hứa Thị Phấn và các đồng phạm các bị can được xác định thông qua 5 hành vi, gây thiệt hại cho TrustBank trên 12.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong vụ án này, cơ quan Điều tra, bộ Công An chỉ đề nghị truy tố bị can Hứa Thị Phấn, Hoàng Văn Toàn và đồng phạm liên quan đến hành vi gây thiệt hại cho TrustBank hơn 6.341 tỷ đồng, gồm: Nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bán cho TrustBank, chiếm đoạt và gây thiệt hại cho TrustBank hơn 1.100 tỷ đồng và hạch toán thu - chi khống, gây thiệt hại cho TrustBank hơn 5.256 tỷ đồng.
Hạch toán thu - chi khống gây thiệt hại trên 5.256 tỷ đồng
Kết luận điều tra xác định, từ tháng 5/2010 đến tháng 2/2012, TrustBank chi nhánh Sài Gòn và chi nhánh Lam Giang đã giải ngân cho công ty CP Đầu tư Phương Trang (gọi tắt là công ty Phương Trang) tổng cộng 83 khoản vay và 1 khoản phát hành trái phiếu với tổng số tiền đã giải ngân trên sổ sách là hơn 16.000 tỷ đồng (theo số liệu của CB tính đến ngày 15/11/2017).
Tuy nhiên, khi làm việc với cơ quan điều tra, công ty Phương Trang xác định, trên thực tế, công ty chỉ nhận được gần 4.000 tỷ đồng và chỉ chịu trách nhiệm thanh toán số tiền này cho ngân hàng.
Công ty Phương Trang tố cáo Phấn và TrustBank đã buộc công ty này phải ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân và chứng từ nhận tiền mặt, phê duyệt hồ sơ vay và tiến hành giải ngân khoản vay mà không thông báo để chiếm giữ và sử dụng tiền trái pháp luật rồi hợp thức hóa hồ sơ và đẩy dư nợ cho công ty Phương Trang.
Các bị can đã dùng nhiều thủ đoạn hạch toán trên hệ thống Smartbank như nộp tiền khống, thu tất toán khống,… sau đó lợi dụng những hồ sơ giấy tờ mà công ty Phương Trang ký trước đó để đẩy dư nợ khống cho công ty. Đến nay, TrustBank không thu hồi được tổng dư nợ vay của công ty Phương Trang gây thiệt hại cho ngân hàng này là hơn 5.465 tỷ đồng. Trong đó bị can Phấn chỉ đạo thu khống để sử dụng bất hợp pháp hơn 5.256 tỷ đồng và phải chịu trách nhiệm chính về số tiền này.
Kết luận điều tra nêu, các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trên là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng TrustBank trong các năm 2011 và 2012 rất xấu và bị ngân hàng Nhà nước (NHNN) xếp loại ngân hàng loại D (loại yếu kém, có thang điểm xếp loại theo Quyết định số 06/2008/QĐ-NHNN là dưới 50 điểm/100 điểm xếp loại).
Sự yếu kém của TrustBank do ngân hàng ngày bị lũng đoạn là một phần nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) sau này, khi nhóm cổ đông Phạm Công Danh và tập đoàn Thiên Thanh nhận chuyển giao quyền và nghĩa vụ liên quan đến TrustBank từ nhóm cổ đông Hứa Thị Phấn, thực hiện tái cơ cấu, dẫn đến NHNN phải mua lại với giá 0 đồng ngày 30/1/2015 để gánh toàn bộ hậu quả trên.
Bị can Hứa Thị Phấn được xác định vai trò cầm đầu, chủ mưu phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bị can Phấn phải chịu trách nhiệm về toàn bộ số tiền trên 6.341 tỷ đồng mà TrustBank bị thiệt hại do hành vi phạm tội của bị can và đồng phạm gây ra.
Chưa thể hỏi cung bị can Phấn vì người nay không hợp tác?
Ngày 29/9/2017, bị can Phấn bị TAND TP.Hà Nội xử 17 năm tù giam về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Bị can Phấn có kháng cáo, chờ xét xử phúc thẩm nên bản án chưa có hiệu lực pháp luật. Trước khi khởi tố bị can Phấn vào ngày 22/3/2017 thì ngày 6/3/2017, bị can Phấn nhập viện cấp cứu.
Từ đó đến nay, cơ quan điều tra bộ Công an đã nhiều lần đến bệnh viện xác định tình trạng bị can để tiến hành hỏi cung, nhưng bị can Phấn luôn trong tình trạng khó tiếp xúc, gọi không trả lời nên chưa thể hỏi cung bị can này để làm rõ các hành vi phạm tội và đơn tố cáo.
Ba hành vi khác của Hứa Thị Phấn và đồng phạm được tách ra để giải quyết trong giai đoạn 2 của vụ án
Kết luận điều tra thể hiện, ngoài gây thiệt hại số tiền trên 6.256 tỷ đồng kể trên, bị can Hứa Thị Phấn và đồng phạm còn được xác định có hành vi thông qua 29 khoản vay của nhóm Phú Mỹ, bị can Phấn đã chiếm đoạt và sử dụng trên 3.581 tỷ đồng; chỉ đạo TrustBank đầu tư trái pháp luật vào 4 dự án bất động sản chiếm đoạt và sử dụng trên 1.037 tỷ đồng; Nâng khống 25 bất động sản khác bán cho TrustBank để chiếm đoạt và sử dụng 1.024 tỷ đồng.
Ba hành vi vừa nêu của Hứa Thị Phấn và 27 đồng phạm đã gây thiệt hại cho TrustBank số tiền trên 5.643 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ quan điều tra bộ Công an đã tách 3 hành vi vừa nêu để giải quyết trong giai đoạn 2 của vụ án.
Công Thư