Liên quan đến phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm vào ngày 28/8 tới hiện đã có 3 bị cáo làm đơn xin xét xử vắng mặt với lý do sức khỏe kém. Trong đó có bà Hứa Thị Phấn cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ.
Theo tin tức trên TTXVN, trong phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Hà Văn Thắm (SN 1972, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương - OceanBank) và 50 bị cáo khác sẽ được mở vào ngày 28/8 tới, hiện đã có 3 bị cáo làm đơn xin xét xử vắng mặt với lý do sức khỏe kém, không thể đến dự phiên tòa.
Đó là bà Hứa Thị Phấn (SN 1947, trú tại phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, TP HCM; nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ) đã gửi đơn đến TAND TP Hà Nội xin được xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe già yếu và có kèm theo giấy xác nhận của bệnh viện.
Ngoài ra, nguyên Giám đốc khối kế toán và Giao dịch trong nước của OceanBank Vũ Thị Thùy Dương cũng có đơn xin xét xử vắng mặt vì vừa mới sinh con. Trong đơn, bị cáo Thùy Dương khẳng định: Bất cứ khi nào HĐXX thấy cần thiết và triệu tập, bị cáo Dương sẽ có mặt tại phiên tòa vào những thời điểm nhất định.
Bị cáo thứ ba làm đơn xin xét xử vắng mặt là Nguyễn Viết Hiền (nguyên Giám đốc OceanBank - Phòng giao dịch Âu Cơ) vì đang mắc bệnh hiểm nghèo, phải nằm điều trị trong bệnh viện.
Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm tại phiên tòa hồi tháng 2/2017 - Ảnh: An ninh Thủ đô |
Theo báo VOV, trong đại án kinh tế xảy ra tại Oceanbank, bị cáo Hứa Thị Phấn bị cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố sau khi vụ án được Tòa án Hà Nội trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Bị cáo Hứa Thị Phấn bị truy tố tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Cùng bị khởi tố tội danh trên trong đại án kinh tế tại Oceanbank còn có Hà Văn Thắm - cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank, Phạm Công Danh – Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh – cựu Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB, nay là CB), Trần Văn Bình – Tổng Giám đốc Công ty Trung Dung (công ty sân sau của Phạm Công Danh) và Nguyễn Văn Hoàn – cựu Phó TGĐ Oceanbank.
Bị cáo Hứa Thị Phấn ngoài chức danh từng nắm giữ là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ, còn được biết đến là người đại diện cho nhóm Phú Mỹ, nhóm cổ đông lớn tại Ngân hàng Đại Tín. Ngân hàng này sau đó được Hứa Thị Phấn nhượng lại cho Phạm Công Danh.
Những kỷ lục tại phiên xét xử Hà Văn Thắm
Theo báo Dân Việt, vụ án có tới 51 bị cáo bị truy tố. Với số lượng bị cáo rất đông như vậy tại phiên tòa Hội đồng xét xử sẽ phải mất rất nhiều thời gian để tiến hành kiểm tra căn cước (ngày tháng năm sinh, quê quán, nơi ở, học vấn, gia đình, ngày bị bắt, ngày nhận cáo trạng, ngày nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử).
Số người tham gia tố tụng trong vụ án này cũng đông kỷ lục: 727 người, trong đó bao gồm nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, giám định viên…
Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài trong 20 ngày, Hội đồng xét xử có 5 người, gồm 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân. TAND thành phố Hà Nội đã bố trí thêm 1 thẩm phán dự khuyết và 2 hội thẩm nhân dân dự khuyết.
Có 2 kiểm sát viên của Viện KSND thành phố Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa và 1 kiểm sát viên dự khuyết. Tính tới thời điểm này có 50 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo.
Bản cáo trạng của Viện KSND Tối cao truy tố 51 bị cáo dài 109 trang. Theo đó đại diện Viện KS giữ quyền công tố tại tòa cũng sẽ phải mất khoảng thời gian dài để trình bày toàn bộ nội dung bản cáo trạng (theo quy định trước khi vào phần xét hỏi, các bị cáo nghe đại diện Viện KS đọc bản cáo trạng).
Trong đó, riêng Hà Văn Thắm bị truy tố với 4 tội danh: “Tham ô tài sản”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng” và tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962) - nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank và là người đại diện phần vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tại Oceanbank bị truy tố về 3 tội danh là “Tham ô tài sản”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tội danh Tham ô tài sản mà Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn cùng bị truy tố có mức án cao nhất là tử hình.
Trong vụ án này số tiền thất thoát cũng kỷ lục. Theo đó ở hành vi Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế của Hà Văn Thắm và đồng phạm gây ra thiệt hại hơn 1.576 tỷ đồng.
Riêng đối với hành vi Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Hà Văn Thắm và đồng phạm đã gây thất thoát hơn 343 tỷ đồng tiền gốc và hơn 201 tỷ đồng tiền lãi của Oceanbank.
Với hành vi Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, các bị cáo đã gây thiệt hại hơn 197 tỷ đồng và hành vi tham ô tài sản gây thiệt hại hơn 49 tỷ đồng.
Báo Dân trí trích dẫn cáo trạng thể hiện, trong quá trình làm Chủ tịch HĐQT Oceanbank, Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm là thuộc cấp tại ngân hàng có nhiều vi phạm trong hoạt động tín dụng gây thiệt hại cho ngân hàng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước. Bên cạnh đó, các vi phạm pháp luật của Hà Văn Thắm và thuộc cấp góp phần gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định, Hà Văn Thắm giữ vai trò chính. Ngoài Hà Văn Thắm bị truy tố, hàng chục người còn lại chủ yếu là lãnh đạo tại hội sở ngân hàng và lãnh đạo các chi nhánh, phòng giao dịch của Oceanbank trên toàn hệ thống, lãnh đạo Công ty BSC cũng "dính" hệ lụy từ việc làm sai trái của sếp. Đáng ý chú, trong các bị cáo bị truy tố có Nguyễn Xuân Sơn, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) – là đại diện góp vốn của PVN tại ngân hàng. Bị cáo Sơn đã có hành vi lợi dụng chức vụ được giao, ban hành, tổ chức và chỉ đạo các hoạt động trái pháp luật chiếm đoạt số tiền 246 tỷ đồng. |
(Tổng hợp)