+Aa-
    Zalo

    Gặp thầy hiệu trưởng nổi tiếng yêu nghề, ham thơ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trong ngày lễ thầy trò cả nước đang tưng bừng kỷ niệm ngày Nhà giáo VN 20/11, tôi bỗng nhớ về một người thầy là Hiệu trưởng ngôi trường THPT miền núi ở Nghệ An.

    (ĐSPL) - Trong những ngày thầy trò cả nước đang tưng bừng kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi bỗng nhớ về một người thầy là Hiệu trưởng ngôi trường THPT miền núi Nghệ An, nức tiếng yêu nghề và yêu thơ.

    Trước đây, trong dịp kỉ niệm 50 năm thành lập trường THPT Thanh Chương 1 (năm 2011 - PV) , với dáng vẻ ân cần, khuôn mặt đôn hậu, mái tóc điểm bạc , đôi mắt hiền lành, thầy Lê Xuân Hường đã gây thiện cảm với người đối diện ngay từ giây phút đầu tiên gặp mặt.

    Bên chén nước chè xanh, thầy kể tôi nghe chuyện đời, chuyện nghề bằng chất giọng đặc sệt Thanh Chương nhẹ nhàng, sâu lắng. Thầy sinh năm 1957, ở xã Thanh Phong, huyệnThanh Chương (Nghệ An). Đến năm 1976, thầy Hường là một trong 3 học sinh của Nghệ An đạt giải tại cuộc thi Học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc.

    Thầy Hường bên bức tượng Đại thi hào Nguyễn Du.


    Là một học sinh học giỏi đều cả khối Tự nhiên và Xã hội, thầy thi đỗ và theo học ngành Sư phạm Vật lí Khóa 18, trường Đại học sư phạm Vinh.

    Năm 1981, thầy ra trường, bắt đầu quãng thời gian dạy học tại tỉnh Bình Thuận. Sau 5 năm công tác ở Nam Trung Bộ, thầy về mảnh đất mẹ miền Trung, bắt đầu xây dựng sự nghiệp và gia đình.

    Qua nhiều đơn vị, vị trí công tác, năm 2010, thầy Lê Xuân Hường nhận chức vụ Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Chương 1. Từ khi nhận trọng trách ấy, thầy đẫ cùng tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường không ngừng khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

    Trong suốt thời gian đó, Trường THPT Thanh Chương 1 đã nhiều lần được Thủ tướng Chính Phủ, Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. Tính đến nay, cá nhân thầy giáo Hường đã sở hữu một bộ sưu tập phần thưởng đáng tự hào gồm nhiều Bằng khen cấp Tỉnh trở lên. Trong đó có Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT…

    Không chỉ giỏi chuyên môn, năng lực quản lí lãnh đạo của một vị Hiệu trưởng, thầy Hường còn rất yêu thơ và thích làm thơ. Thơ của thầy đăng tải trên một số tờ báo như: Báo Văn Nghệ, Báo Giáo dục &Thời đại, Báo Nghệ An…

    Đặc biệt, tháng 9/2015, thầy cho ra mắt tập thơ “ Bi bô”. Lời thơ mộc mạc, chân chất nhưng rất tình người, chất chứa nhiều nỗi niềm của người thầy giáo. Thường thì sau những giờ làm việc vất vả, thầy giáo Hường tìm đến thơ để giải tỏa mệt nhọc.

    Thầy Lê Xuân Hường và tập thơ "Bi bô".


    Khi được hỏi về tên tập thơ “ Bi bô”, thầy khiêm tốn chia sẻ: “Tôi không giỏi lắm về thi pháp, chỉ tập làm thơ cho vui thôi. Quá nửa đời người rồi, trải quá nhiều biến đổi thăng trầm nên tiếng lòng của người thầy giáo mang nhiều hoài cảm, “ bi bô” như con trẻ , có chăng là “ bi bô” đôi chút về lẽ sống cuộc đời, trăn trở luân thường, đạo nghĩa, cái được mất quanh mình”.

    Nhiều bài thơ còn ẩn chứa nỗi khắc khoải, hoài niệm về trường xưa. Từ mảnh đất Thuận Hải (Bình Thuận) xa xôi ngày ấy, qua bao nẻo đường của nghề dạy học, thầy trở về trên mảnh đất quê hương. Vẫn là thứ tình cảm gần gũi, thân thương, để có lúc tác giả chẳng biết mình là “thầy” hay là cậu học trò bé bỏng ngày nào:

    “Nay ta về với ngôi trường thuở ấy
    Đứng giữa đàn em nhỏ thân yêu
    Bỗng thấy lòng như trẻ lại rất nhiều
    Như những năm xưa dưới mái trường - đi học”.

    Quê hương luôn vẫy gọi người về, nhưng người giáo viên nhân dân cũng phải cháy hết mình cho trí vận của dân tộc. Khát vọng thiêng liêng của tuổi trẻ  - khát vọng được vượt trùng dương có lẽ luôn âm ỉ cháy trong thầy:

    “Chúng con trở về Dục Thanh sau bao ngày xa cách
    Sông Cà Ty ghe thuyền tấp nập
    Bình minh lên đỏ lựng chân trời
    Ríu rít con tàu giã bến ra khơi”
    (Trích:  Trở về Dục Thanh)

    Tập thơ "Bi bô" là tiếng lòng của người thầy giáo.

    Đó còn là những tâm sự, khuyên bảo học trò gắng học tập, không phụ công ơn bố mẹ:

    “Và ngoài kia lưng áo đẫm mồ hôi
    Bố mẹ em đang cày, bừa, gặt, cấy
    Em nghĩ gì khi ngồi bên trang giấy
    Trách nhiệm- tình thương với cả cuộc đời”
    (Trích: Sáng nay em lại đến trường)

    Cũng từ những thứ quen thuộc như nét phấn, bụi phấn, hình ảnh rất gần gũi với thầy và trò, thầy Hường đã như vẽ lại được cả quá khứ bi hùng của lịch sử dân tộc:

    “Trên bẳng đen phấn vẽ những đường cong, đường thẳng
    Những dòng chữ đứng thành hàng ngay ngắn
    Bao thời đại thịnh suy, các đất nước gần xa
    Theo lời thầy và nét phấn hiện ra
    Những nét phấn như ngàn muôn tia nắng
    Soi rạng ngời khuôn mặt đàn em…”
    (Trích: Nét phấn của thầy)

    Gần như cả tập “Bi bô” ấy, thầy dành cho nghề dạy học: phấn trắng, bảng đen, hội trường, hội khóa, hội bạn thân… Những trang thơ mặn nồng tình đồng chí, đồng nghiệp, đồng hương, đồng cảnh ngộ, là dịp để gặp nhau, nắm bàn tay nhau thật chắc mà không nói nên lời:  

    “Anh có về ngày hội trường không”
    Câu thơ ai viết mênh mông nỗi niềm
    Tôi về trường cũ tìm em
    Trăng 16 chẳng còn bên góc trời
    Trường xưa nay đã di dời
    Bạn bầy xưa đã mỗi người một phương…”
    (Trích: Gửi bạn)

    Nỗi niềm ấy, những vần thơ ấy như là "chất men" giúp thầy giáo Lê Xuân Hường có thể trải lòng, trút tâm sự. Chính niềm say mê thơ văn đã giúp ông thêm yêu đời, có thêm nhiều động lực để hoàn thành tốt hơn chức vụ của một vị hiệu trưởng. Đúng như tiếng bi bô của con trẻ, tập thơ cùng tên đã cho ông được trở lại là chính mình, bi bô thỏa tiếng lòng của mình...

    TIẾN THÀNH

    [mecloud]urkOqYj9ef[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gap-thay-hieu-truong-noi-tieng-yeu-nghe-ham-tho-a120550.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.