+Aa-
    Zalo

    Gặp lại “người nhái” đặc công làm đứng tim Mỹ – Ngụy một thời

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Đặc công nói chung hay đặc công nước nói riêng, là một trong những lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, mưu trí thể hiện linh hoạt lối đánh du kích của bộ đội Việt Nam.

    (ĐSPL) - Đặc công nói chung hay đặc công nước nói riêng, là một trong những lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, mưu trí thể hiện linh hoạt lối đánh du kích của bộ đội Việt Nam.

    Với riêng chiến sỹ đặc công nước Nguyễn Xuân Sanh, thì ký ức về một thời lửa đạn không chỉ là những trận đánh năm nào, mà còn là những ngày tháng ngang dọc khắp chiến trường để tìm hài cốt đồng đội, hay miệt mài với công tác từ thiện thời bình.

    “Người nhái” của biển cả

    Một ngày cuối năm chúng tôi may mắn gặp được ông Nguyễn Xuân Sanh (SN 1941, trú tại phường Bình Hiên, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng), cùng với những người bạn lính năm xưa của mình ôn lại từng kỷ niệm chiến trường hào hùng. Dẫu cho mái tóc đã bạc, đôi mắt đã đục màu thời gian, nhưng khi ngược thời gian về lại những năm tháng hào hùng đã làm nên tên tuổi những người lính đặc công nước một thời ấy, khí thế người lính vẫn hừng hực trong ông. Đằng sau những chiến công thầm lặng ấy là cả một chặng đường lịch sử dài về cội nguồn sức mạnh, đem lại chiến thắng hào hùng cho đội đặc công nước 170 (Đoàn 126) nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung.

    Cựu đặc công nước Phạm Xuân Sanh, Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Tân Minh (từ trái sang: Ba chiến sỹ đặc công nước đầu tiên ở Mặt trận 4).

    Hơn nửa thế kỷ trước, chàng trai trẻ Nguyễn Xuân Sanh sinh ra và lớn lên trên mảnh đất binh lửa Đồng Hới (Quảng Bình). Chính từ mất mát, đau thương, ông đã sớm ý thức được sự tàn khốc của chiến tranh. Năm 1961, sau khi tốt nghiệp ngành học Hàng hải, ở cái tuổi tràn trề nhiệt huyết cống hiến cho quê hương, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên lên đường nhập ngũ. Thời điểm ông nhập ngũ, cũng là thời điểm giặc đổ bộ mạnh mẽ vào chiến trường miền Trung. Vốn là một sinh viên hàng hải thông thạo biển cả, nên ông nhanh chóng được điều về lực lượng Hải quân. Cùng năm ấy chàng thanh niên về trường Thể thao quốc phòng (Hà Nội) học tập và huấn luyện về kỹ thuật hàng hải, công tác giao thông đường thủy rồi lên đường vào Nam chiến đấu.

    Sau gần 10 năm bom đạn, ông cùng đồng đội làm nên những chiến tích vang dội ghi dấu ấn mang tên Đoàn 126. Năm 1970, theo Chỉ thị của Mặt trận 4 Quảng Đà, đội Đặc công nước 170 do ông Sanh làm Đội trưởng ra đời. Cũng từ đây, cái tên “người nhái Quách Sanh” bắt đầu hiện diện khiến kẻ thù khiếp sợ. Chúng không ngờ rằng, đêm đêm dưới dòng nước lạnh thấu xương, ông cùng đồng đội bền bỉ chịu đựng, luyện tập chờ ngày tiêu diệt địch. Ông tâm sự: “Giặc gọi tôi là người nhái Quách Sanh, treo tiền “đô” cho ai bắt được tôi. Khi ấy chúng ngán ngẩm lính đặc công nước lắm, mình cứ ngày ngủ đêm đánh khiến chúng co rúm mà chống đỡ”.

    Bản thân ông Sanh nguyên là cán bộ Đội 3 đặc công nước, vào chiến trường từ năm 1966 nên rất dạn dày kinh nghiệm. Khi được hỏi về những trận đánh, những ký ức nào mà ông nhớ nhất càng khiến ông đăm chiêu. Có lẽ với ông đã vào trận đánh là vào sinh ra tử, là hào hùng nhưng cũng lắm thương đau. Trầm ngâm suy nghĩ một hồi, ông tâm sự, mà những giọt nước mắt cứ tràn ra trên khóe mi: “Chiến tranh ác liệt, diễn tả sao hết, trong đó những trận đánh vào địa bàn Hòa Vang và khu vực xung yếu ở vành đai bảo vệ Đà Nẵng đã khiến chúng tôi hao tâm tổn khí nhất”.

    Ông tâm sự, đặc công nước cốt lấy tinh nhuệ, lấy ít đánh nhiều, đánh là thắng, không cho phép thất bại. Vậy nên mỗi khi nhận nhiệm vụ ông và các đồng đội đều phải trằn trọc suy nghĩ, tìm cách tiếp cận. Ông kể lại trận đánh mà mục tiêu đầu tiên khi ấy là cầu Đỏ và cầu Cẩm Lệ (Đà Nẵng), là hai địa thế được phòng bố nghiêm ngặt với tên đại đội trưởng địch có nhiều kinh nghiệm trong việc giữ cầu, chống “người nhái”. Thêm vào đó, địch bố trí dày đặc đèn bảo vệ, gắn thùng lựu đạn đầu mỗi trụ cầu, lưới thép gai chi chít đến nỗi muỗi cũng khó lọt.

    Ông Sanh nhớ lại: “Đội của tôi phối hợp với D91 để đánh, anh em chuẩn bị tư tưởng rồi nhất tề quyết đấu. Tối hôm đó, anh em tập trung lại bàn kế. Đồng chí Tập sau khi hiến kế xong có nói: “Nếu bị lộ, anh em sẽ dùng kíp nổ tức thời, dẫu phải hy sinh cả toàn tổ, chúng tôi cũng hứa hoàn thành nhiệm vụ của Đảng giao cho”. Nghe xong mà lòng chúng tôi se lại, ai ai cũng quay nhanh để gạt vội nỗi cảm xúc chợt đến”. Thế rồi đêm đó cả đội của ông cùng tiểu đoàn D91 lên đường.

    Sau những tiếng AK chát chúa, tiếng B40 rền trời là hai tiếng nổ lớn rung chuyển mặt đất. Hai cây cầu lớn nhất nhì Đà Nẵng thời đó là Cẩm Lệ và cầu Đỏ oằn mình ngã ào xuống nước, sóng ập ào ào vào bờ. Cả đội rút nhanh vào rừng tay bắt mặt mừng rồi chia nhau ăn vội nắm xôi cho bớt cơn lạnh.

    Hình ảnh một trận đánh sập cầu của đội Đặc công nước (ảnh: Ban liên lạc đặc công nước Quảng Đà).

    Người lính già có trái tim nhân hậu

    Quay trở về thời bình, ông tham gia tích cực vào hoạt động của khối phố tại phường Bình Hiên (Hải Châu, Đà Nẵng) với tâm niệm còn sống là còn cống hiến theo Di huấn của Bác Hồ dành cho bộ đội đặc công. Cùng với đó người lính đặc công già này vẫn luôn mang trong mình nỗi đau đáu tìm lại hài cốt của đồng đội đang nằm lại ở ngoài biển xa. Sau những chiến tích huy hoàng làm khuynh đảo kẻ thù từ những trận đánh cầu công, kho xăng, tàu quân sự... là sự ra đi thầm lặng của những đồng đội.

    Đất nước thống nhất, ông không nguôi nhớ đồng đội để rồi tất tả ngược xuôi tìm về các chiến trường xưa để hỏi thông tin đồng đội, hài cốt liệt sỹ trong thời gian chiến tranh. Ông kể, trong thời gian mấy chục năm qua, gần 30 hài cốt đồng đội được ông tìm về cùng gia đình các liệt sỹ an táng. Bên cạnh đó, ông Sanh còn tìm đến giúp đỡ các gia đình khó khăn, trẻ em cơ nhỡ. Năm 1995, ông là tình nguyện viên của Trung tâm bảo trợ trẻ mồ côi phường Bình Hiên. Với tấm lòng ấy, năm 2003, ông đảm nhiệm chức Giám đốc trung tâm Bảo trợ trẻ em quận Hải Châu (Đà Nẵng).

    Hằng năm, ông luôn tất tả khắp nơi để xin viện trợ cho các em từ các tổ chức phi chính phủ với số tiền 400 ngàn đồng mỗi em/tháng. Hiện tại, trung tâm đã có hàng chục em được nuôi dưỡng, nhiều em đã khôn lớn trưởng thành vẫn xem ông Sanh như một người cha thứ hai.

    Với anh Nguyễn Công D. (45 tuổi, trú tại Đà Nẵng), thì ông như một người ân nhân lớn của cuộc đời anh. Anh tâm sự: “Mình dính với ma túy nhiều năm, bỏ nhiều công mà không cai được nó cho dù lên xuống trung tâm 05 – 06 Quảng Nam – Đà Nẵng như cơm bữa. Rồi mình gặp bác Sanh, nghe bác tâm sự chia sẻ, tự nhiên mình thấu được cái lý, cái ý chí mới là yếu tố quan trọng nhất giúp người lầm lạc chiến thắng chính bản thân mình. Thế rồi, nhờ bác ấy giúp đỡ mà mình đoạn tuyệt với ma túy, chí thú làm ăn, nhờ đó mà hạnh phúc gia đình mới giữ được”.

    Còn như em Lê Văn Tuấn (trú phường Bình Hiên), mồ côi cha từ nhỏ. Cuộc sống của em là những ngày dầm mưa dãi nắng, chui gầm cầu, xó chợ để nuôi người mẹ mù loà, việc học hành của Tuấn tưởng chừng như sắp dừng lại, rồi may mắn gặp được ông Sanh. Tuấn nghẹn ngào: “Bác ấy xuất hiện như một tia sáng trong cuộc đời mẹ con em. Giờ em không còn phải lo học phí, lo ăn mặc, mà còn được theo đuổi những đam mê của mình”.

    Nhiều phần thưởng quý giá

    Ông Sanh chia sẻ: “Là người lính đặc công, tôi muốn được mãi cống hiến như lời Bác Hồ đã dạy: “Bộ đội đặc công là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt cần phải cố gắng đặc biệt””. Hàng chục huân chương, bằng khen, nhất là những ghi nhận thành tích của ông trong thời bình là minh chứng rõ ràng nhất cho những cống hiến không mệt mỏi của người lính già: 12 Huân chương chiến công, 4 Huy chương của Trung ương Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Ban dân vận Trung ương và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gap-lai-nguoi-nhai-dac-cong-lam-dung-tim-my-nguy-mot-thoi-a81734.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Gặp lại o du kích 15 lần được phong “dũng sỹ diệt Mỹ”

    Gặp lại o du kích 15 lần được phong “dũng sỹ diệt Mỹ”

    Vẫn nguyên vết sẹo do đạn bắn thẳng vào một nửa khuôn mặt, vẫn đau nhức mỗi khi trái gió trở trời,o du kích 15 lần được phong “dũng sỹ diệt Mỹ” đang viết tiếp những trang kịch hào hùng của cuộc đời mình bằng những việc thiện - nguyện.