+Aa-
    Zalo

    Gặp kỳ nhân 60 năm "tay cắt tóc, óc hành văn"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Ông Tuế kể bắt đầu viết châm ngôn từ năm 1991 và tự đặt cho mình mục tiêu trong ba năm viết được 100 câu. Nhưng sau khi bắt tay vào viết, thì như một mạch nguồn, chỉ sau ba đêm ông đã viết xong.

    (ĐSPL)- Cả cuộc đời gắn bó với nghề cắt tóc nhưng ông được nhiều người biết đến và ca ngợi trong tư cách của một người viết văn, có cái nhìn thấu đáo về cuộc sống. Điểm đặc biệt nhất trong gia tài văn chương của ông là kho tàng gần 4.000 câu châm ngôn răn dạy người, được đúc kết từ thực tiễn 50 năm “vật lộn” với “chức” tổ trưởng tổ dân phố và trên 60 năm hành nghề cắt tóc.

    Điều đặc biệt này đã đưa tên tuổi của “bác phó cạo” ẩn danh ở một phố nhỏ Hà thành trở thành người nổi tiếng, được ví là “ngọc ẩn Hà thành”, lên cả mặt báo của phương Tây. Thậm chí đã có nhiều cá nhân, tổ chức đã từng đề nghị ghi danh ông với kỷ lục là người Việt Nam viết châm ngôn nhiều nhất.

    Cắt tóc, viết văn, lên báo nước ngoài

    Người được nhắc đến trong bài viết này là ông Cao Văn Tuế (83 tuổi), ở phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ông học hết bậc tiểu học (thời Pháp), 15 tuổi đã theo nghiệp cắt tóc để mưu sinh, nhưng lại trở nên nổi tiếng với khả năng sáng tác văn thơ, đặc biệt là các câu châm ngôn có giá trị răn dạy con người.

    Chia sẻ về cuộc đời, “nghiệp thợ cạo” và cái sở thích văn chương, ông Tuế thổ lộ rằng, do thuở nhỏ, nhà nghèo nên để mưu sinh ông Tuế đã học nghề cắt tóc từ một người thợ già trong làng. Nhưng cũng từ đây, cái nghề cắt tóc đã vận vào đời ông như một cái nghiệp. Mãi cho đến khi ông 83 tuổi, vì quá già, tay run, mắt yếu, ông mới đành thôi không cầm kéo nữa. Nói về cái “nghề vít đầu” thiên hạ, ông Tuế thổ lộ rằng, đó là công việc “Tô Xuân”, mang đến sự trẻ trung, tươi mới cho mọi người. Nó khác hẳn với nhiều nghề khác là khách và với thợ thường hay trò chuyện. Có chuyện tưởng như bâng quơ, có chuyện thực cụ thể, có chuyện mở rộng bao la, có chuyện thu gọn lại nhỏ xíu. Nhờ đó, ông Tuế đã giao tiếp được với nhiều hạng người trong xã hội, để rồi ông chiêm nghiệm và viết. “Vít đầu” người khác không chỉ là một nghề kiếm sống mà là cả một “kho tư liệu” để ông sáng tác.

    “Tay cắt tóc, óc hành văn”, “ngồi một chỗ vẫn biết cuộc đời dở hay trong đục” là những lời bộc bạch rất thật của ông Tuế về bản thân mình. ông Tuế chia sẻ rằng, kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời cầm kéo là lần cắt tóc cho nhà văn Nguyễn Công Hoan và lần cắt tóc đó đã thổi sáng bừng lên ngọn lửa sống trong ông. Theo hồi tưởng của ông Tuế, đó là một chiều cuối thu năm 1960, khi nhà văn Nguyễn Công Hoan đến cắt tóc. ông Tuế đã chủ ý đưa một tác phẩm của ông vừa đăng báo cho nhà văn Nguyễn Công Hoan đọc và chăm chú để ý phản ứng ra sao. Sau đó, ông Tuế vui mừng khi được nhà văn Nguyễn Công Hoan khen và khuyên ông: “Cậu viết được, sau này không nên bỏ nghề cắt tóc vì nghề này lắm tư liệu và cậu cũng chớ rời vùng Bưởi, vì đây là nơi lắm người qua lại nên tiếp cận được với nhiều hạng người... Đó là tư liệu để sáng tác”. Từ đó, ông Tuế càng yêu công việc của mình hơn và càng viết nhiều hơn.

    Nói về cái tài văn của ông Tuế, nhiều người khá bất ngờ, vì học hành thì “chữ tác ra chữ tộ” thế mà ông Tuế lại “có chân” hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội từ lứa đầu tiên, vào khoảng những năm đầu của thập niên 60, thế kỷ trước. Tâm sự với tôi, ông Tuế thổ lộ rằng, tình yêu văn học của ông có lẽ bắt nguồn từ truyền thống của dòng họ chăng. Bởi, ông Tuế là con cháu dòng dõi họ Cao, (cùng họ với thánh thơ Cao Bá Quát), ở làng Phú Thị (hay còn gọi là Làng Sủi thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội) – một dòng họ nức danh khoa bảng thời phong kiến. Nói về nghề viết, ông hãnh diện vì từ những năm 50, 60, ông đã có những tác phẩm đầu tay được ghi nhận. ông viết cả thơ, truyện ngắn, tản văn, ngụ ngôn, châm ngôn. Nhiều tác phẩm đã trở nên nổi tiếng như bài thơ Chú công an tí hon được nhạc sỹ Trần Xuân Tiến phổ nhạc... Cây đa làng tôi được đăng trên báo Quân đội Nhân dân và sau đó được dịch sang tiếng Nga và đăng báo Liên Xô (cũ)... Có lẽ, thời điểm ông viết khoẻ nhất là những năm 90. Thời đó, ông đã tự chọn cho mình một lối đi riêng không trùng lặp, một thể loại rất kén người viết đó chính là châm ngôn. Với thâm niên “vít đầu” thiên hạ hơn nửa thế kỷ đã mang đến cho ông vốn sống phong phú một nguồn tư liệu sống để ông tha hồ rong chơi, bay bổng với từng con chữ. 

    Gặp “Hà thành đệ nhất tổ trưởng dân phố” về sáng tác châm ngôn
    Ông Cao Văn Tuế.

    Nghiện “vác tù và hàng tổng” và viết châm ngôn

    Được bà con tổ 29, ở phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội, quý mến, tin tưởng bầu làm tổ trưởng dân phố gần 50 năm liên tục, một kỷ lục khó ai có thể phá. Ngay cả thời điểm này, khi ông không còn sức để cầm kéo, tai đã nặng thì bà con khối phố vẫn tin tưởng giao ông trọng trách này. Nhắc đến ông Tuế, những người hiểu ông, tin tưởng ông, cảm phục ông đều ví von rằng: “Cắt tóc - Tổ trưởng dân phố - Viết văn”  là bộ ba “xe-pháo-mã” đưa ông đến thành công về sự nghiệp văn chương.

    Bản thân ông Tuế cũng thổ lộ rằng, hoà cùng cuộc sống, ông làm tổ trưởng tổ dân phố, thời gian làm tổ trưởng dân phố giúp ông thấu đáo nếp sống, cách ở của từng nhà, từng người, khi lên, khi xuống, lúc thịnh lúc suy, do đâu mà thành, bởi đâu mà bại. “Vốn quý của quê hương/ Kho báu của cuộc đời/ Tất cả! Tất cả! Gộp lại, là hạt gạo/ Tôi xin dùng: Hạt gạo ủ men, cất lên thành rượu. Đó chính là: Những dòng tâm thức”. Đó là những dòng tâm sự tự đáy lòng của tác giả khi nói về những câu châm ngôn của mình. 

    Cũng chính lấy chất liệu từ đời sống đời thường để viết văn nên châm ngôn của ông Tuế được nhiều học giả đánh giá là rất gần gũi với đời thường. Khi sáng tác châm ngôn, ông Tuế không chú trọng đi sâu vào cái gì đó quá cao siêu, triết lý một cách khó hiểu hay dùng những từ ngữ phức tạp... Ông kế thừa được cách kể chuyện của dân gian bằng những câu thành ngữ, tục ngữ dân gian mộc mạc. Những câu châm ngôn như: “Cười bằng miệng thơm như hoa/ Cười bằng mắt ngon như quả”, “Yêu ai chớ nên yêu hết/ Ghét ai chớ ghét tới cùng”, “Nơi nào cũng có đất lành/ Dành cho chim lành đậu”, “Trẻ học nói/ Già học nhịn”, “Con nhỏ thường làm ta không ngon giấc/ Con lớn làm ta thường giật mình”, “Người hay khoe cái khôn là người hay bộc lộ cái dại/ Người thường nhắc điều dại là người ẩn giấu điều khôn”. “Để mất bạn gần/ Dần dần mất bạn xa”... là cách mà ông muốn giáo dục con người hướng thiện. 

    Tâm sự về những tác phẩm của mình, ông Tuế kể rằng, ông bắt đầu viết châm ngôn từ năm 1991 và tự đặt cho mình mục tiêu trong ba năm viết được 100 câu châm ngôn. Nhưng sau khi bắt tay vào viết, thì như một mạch nguồn, chỉ sau ba đêm, ông đã viết xong. Điều đáng bàn, cả 100 câu châm ngôn trên sau khi viết, ông gửi báo Quân đội Nhân dân, báo Thanh niên, báo Giao thông... đều được đăng hết. Chính điều này càng tạo nên động lực để ông viết, đến nay, ông đã có gần 4.000 câu châm ngôn. Chính thành tựu trên mà nhiều người đã cho rằng, nên trao kỷ lục người viết châm ngôn nhiều nhất Việt Nam cho tác giả Cao Văn Tuế.

    Trò chuyện về các câu châm ngôn của mình, ông Cao Văn Tuế đọc làu làu hàng trăm câu châm ngôn cho chúng tôi nghe. Có những câu được ông sáng tác cách đây 20 năm và có những câu ông vừa mới viết. Với tôi, buổi gặp gỡ hôm đó là một bữa tiệc châm ngôn đặc biệt. Khi hỏi ông Văn Tuế đâu là câu châm ngôn ông tâm đắc nhất thì ông không ngần ngại trả lời, đó là câu: “Dùng tinh hoa của tất cả nhưng chẳng lệ thuộc vào bất cứ nơi nào, người nào”. Bình về câu châm ngôn này, ông Văn Tuế chia sẻ rằng, đây là câu châm ngôn ông viết ra dựa trên việc đúc kết từ cuộc đời, trí tuệ và nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. ông viết câu châm ngôn này là một cách để bày tỏ sự ngưỡng mộ với vị cha già dân tộc. Cũng là thông điệp sâu sắc ông muốn gửi tới giới trẻ, những ai đang đọc các câu châm ngôn của ông suy ngẫm và vận dụng vào cuộc sống.

    Văn chương của “bác phó cạo” Văn Tuế đã chinh phục được nhiều giải thưởng, khi ông lần lượt “ẵm” nhiều giải báo chí như bài thơ Chú công an tí hon sau khi đăng báo Độc lập năm 1959, được nhà xuất bản Văn học đưa vào hợp tuyển Thơ văn thiếu nhi 1945-1960; Đường về làng quê không bị lấm giầy được giải A, báo Hà Nội mới năm 1999; Nếp làng Sủi nhận giải Ba cuộc thi phóng sự báo Quân đội Nhân dân năm 1998; Hạnh phúc trên tay bà đỡ,  giải B cuộc thi Sáng tác Văn năm 2000... Các câu châm ngôn của ông đã được chọn in trên lịch Văn hoá NXB Văn hoá – Thông tin  năm 1998. Trong đó, nhiều câu được đề danh là của Khổng Tử, Kinh Thánh…

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gap-ky-nhan-60-nam-tay-cat-toc-oc-hanh-van-a34961.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan