+Aa-
    Zalo

    Ganh đua Trung-Mỹ trong vụ máy bay Malaysia mất tích

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Đối với Trung Quốc và Mỹ, việc tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích là một cơ hội thể hiện vị thế trên thế giới.

    (ĐSPL) - Đối với Trung Quốc và Mỹ, việc tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích là một cơ hội thể hiện vị thế trên thế giới.
    Việc tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích là một thách thức đối với 24 quốc gia tham gia cứu hộ.
    Cuộc tìm kiếm này có ý nghĩa lớn đối với Trung Quốc vì đây là cơ hội để Bắc Kinh nâng cấp quân đội, trong khi tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng. Về phần mình, Mỹ tìm cách chứng tỏ với các nước đồng minh vốn đang lo lắng về “mối đe dọa Trung Quốc” đang thách thức hiện trạng ở Thái Bình Dương.
    Ngay sau khi chuyến bay MH370 của Malaysia  biến mất ngày 8/3, Trung Quốc đã cử một đội tàu cứu hộ lớn chưa từng có đi đến khu vực tìm kiếm ban đầu ở  Biển Đông, một vùng biển mà Bắc Kinh coi như là sân sau của mình.
    Trung Quốc đã cử 4 tàu chiến, 5 tàu cảnh sát  biển và tuần tra dân sự, cùng với nhiều máy bay và trực thăng tham gia công cuộc tìm kiếm. Trong số các tàu chiến, có hai tàu tấn công đổ bộ lớn nhất và hiện đại nhất của Trung Quốc. Các tàu tấn công đổ bộ có lượng giãn nước 20.000 tấn này  được trang bị nhiều máy bay lên thắng, một loạt các tàu đổ bộ - trong đó có 4 tàu đệm khí.
    Chuyên gia tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải, ông Ni Lexiong, cho biết: "Một mặt, Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cùng với các nước khác. Mặt khác, hành động này cho cả thế giới biết về sức mạnh Hải quân Trung Quốc, đặc biệt so với Mỹ".
    Trong vụ máy bay Malaysia mất tích lần này, Mỹ  một lần nữa lại nhanh chóng phản ứng. Trong vòng vài ngày, Hải quân Mỹ đã cử hai tàu khu trục là USS Kidd và USS Pinckney tham gia tìm kiếm ở Biển Đông. Cả hai tàu này đều có căn cứ tại San Diego nhưng đang làm công tác huấn luyện trong khu vực (Biển Đông),  khi máy bay chở khách phản lực Boeing 777-200 của Malaysia Airlines mất tích.
    Do chuyến bay MH370 mất tích có liên quan chặt chẽ tới Bắc Kinh vì 2/3 số hành khách là người Trung Quốc, dân chúng chờ đợi chính phủ và quân đội nỗ lực tìm kiếm. Do Trung Quốc có số người đi du lịch nước ngoài đông hơn bao giờ hết - 100 triệu người vào năm ngoái, tăng hơn gấp đôi so với năm 2009, dân chúng ngày càng hy vọng chính phủ ở Bắc Kinh hỗ trợ và bảo vệ họ khi ở nước ngoài.
    Mặc dù Mỹ vẫn là cường quốc thống trị Thái Bình Dương, nhưng Trung Quốc lại khao khát vị trí đó. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc hiện đã lên tới 131 tỷ USD/năm và phục vụ cho việc phô trương sức mạnh cả về quân sự lẫn trong sứ mệnh nhân đạo.
    Nhược điểm của Trung Quốc là thiếu kinh nghiệm, chưa từng đối mặt với một cuộc xung đột lớn nào kể từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên năm 1953. Các nhà lãnh đạo Trung quốc đã tìm mọi cách đào tạo, huấn luyện quân đội trong những tình huống thực tế - bao gồm cả tìm kiếm cứu nạn trên biển và tập trận chung với các quốc gia khác.
    Giáo sư Avery Goldstein, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Pennsylvania, cho biết: “Thực tế cho thấy khả năng tìm kiếm cứu nạn của Mỹ là vô đối. Điều này thể hiện qua quy mô và mức độ hiện đại của lực lượng không quân và hải quân”.
    Do những phát hiện mới từ radar và dữ liệu vệ tinh cho thấy chiếc  Boeing 777 mất tích đã quay về phía Tây và tiếp tục  bay trong nhiều giờ, trọng tâm  tìm kiếm đã chuyển sang một khu vực  rộng lớn trải dài từ Nam Ấn Độ Dương ến Kazakhstan. Đó là một khu vực mà cả Trung Quốc và Mỹ chưa mấy quan tâm và buộc cả hai nước phải xem xét lại chiến lược của mình.
     
    Hải quân Mỹ đã quyết định chuyển sang sử dụng máy bay tuần tra  P-3 và P-8 phù hợp hơn với sứ mệnh tìm kiếm cứu nạn hiện tại, do  phạm vi tìm kiếm đang mở rộng sang khu vực Nam Ấn Độ Dương. Máy bay tuần tra P-8 Poseidon có thể liên tục tìm kiếm trong khu vực rộng 38.850 km2 trong vòng 9 tiếng đồng hồ.
    Trong khi đó, Trung Quốc đã đưa hầu hết các tàu phục vụ cho việc tìm kiếm đi về phía Singapore. Ở  đây, các tàu nói trên  sẽ chia thành 2 nhóm: một đi về phía bắc và một đi về  phía nam. Các tàu này sẽ tìm kiếm ngoài khơi bờ biển Sumatra và gần quần đảo Andaman có tổng diện tích 300.000 km2, xấp xỉ gấp  ba lần so với khu vực  tìm kiếm ở Biển Đông.
     Một vấn đề lớn của Trung Quốc là nước này đã gây bất hòa với hầu hết tất cả các nước láng giềng. Trung Quốc tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines, Việt Nam và nhiều nước khác trong khu vực. Nhiều nước đều tỏ ra cảnh giác trước những nỗ lực tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích của Trung Quốc và lo ngại  việc tìm kiếm cứu hộ này có thể nhằm kiểm soát chặt chẽ tuyến đường biển Thái Bình Dương,  tác động đến tự do thương mại.
    Chuyên gia về Trung quốc Li Mingjiang tại Đại học Công nghệ Nanyang  (Singapore)  nói: "Trung Quốc chỉ mạnh về vũ khí, nhưng lại thiếu kinh nghiệm và có mối quan hệ an ninh không tốt với các quốc gia trong khu vực. Trong khi đó, Mỹ có quan hệ tốt với các đối tác trong khu vực. Điều này khiến cho Mỹ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ”.
    Nguyễn Duyên
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/ganh-ua-trung-my-trong-vu-may-bay-malaysia-mat-tich-a451652.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.