(ĐSPL) - Trong tháng đầu tiên chạy miễn phí, buýt nhanh BRT tuyến Kim Mã – Yên Nghĩa đã vận chuyển gần 376 nghìn lượt hành khách.
Báo Giao thông dẫn tin từ Xí nghiệp xe buýt nhanh BRT Hà Nội (TCT Vận tải Hà Nội – Transerco), trong tháng đầu tiên vận hành (từ 1/1 đến hết 31/1/2017), tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã – Yên Nghĩa đã thực hiện 9.394 lượt xe, với tỷ lệ xe xuất bến đúng giờ đạt 97,9%.
Theo lãnh đạo Xí nghiệp, sản lượng khách vé lượt đạt gần 339 nghìn khách, vé tháng đạt 36.799. Tổng lượt khách đi xe buýt đạt gần 376 nghìn lượt, bình quân 39,9 khách/lượt và 16,3 nghìn khách/nhà chờ/tháng và 526,8 khách/nhà chờ/ngày.
5 nhà chờ có số lượng vé cao nhất là Kim Mã (61.632 khách), Hoàng Đạo Thúy (32.334 khách), Nguyễn Tuân (28.263 khách), Vũ Ngọc Phan (27.199 khách) và BX Yên Nghĩa (25.267 khách).
Buýt nhanh BRT tuyến Kim Mã – Yên Nghĩa vận chuyển gần 376 nghìn lượt hành khách trong 1 tháng - Ảnh: báo Giao thông |
Thông tin thêm về vấn đề này báo Tri thức trực tuyến cho hay, trong những ngày nghỉ Tết Đinh Dậu 2017, buýt nhanh BRT vẫn vận hành phục vụ hành khách. Theo đó những ngày Tết, mỗi chuyến buýt nhanh chỉ có khoảng từ 10-15 khách. Đa số người sử dụng phương tiện này ngày Tết là người già.
Anh Nguyễn Tiến Thủy, nhân viên phát vé buýt nhanh ở nhà chờ Hoàng Đạo Thúy (Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết từ ngày 30 Tết (27/1), số khách sử dụng buýt nhanh giảm một nửa so với ngày thường. "Có ngày tôi chỉ phát được khoảng 70-100 vé. Đa số hành khách sử dụng buýt nhanh ngày Tết là người già", anh Thủy nói.
Vào dịp Tết Đinh Dậu, tại Hà Nội, mặc dù đường thông thoáng nhưng tình trạng các phương tiện cá nhân lấn làn buýt nhanh vẫn diễn ra phổ biến.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND Hà Nội đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tham gia giao thông chấp hành nghiêm quy định về làn đường đối với tuyến xe buýt nhanh.
Thủ tướng chỉ đạo Hà Nội phải có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm gây cản trở hoạt động của xe buýt nhanh. UBND thành phố cần rà soát, đánh giá hiệu quả của tuyến xe buýt nhanh để có lịch trình, giá vé phù hợp
Quy định 34/2006/QĐ-BGTVT về quản lý vận tải khách công cộng bằng xe buýt Điều 6. Điểm dừng, nhà chờ xe buýt 1. Tiêu chuẩn điểm dừng xe buýt: a) Điểm dừng xe buýt trên đường bộ phải đảm bảo đúng Luật Giao thông đường bộ; b) Phạm vi điểm dừng xe buýt, phải sơn vạch phản quang để người điều khiển các phương tiện giao thông khác nhận biết; c) Khoảng cách tối đa giữa hai điểm dừng trong đô thị là 700m, ngoài đô thị là 3000m; d) Tại vị trí mỗi điểm dừng phải có biển báo hiệu điểm dừng xe buýt theo quy định; Trên biển báo hiệu phải ghi số hiệu, tên tuyến (điểm đầu - điểm cuối), lộ trình của các tuyến xe buýt dừng tại vị trí đó; đ) Tại các vị trí điểm dừng xe buýt: Trong đô thị nếu có bề rộng hè đường từ 4m trở lên, ngoài đô thị nếu có bề rộng lề đường từ 1,5m trở lên phải xây dựng nhà chờ xe buýt; e) Tại vị trí các điểm dừng phục vụ người tàn tật sử dụng xe lăn phải xây dựng lối lên xuống thuận tiện cho xe lăn. 2. Tiêu chuẩn nhà chờ xe buýt: a) Nhà chờ xe buýt phải có ghế để khách ngồi chờ, mẫu nhà chờ theo quy định của Sở Giao thông vận tải (Sở Giao thông công chính); b) Các nhà chờ phục vụ người tàn tật đi xe lăn phải xây dựng lối lên xuống thuận tiện cho xe lăn và vị trí dành riêng cho người tàn tật; c) Trong nhà chờ xe buýt phải niêm yết đầy đủ các thông tin về các tuyến xe buýt: Số hiệu tuyến, tên tuyến, lộ trình tuyến, tần suất xe chạy, thời gian hoạt động trong ngày của tuyến, số điện thoại liên hệ; d) Tại nhà chờ xe buýt, các thông tin phục vụ việc quảng cáo mà nội dung không liên quan đến hoạt động của xe buýt chỉ được thực hiện khi đã thông tin đầy đủ nội dung nêu tại điểm c khoản 2 Điều này. Các thông tin quảng cáo phải thực hiện theo đúng quy định hiện hành về quảng cáo. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
(tổng hợp)