(ĐSPL) - Tình trạng gà nhập khẩu gia tăng mạnh, đặc biệt là gà Mỹ giá “bèo” chưa tới 20.000 đồng/kg đã đẩy nhiều DN và người chăn nuôi vào cảnh lao đao.
Ngoài gà Mỹ, gà nội sắp bị “đè bẹp” bởi gà Thái Lan
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT): 7 tháng đầu năm, tổng số thịt và sản phẩm từ gia cầm làm thực phẩm nhập khẩu là 64.558 tấn trong tổng số 93.404 tấn thịt các loại, tăng khoảng 24\% so với cùng kỳ năm 2014. Phần lớn thịt gà nhập khẩu là đùi gà đông lạnh, khoảng 44.256 tấn.
Phát biểu tại Hội nghị “Phát triển chăn nuôi gà giai đoạn 2015-2018 diễn ra sáng nay (21-8), ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi đưa ra so sánh: Trong năm 2014, cả nước nhập khẩu 100.502 tấn thịt gà. Như vậy, tổng số sản phẩm thịt gà nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2015 bằng 64,3\% so với cả năm 2014. Tính trung bình, mỗi tháng của năm 2015 nhập khẩu thịt gà tăng hơn 855 tấn so với mỗi tháng của năm 2014.
Tình trạng gà nhập khẩu gia tăng mạnh, đặc biệt là gà Mỹ giá “bèo” chưa tới 20.000 đồng/kg đã đẩy nhiều DN và người chăn nuôi vào cảnh lao đao.
Đại diện một số DN tham gia hội nghị cho rằng, liên tiếp 11 tháng qua, DN luôn trong tình trạng lỗ bởi không cạnh tranh nổi về giá. Tuy nhiên, DN cũng không dám dừng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh bởi DN đã đầu tư cả dây chuyền, hệ thống máy móc với chi phí lớn nên không thể nói dừng là dừng ngay được.
Tình trạng gà nhập khẩu gia tăng mạnh, đặc biệt là gà Mỹ giá “bèo” chưa tới 20.000 đồng/kg đã đẩy nhiều DN và người chăn nuôi vào cảnh lao đao. |
Theo ông Lê Thanh Phương, Phụ trách chăn nuôi gia cầm của Công ty TNHH Emivest Feedmill, mặc dù DN vẫn cố gắng nhưng nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, chẳng bao lâu nữa DN cũng không gắng gượng nổi.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, cạnh tranh trong ngành chăn nuôi gà ngày càng trở nên gay gắt, đặt ra vấn đề tồn tại hay không tồn tại, nhất là trước làn sóng nhập khẩu thịt từ nhiều nước, đặc biệt là từ Mỹ.
Tuy nhiên, gà Mỹ tràn vào Việt Nam chỉ là khó khăn tình thế. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành vào cuối năm nay, chỉ còn vài tháng nữa, các quốc gia trong khối sẽ trở thành một thị trường chung. Lúc đó, gà nội địa còn phải cạnh tranh trực tiếp với gà Thái Lan. Và nếu không nhanh chóng đổi thay cách làm thì rất có thể ngành chăn nuôi gà sẽ thua trên chính “sân nhà”.
“Tôi rất đau đáu vấn đề, Thái Lan ngay cạnh Việt Nam vậy mà trong khi xuất khẩu gà của Thái Lan đạt tới 4 tỷ USD/năm thì Việt Nam vẫn đang loay hoay, lo lắng cho sự tồn tại của ngành. Chúng ta phải đến ngành chăn nuôi gà như của Thái Lan chứ không thể chỉ lo chống đỡ để không sụp đổ”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Bộ trưởng giao Cục Thú y và Cục Chăn nuôi phối hợp nghiên cứu, tổ chức đi khảo sát xem Thái Lan làm như thế nào về giống, thức ăn, chuồng trại, tổ chức sản xuất và cả hệ thống kinh doanh thương mại... Cái gì hay, phù hợp thì triển khai học tập.
Liên quan tới vấn đề này, đại diện Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, Thái Lan thành công là bởi đã hình thành được ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gà, trong đó chỉ do 5-6 tập đoàn phụ trách với những chuỗi liên kết hoàn chỉnh trong chăn nuôi gà.
Tại Việt Nam, phải làm sao để có thể khuyến khích việc hình thành các chuỗi liên kết chặt chẽ. “Bộ NN&PTNT có thể kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ DN đứng ra hình thành chuỗi liên kết. Sự hỗ trợ đó có thể là hỗ trợ trong đào tạo ban đầu, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm...”, vị đại diện Hội Chăn nuôi Việt Nam cho hay.
Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu, Cục Thú y phải phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tăng cường lấy mẫu giám sát không chỉ dịch bệnh mà cả chất lượng. |
Nhập nhiều, lấy mẫu kiểm tra ít
Ông Lê Bá Lịch – Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam đặt câu hỏi: “Chẳng hiểu sao tại nước Mỹ có 13 bang có dịch cúm mà gà vẫn vào được Việt Nam. Tôi nghi ngờ việc kiểm soát của Cục Thú y có vấn đề”. Trước câu hỏi của ông Lịch và nhiều ý kiến khác, ông Đàm Xuân Thành – Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, đã lấy 35 mẫu gà Mỹ kiểm tra nhưng không phát hiện ra virus cúm gia cầm, chỉ có dư lượng kháng sinh nhưng trong giới hạn cho phép.
Không chấp nhận câu trả lời của lãnh đạo Cục Thú y, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu, Cục Thú y phải phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tăng cường lấy mẫu giám sát không chỉ dịch bệnh mà cả chất lượng. “Công luận đang nghi ngờ là gà “hết đát” giá mới rẻ, nhập tới 45.000 tấn từ Mỹ mà lấy 35 mẫu là quá ít.
Mặt khác, lấy một mẫu không chỉ để xét nghiệm có một chỉ tiêu, mà phải xét nghiệm tới 150 chỉ tiêu. Phải kiểm tra xem đúng xuất xứ hay không, có đảm bảo an toàn thực phẩm hay không. Cục trưởng Cục Thú y hiện đang ở Mỹ, cần làm rõ những nội dung này”- ông Phát nói.
Theo ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi, hiện tổng đàn gia cầm của cả nước là 334 triệu con, hàng năm sản xuất đạt 826.000 tấn thịt, 8,8 tỷ quả trứng. Chăn nuôi gà trong những năm qua đã góp phần đáng kể vào tổng thu nhập quốc dân, tạo công ăn việc làm cho gần 8 triệu hộ gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, chăn nuôi gà còn nhiều bất cập và gặp nhiều rủi ro, chăn nuôi nhỏ lẻ hiện chiếm tỷ lệ cao 65\% về số lượng, 55\% về sản phẩm nên khả năng cạnh tranh thấp...”.
Sau khi nghe ông Vân nêu hàng loạt “thực trạng” trên, ông Phát hỏi: “Tại sao giá thành chăn nuôi gà ở Thái Lan chỉ 1,2 USD/kg còn của Việt Nam lại lên tới 1,6 USD, một con gà giống của Thái Lan cũng chỉ 0,3 USD còn của Việt Nam là 0,6USD…?”. Theo ông Phát: “Các đồng chí phải trả lời cho nhân dân, chứ không phải trả lời cho Bộ trưởng và phải có hành động, không thể nói mãi những lời sáo rỗng nữa”.
“Với thịt gà nhập khẩu, về lâu dài, cần có sách lược, ví như đưa ra các tiêu chuẩn thông lệ quốc tế để có cơ sở kiểm soát; làm rõ nguồn gốc thịt gà ở các nước nhập vào, đồng thời kiểm soát các lò giết mổ gia cầm trong nước”, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
[mecloud]xSDEJHm5e6[/mecloud]