+Aa-
    Zalo

    Gã “lâm tặc” không tay trả nợ rừng và trở thành “kình ngư" số 1

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Bị cụt mất hai cánh tay do ảnh hưởng của quả đạn còn sót lại trong chiến tranh nhưng ông Hoàng Lãng quyết vượt qua tật nguyền trở thành tỷ phú. Ngoài ra, ông còn được biết đến là một kình ngư nổi tiếng.

    (ĐSPL) - Bị cụt mất hai cánh tay do ảnh hưởng của quả đạn còn sót lại trong chiến tranh nhưng ông Hoàng Lãng, 54 tuổi, trú thôn Mai Đàn, xã Hải Lâm (Hải Lăng, Quảng Trị) quyết vượt qua tật nguyền trở thành tỷ phú nông dân với tài sản là 20 ha rừng tràm, lợi nhuận kinh tế mỗi năm từ trồng rừng, chăn nuôi lên tới hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, ông còn được biết đến là một kình ngư nổi tiếng ở tỉnh Quảng Trị, nhận nhiều huy chương danh giá.

    (bgiay)Gã “lâm tặc” không tay xin trả nợ rừng và trở thành “kình

     Nhiều năm qua ông Lãng được biết đến là một kình ngư nổi tiếng ở Quảng Trị.

    Những ngày tháng tuyệt vọng

    Ông Lãng là con đầu trong một gia đình nghèo có 7 anh em. Tuổi thơ khó nhọc, hàng ngày phải mò cua bắt cá trên sông Nhùng gần nhà để mưu sinh và lo chuyện học hành. Là người ham học và học rất giỏi, vậy nhưng ước mơ trở thành giáo viên của ông đành bỏ lỡ giữa chừng vì tai nạn bom mìn.

    Ông Lãng cho biết, năm ông đang học lớp 9, trong một lần theo mẹ đi làm vườn, ông chẳng may chạm phải quả đạn lẫn trong cỏ. Quả đạn phát nổ, hai cánh tay của ông vĩnh viễn mất đi. “Tỉnh dậy ở bệnh viện thấy hai tay mình không còn nữa, tôi hoảng sợ lắm. Lúc đó, tôi muốn chết quách đi cho rồi, sống không có tay thì làm sao làm việc được”, ông Lãng nhớ lại.

    Ba tháng sau khi ra viện, ông buồn, đi vất vưởng dọc đường, khắp xóm, lúc buồn thì uống rượu cho đến say mới thôi. Được sự động viên của gia đình, bè bạn, ông đã sớm vượt qua nỗi đau để thực hiện một ước mơ làm lại cuộc đời.

    Ông bắt đầu tập làm việc bằng đôi tay cụt của mình. Ban đầu chỉ làm những công việc đơn giản như bưng bát cơm, cầm cái muỗng... phải tập tành lại từ đầu, ông thấy rất khó khăn. Khi đã tự làm thuần thục được việc đơn giản sau đó ông mới làm những việc khó hơn như tập cầm cuốc, cầm cày, đi chặt mây tre trên rừng về đan rá, rổ để kiếm thêm thu nhập. Nhớ lại lúc đó, ông Lãng nói: “Mới tập, tay tôi đau, chảy máu liên miên, có khi bị cây rựa rơi trúng đầu khi đang tập chặt cây. Người nhà lo lắng, bảo tôi đừng làm, nhưng không làm lấy gì mà ăn, không lẽ ăn nhờ bố mẹ, anh em mãi được”.

    (bgiay)Gã “lâm tặc” không tay xin trả nợ rừng và trở thành “kình

    Ông Lãng trồng rau cuốc đất theo cách đặc biệt của riêng mình. 

    “Lâm tặc” trồng rừng chuộc lỗi lầm

    Năm 22 tuổi, ông Lãng được một người con gái đẹp người đẹp nết, là hoa hậu xã Hải Lâm thời đó tên Hồ Thị Dưỡng, hơn ông Lãng 2 tuổi để ý. Ông Lãng biết người ta có tình cảm với mình nhưng ông không dám mở lời yêu vì mặc cảm hoàn cảnh tàn tật của bản thân. Nhưng tình yêu chân thành của cô thiếu nữ đã khiến trái tim tội nghiệp của ông tan chảy. Ngày hai người quyết định đi đến hôn nhân, phía nhà gái ra sức can ngăn. Vì cho rằng ông Lãng tàn tật, nuôi bản thân còn khó chứ nói gì chăm lo thêm cho người khác. Nhưng rồi bằng tình yêu chân thành của mình, ông Lãng đã thuyết phục được nhà gái đồng ý.

    “Mặc dù ông ấy tật nguyền, nhưng rất thật thà, lại siêng làm, biết vượt qua khó khăn để vươn lên làm giàu. Tui khâm phục và yêu ông ấy cũng vì điều này”, bà Dưỡng tâm sự.

    Sau khi lập gia đình, ông Lãng nhận làm thủy nông cho HTX Mai Đàn, rồi làm bảo vệ các trang trại sắn của HTX. Song đồng lương quá ít ỏi, hai vợ chồng suốt ngày làm quần quật cũng chẳng đủ ăn. Túng quẫn quá không còn cách nào khác, ông bỏ việc đi làm “lâm tặc”. Chẳng ai cảnh giác với tên “lâm tặc tật nguyền” bao nhiêu cây gỗ to đều bị ông hạ đốn, xẻ thịt về bán. Nhưng rồi, cuộc đời của tên lâm tặc cụt tay bước sang một ngã rẽ mới nhờ câu nói của đứa con trai đầu. “Cô giáo con bảo, rừng vàng biển bạc. Không được chặt phá rừng, vì không có rừng sẽ gây ra lũ lụt, xói lở đất”. 

    Ngẫm câu nói của con, ông Lãng trầm ngâm: “Lúc ấy nghe con nói vô tư mà mình ứa nước mắt. Nó còn nhỏ mà nói đúng quá. Nghĩ đến những trận lũ lịch sử xảy ra tại quê nhà, cuốn nhà, trôi đất của dân làng có thể một phần hậu quả là do mình, tôi quyết tâm trồng rừng để chuộc lỗi lầm”, ông Lãng tâm sự.

    Năm 2003, ông viết đơn xin khai hoang 20 ha rừng hoang hóa (cách nhà hơn 7km) để trồng cây tràm với ước mơ phát triển kinh tế và góp phần phủ xanh đất rừng. Vậy là ông để lại vợ con ở nhà, một mình ông lên rừng làm lán trại ở lại để thực hiện ước mơ trồng rừng. Sức người thì có hạn, tiền của không có nhiều để đầu tư, ông Lãng phải tự lăn lộn khai hoang, đôi bàn tay cụt bao lần rướm máu khi trồng cây gây rừng. Khó khăn, gian nan là vậy, nhưng ông Lãng vẫn quyết tâm trả lại màu xanh cho rừng.

    Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ban ngày ông khai hoang mở đất trồng rừng. Đêm xuống ông lại mò mẫm đi thả lưới kiếm con cá, con tôm bán kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.

    Sau 11 năm lập nghiệp, đến nay ông Lãng sở hữu 20 ha rừng tràm, 5 năm thu hoạch một lần, bình quân ông thu lãi 150 triệu đồng/năm. ông trồng thêm gần 2 ha sắn, cho thu nhập gần 50 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, ông còn nuôi thêm bò, gà... thu nhập hàng năm từ 20 đến 30 triệu đồng. Mới đây, ông còn trồng thêm 2 ha cao su và chuẩn bị trồng 1 ha tiêu, dự kiến sẽ cho thu nhập cao trong vài năm tới. Cuộc sống của gia đình ông Lãng từ đó mà khấm khá hơn. Nhìn những thành quả ông đạt được đối với một người bình thường đã là quá lớn. Vậy mà một người không tay như ông Hoàng Lãng đã làm được, thật đáng để cho người khác phải cảm phục.

    Kình ngư xanh “không tay”

    Hồi còn nhỏ, ông Lãng hay tập bơi ở sông Nhùng gần nhà, nên ông bơi rất giỏi. Sau khi bị quả đạn nổ cụt mất hai cánh tay, ông Lãng vẫn mơ ước được bơi. Tình cờ một hôm, ông nghe đài nói về những vận động viên khuyết tật đăng ký tham gia môn bơi lội. Vậy là, ông mạnh dạn đến Trung tâm thể dục thể thao huyện Hải Lăng đăng ký. Ngày đầu ông dự thi trên huyện, nhiều người ác miệng dè bỉu rằng: “Cụt tay mà còn bày đặt đòi đi thi bơi, rồi có ngày chết chìm lúc nào không ai biết”. ông Lãng loáng thoáng nghe nhưng không giận, ông chỉ biết gắng nhoài người hết cỡ trên đường đua xanh, sự cố gắng của ông đã lọt vào mắt các nhà tuyển chọn.

    Khâm phục trước hàng chục bộ huy chương treo la liệt trong nhà của “kình ngư không tay”, tôi thực sự choáng khi nghe về thành tích mà ông liệt kê: Năm 2004 ông tham gia bơi giành được 3 huy chương Vàng tại hội thao người khuyết tật tỉnh và 4 huy chương Đồng tại hội thao người khuyết tật quốc gia. Năm 2005, tại hội thao người khuyết tật quốc gia ở Hà Nội, ông rinh được 2 huy chương Vàng và 3 huy chương Bạc. Năm 2006, tại TP. Hồ Chí Minh, ông phá kỷ lục quốc gia cự ly 200m bơi ếch. Năm 2008, ông đoạt 2 huy chương Bạc tại Đà Nẵng... Riêng ở giải cấp tỉnh thì ông dày đặc huy chương.

    Mỗi lần có giải đấu thể thao dành cho người khuyết tật, ông không chỉ tập luyện ở trung tâm mà ông còn tự tập thêm ở sông Nhùng. Với ông, tham gia thể thao không chỉ là những tấm huy chương mà còn là cơ hội tốt để ông cũng như những người cùng hoàn cảnh rèn luyện sức khỏe, có thêm điều kiện hòa nhập cộng đồng và vươn lên trong cuộc sống.

    Những gì ông Lãng có được như ngày hôm nay, rất đáng để cho những người bình thường như chúng ta học tập. Hy vọng rằng nhiều người khuyết tật lấy câu chuyện của ông Lãng làm tấm gương, là động lực để tự tin hơn vào chính mình, vươn lên số phận, làm việc có ích cho bản thân và xã hội.

    Cái khó ló cái khôn
    (bgiay)Gã “lâm tặc” không tay xin trả nợ rừng và trở thành “kình
    Bà Hồ Thị Dưỡng (vợ ông Lãng) đang gắn cán cuốc vào cùm sắt cho ông Lãng để chuẩn bị sợt cỏ.

    Trong việc khai hoang, ông Lãng cũng có cách riêng để có năng suất cao hơn. Lúc đầu, để cầm được cây cuốc, cây rựa, ông phải dùng dây buộc hai cánh tay cụt vào cán cuốc, cán rựa để làm việc. Vậy nhưng buộc cuốc vào tay vừa đau vừa không chắc chắn, thường bị rơi làm trầy xước, đứt tay chân. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông Lãng nghĩ ra cách tạo một cùm sắt gắn vào cán cuốc, cán rựa. Cách làm này giúp ông không còn bị bầm máu ở tay, hiệu quả làm việc được nâng lên rõ rệt.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ga-lam-tac-khong-tay-tra-no-rung-va-tro-thanh-kinh-ngu-so-1-a69662.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan