"Chúng tôi có ý định, nhưng về mặt pháp lý, đây không phải một nhiệm vụ dễ dàng. Chúng tôi mới đang ở đoạn đầu của hành trình", Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói, đề cập đến phương án tịch thu tài sản của Nga để tái thiết Ukraine trong cuộc họp báo tại Hội nghị Chuyên gia Quốc tế về Phục hồi, Tái thiết và Hiện đại hóa Ukraine diễn ra ở Berlin, Đức.
"Cần nhớ rằng chúng tôi luôn đề cao các nguyên tắc pháp luật và tuân thủ chúng, do đó quy trình phải hợp pháp", bà nói, thêm rằng một nhóm chuyên trách đã được thành lập để nghiên cứu vấn đề này.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, phương Tây đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt lên Moscow, biến Nga trở thành quốc gia bị cấm vận nhiều nhất trên thế giới. Các biện pháp trừng phạt chưa từng có của phương Tây đã đóng băng khoảng một nửa dự trữ vàng và ngoại hối của Nga, trị giá gần 640 tỷ USD trước khi xung đột nổ ra.
Về mặt pháp lý, số tài sản bị đóng băng trên vẫn thuộc về Nga hoặc các công dân nước này. Để sử dụng những tài sản này, EU cần tìm cách tịch thu chúng.
Nga chỉ trích mạnh mẽ việc đóng băng các tài sản. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng phương Tây về cơ bản đã thực hiện hành vi đánh cắp tài sản của Nga.
Các quan chức phương Tây nhiều lần bày tỏ mong muốn tịch thu tài sản của Nga để giúp Ukraine tái thiết đất nước. Tuy nhiên, vào tháng 7, tại một hội nghị khác về tái thiết Ukraine, Tổng thống Thụy Sĩ Ignazio Cassis đã phản đối một động thái như vậy, cho rằng nó sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm.
Mới đây, ngày 23/10, Ukraine thông báo đã tịch thu và bàn giao 9 tàu hàng thuộc về Nga cho một công ty của Ukraine.
Đài RT ngày 22/10 dẫn lời Văn phòng Tổng công tố viên Ukraine trên kênh Telegram: "Số tiền nhận được từ việc quản lý các tàu trên sẽ bổ sung vào ngân sách nhà nước của Ukraine. Tổng trị giá các tàu là gần 14,5 triệu USD".
Mộc Miên (T/h)