Trong kế hoạch được soạn thảo tại Brussels (Bỉ), Ủy ban châu Âu (EC) cho biết chính phủ Ukraine sẽ được nhận các khoản vay để chi trả cho việc tái thiết đất nước. Các khoản tài trợ không hoàn lại từ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ được cung cấp để xây dựng lại những ngôi nhà, trường học, đường bộ, đường sắt, sân bay và cầu bị phá hủy trong cuộc xung đột hiện nay.
Ngoài ra, EU đã đề xuất đánh giá tính khả thi của việc sử dụng những tài sản thu giữ từ những giới tài phiệt Nga và Belarus bị trừng. Đề xuất này được người đứng đầu Hội đồng châu Âu Charles Michel đưa ra hồi đầu tháng 5. Cụ thể, ông Michel nói rằng: "Tôi hoàn toàn tin rằng điều này là cực kỳ quan trọng không chỉ là đóng băng tài sản mà còn có thể tịch thu, để cung cấp cho công cuộc tái thiết đất nước".
Các nhà lập pháp ở Anh và Mỹ cũng đã đề xuất thu giữ tài sản của Nga để hỗ trợ tái thiết Ukraine và hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng.
Các quan chức Brussels cũng đã kêu gọi EU đi vay dưới danh nghĩa của khối để tài trợ các khoản vay cho Kyiv. Nếu được thông qua, đây sẽ là lần thứ 2 trong lịch sử EU đi vay mượn dưới tư cách một liên minh sau khi tài trợ cho kế hoạch phục hồi trong đại dịch COVID-19 750 tỷ euro vào năm 2020.
Kế hoạch này đã được The Guardian đăng tải trong bài viết ngày 16/5. Tuy nhiên, tờ báo lưu ý rằng nhu cầu tài chính "được dự đoán là rất lớn" và việc tái thiết sẽ kéo dài tới hơn một thập kỷ. Đồng thời, thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng vật chất được ước tính có thể lên đến hơn 100 tỷ euro.
Để thanh toán hóa đơn, ủy ban EC đề xuất kết hợp các khoản viện trợ không hoàn lại và các khoản cho vay giá rẻ, trong đó các nước thành viên EU và các nước không thuộc EU có thể đóng góp thông qua chương trình tái thiết của khối.
Tài liệu của EU nêu rõ Ukraine sẽ cần "cứu trợ tài chính ngắn hạn" để duy trì các dịch vụ cơ bản, cung cấp viện trợ nhân đạo và sửa chữa cơ sở hạ tầng thiết yếu. Để đáp ứng những nhu cầu cấp thiết này, ủy ban đề xuất các khoản vay với lãi suất thấp với thời hạn trả nợ dài hạn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã đề xuất một chương trình viện trợ trị giá 33 tỷ USD cho Ukraine vào tháng trước, trong đó bao gồm hơn 20 tỷ USD chi tiêu quân sự.
EU đã cung cấp 4,1 tỷ euro cho các khoản vay khẩn cấp và viện trợ nhân đạo kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và đồng ý tài trợ vũ khí cũng như các hỗ trợ quân sự phi sát thương khác trị giá 1,5 tỷ euro. Số tiền này không bao gồm số tiền mà các quốc gia thành viên EU đã cung cấp một cách riêng lẻ.
Theo tài liệu, kế hoạch tái thiết của EU sẽ do Brussels và Kyiv cùng lãnh đạo. Mặc dù không đề cập rõ ràng đến hy vọng gia nhập EU của Ukraine, nhưng kế hoạch này được cho là sẽ đưa Kyiv tới gần với các tiêu chuẩn của EU, bao gồm cả về pháp quyền, chống tham nhũng, năng lượng và khí hậu.
Minh Hạnh (Theo The Guardian)