Hôm 22/5, người đứng đầu chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết: “Đứng trước chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, EU đã phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ, bằng cách cung cấp hỗ trợ chính trị, tài chính, nhân đạo và quân sự cho Ukraine. Bây giờ rõ ràng là châu Âu đang gặp nguy hiểm, khi khối này đã cạn kiệt khí tài quân sự. Điều này cũng xuất phát từ việc cắt giảm ngân sách và thiếu đầu tư trước đây”.
Cũng theo ông Josep Borrell, môi trường an ninh mới chứng tỏ EU cần có trách nhiệm hơn đối với an ninh của chính mình. Để làm được điều này, EU cần các lực lượng vũ trang hiện đại và có khả năng tương thích.
Hình dưới đây phản ánh tổng chi tiêu quốc phòng của các quốc gia thành viên EU đã giảm như thế nào kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng châu Âu năm 2008, chạm đáy vào năm 2014 - khi Nga sáp nhập Crimea - và vừa đạt đến mức trước khủng hoảng.
Trong báo cáo EDA vào tháng 12/2021 đã thể hiện rõ “lỗ hổng” lớn trong chi tiêu quốc phòng và sự cắt giảm liên tục đầu tư hợp tác giữa các quốc gia thành viên.
“Dữ liệu cho thấy một quá trình âm thầm không đầu tư vào quân đội châu Âu và việc cắt giảm ngân sách do các chính sách thắt lưng buộc bụng. Tôi không thảo luận ở đây sự phù hợp của những cắt giảm này và các quyết định chính trị đằng sau chúng. Tuy nhiên, cần lưu ý để đánh giá các chính sách chi tiêu trong tương lai ở những thời điểm mà ngân sách có thể bị thắt chặt một lần nữa”, ông Josep Borrell nói.
Những khoảng trống phải đối mặt
Cũng theo ông Josep Borrell, EU đang phải đối mặt với nhiều lỗ hổng khác nhau: về tổng năng lực quân sự, về đầu tư quốc phòng nói chung, về nghiên cứu và phát triển và về sự phát triển quân sự của các nước khác.
Số số liệu chính minh họa một số khoảng cách:
- Từ năm 1999 đến năm 2021, chi tiêu quốc phòng tổng hợp của EU chỉ tăng 20%, cách xa so với con số 66% của Mỹ, 292% của Nga và 592% của Trung Quốc. Chắc chắn, người ta phải tính đến trình độ ban đầu của năng lực quân sự, nhưng những số liệu này cho thấy những xu hướng rất khác nhau
- Sự thiếu hợp tác giữa các quốc gia thành viên về quốc phòng ước tính gây thiệt hại hàng chục tỷ euro mỗi năm. Mặc dù chi tiêu quốc phòng của châu Âu tăng lên vào năm 2020, nhưng có một điểm thấp mới là chỉ 11% các khoản đầu tư được chi tiêu hợp tác - thấp hơn nhiều so với mức tiêu chuẩn 35%.
- Vào năm 2020, chi tiêu cho Nghiên cứu và Công nghệ Quốc phòng (R&T) kết hợp của các quốc gia thành viên chỉ lên tới 2,5 tỷ euro, tương đương 1,2% tổng chi tiêu quốc phòng của họ, dưới mức 2% được đặt ra như cam kết ràng buộc trong Hợp tác có cấu trúc vĩnh viễn.
“Tất cả những số liệu này minh họa những xu hướng và bất cập mà chúng ta cần giải quyết. Trong những tuần trước, nhiều quốc gia thành viên đã công bố tăng chi tiêu quốc phòng. Điều này là rất tích cực. Tuy nhiên, như tôi đã nói trước đây, điều quan trọng không phải là chỉ chi tiêu nhiều hơn mà còn cùng nhau tốt hơn để ngăn chặn sự phân mảnh.
Cho phép tôi nhấn mạnh vào ý kiến này, bởi vì nếu mọi quốc gia thành viên tăng chi tiêu quốc phòng bằng cách tự đầu tư mà không có sự điều phối của Châu Âu, thì kết quả có thể là lãng phí tiền bạc, với nguy cơ nhân lên những sơ hở hiện có và những sự trùng lặp không cần thiết”, ông Josep Borrell nhận định.
Người đứng đầu chính sách an ninh và đối ngoại của EU đề xuất tăng cường năng lực quân sự cho EU trong vòng 5 năm tới, đặc biệt là các hệ thống phòng không, an ninh mạng và vũ trụ. Về dài hạn, ông Borrell cho biết, các thành viên EU phải tập trung vào việc mua sắm và chế tạo vũ khí cùng nhau như xe tăng chiến đấu chủ lực, vũ khí chống tiếp cận tiên tiến và thiết bị cảnh báo tình huống trong không gian...
“Giờ là lúc để đẩy mạnh hàng phòng thủ châu Âu. Chúng ta cần củng cố cơ sở công nghiệp quốc phòng châu Âu và hoạt động với năng lực quân sự cần thiết. Qua đó, nâng cao năng lực quân sự của chúng ta để tự vệ, làm cho NATO mạnh hơn và hỗ trợ tốt hơn cho các đối tác của chúng ta bất cứ khi nào cần thiết”, ông Josep Borrell nhấn mạnh
Mộc Miên (Theo eeas.europa.eu)