Nếu người sử dụng lao động buộc người lao động đi làm vào ngày Tết dương lịch mà không có sự đồng ý của người lao động hoặc có sự đồng ý nhưng quá số giờ quy định khi làm thêm vào ngày Tết Dương lịch sẽ bị xử phạt đến 50 triệu đồng.
Dịp Tết Dương lịch 2019, công chức, viên chức sẽ được nghỉ liền 4 ngày - từ thứ Bảy (29/12/2018) đến hết thứ Ba (1/1/2019) và đi làm bù vào thứ Bảy (5/1/2019). Như vậy, từ ngày mai (29/12), người lao động sẽ bước vào kì nghỉ Tết dài ngày.
Trong thông báo về việc nghỉ lễ, Tết năm 2019 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, LĐTBXH nêu rõ: Các cơ quan thực hiện lịch nghỉ trên cần bố trí sắp xếp các bộ phận làm việc hợp lý để giải quyết công việc liên tục, đảm bảo tốt công tác phục vụ nhân dân. Các cơ quan không thực hiện lịch nghỉ thứ bảy, chủ nhật hàng tuần sẽ căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ phù hợp.
“Ép” người lao động đi làm dịp Tết Dương lịch có thể bị xử phạt đến 50 triệu đồng. Ảnh minh họa |
Theo quy định tại điều 106, Bộ luật lao động 2012, làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.
Trừ trường hợp có thoả thuận giữa 2 bên, nếu người sử dụng lao động buộc người lao động đi làm vào ngày Tết dương lịch và không có sự đồng ý của người lao động thì sẽ bị xử phạt theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính.
Khoản 2, Điều 14 Nghị định 95/2013/NĐ-CP chỉ rõ phạt tiền người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định về nghỉ hằng tuần, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, Tết theo các mức sau đây:
- Từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng với vi phạm từ 1-10 người lao động
- Từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng với vi phạm từ 11-50 người lao động
- Từ 3 triệu đồng đến 7 triệu đồng với vi phạm từ 51-100 người lao động
- Từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng với vi phạm từ 101-300 người lao động
-Từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Ngoài ra, tại Khoản 3 Điều 14 cũng quy định phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi:
- Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật lao động.
- Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật lao động.
Khoản 4 của điều luật này cũng quy định phạt tiền từ 25 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với người sử dụng lao động huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 106 của Bộ luật lao động hoặc quá 12 giờ đồng hồ trong 1 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ hằng tuần.
Theo khoản c, Điều 97, Bộ Luật Lao động 2012 quy định về tiền lương làm thêm giờ và làm việc vào ban đêm, nếu người lao động đi làm vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương thì được hưởng ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Khoản c, Điều 25, Nghị định 05/2015 cũng quy định vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương, người lao động hưởng ít nhất bằng 300%. Chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động hưởng lương theo ngày.
Như vậy, ngoài khoản lương đi làm nhận được vào ngày Tết, người lao động còn được nhận thêm 300%, nghĩa là cao gấp 4 lần ngày thường.
Cũng theo Bộ LĐTBXH, doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động khác tùy vào tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị để bố trí lịch nghỉ dịp lễ, Tết phù hợp quy định của pháp luật lao động.
Vũ Đậu (T/h)