Trên hành trình theo đuổi đam mê diễn xuất, Quang Tuấn đặt hết tâm sức vào từng vai diễn mà mình đảm nhận và không quên học hỏi liên tục, đặc biệt, nam diễn viên luôn có sự đồng hành của vợ - nữ ca sĩ Linh Phi.
Năm 2023 tiếp tục đánh dấu một năm hoạt động nghệ thuật năng suất của Quang Tuấn ở cả lĩnh vực điện ảnh và sân khấu kịch. Mới đây, nam diễn viên đã trải lòng nhiều điều về niềm đam mê đối với phim ảnh, diễn kịch, cũng như sự đồng hành, hỗ trợ hết mình của vợ trên con đường theo đuổi ước mơ.
PV: Sau loạt vai diễn ấn tượng trong các phim kinh dị như “Thất Sơn Tâm Linh”, “Bằng Chứng Vô Hình”…, điều gì khiến Quang Tuấn quyết định tiếp tục góp mặt trong “Tết Ở Làng Địa Ngục”?
Diễn viên Quang Tuấn: Khi được đạo diễn liên hệ cho bộ phim kinh dị, tôi đã có ý định từ chối vì suy nghĩ: “Lại là kinh dị nữa à”. Tôi muốn dừng lại một thời gian xem mình đã làm được những gì. Nhưng yếu tố quyết định vẫn là kịch bản và câu chuyện.
Khi đạo diễn Trần Hữu Tấn gửi cuốn “Tết Ở Làng Địa Ngục” đến, tôi vẫn nghĩ là mình sẽ nghỉ ngơi nên để vợ đọc. Sau khi đọc xong, vợ thấy cũng hay, mới nói tôi đọc thử. Tôi bị cuốn theo câu chuyện, theo cách viết kiểu hạ hồi phân giải của tác giả Thảo Trang, muốn biết tiếp thì mình phải đọc, càng đọc thấy càng hay, càng cuốn nên quyết định nhận lời.
Cũng là một cái duyên. Khi tham gia series kinh dị cổ trang đầu tiên của Việt Nam, tôi áp lực đủ thứ, lo lắng về phục trang, bối cảnh… Một điều lo lắng nữa là về phong tục ngày xưa, tướng đi, cách ăn nói, tôi sợ mình không biết nên phải coi nhiều, tìm hiểu tư liệu nhiều.
Bản thân tôi cảm thấy phim cổ trang Trung Quốc đều được thể hiện bằng cách diễn và ngôn từ gần gũi, đời thường. Hầu như giới trẻ bây giờ khi xem phim, nếu phong cách và ngôn từ xa lạ quá, không có trong cuộc sống hiện tại, dẫn đến không kết nối được, không hình dung được thì họ sẽ không xem.
Rất may là khi đi quay, tôi gặp được những diễn viên gạo cội ngoài Bắc như chú Phú Đôn, cô Triều Xuân, chú Văn Báo, chú Viết Liên. Các cô chú rất sởi lởi và dễ thương, dường như đoán được trong đầu tôi nghĩ gì và mở lời hết nên tôi có cơ hội hỏi. May mắn, khi phim ra rạp là mọi người hào hứng, chờ từng tập. Tôi cảm thấy công sức của ekip bỏ ra là xứng đáng và được trân trọng, rất vui và hân hoan.
PV: Vợ khiến Quang Tuấn nhận lời đóng “Tết Ở Làng Địa Ngục”, vậy còn “Quỷ Cẩu” thì sao? Bạn gặp khó khăn gì khi vào vai Nam trong phim này?
Diễn viên Quang Tuấn: Cũng giống như vậy luôn. Đạo diễn Võ Thanh Hòa muốn xây dựng một vũ trụ, làm phim kinh dị lấy cảm hứng từ hiện tượng linh dị, chẳng hạn như “Chó đội nón mê” hay “Ma da”, đều là truyền thuyết của Việt Nam. Sau khi kể sơ qua, đạo diễn Võ Thanh Hòa cũng gửi kịch bản về và vợ tôi đọc trước, rồi nói tôi đọc thử.
Đọc xong tôi thấy cuốn và thích một điều là kịch bản này có thông điệp rõ ràng, như “chó là bạn, không phải thức ăn” hay nữ chính nói một câu khiến tôi thấy tâm đắc: “Con người có sự lựa chọn nhưng chó thì không”. Sau phim này, tôi rút ra nhiều bài học cho bản thân. Thật ra phim ảnh cũng là nghệ thuật, mình làm phim ảnh gì cũng phải truyền tải thông điệp rõ ràng, tôi thích như vậy.
Tôi nghĩ vai diễn của tôi trong “Quỷ Cẩu” có thể liên hệ với cuộc sống và xã hội thực tế. Khi gặp chuyện xấu, nếu chúng ta không đứng ra, không góp một tiếng nói thì tôi nghĩ là khó để bài trừ điều xấu đó, giúp xã hội ngày càng tích cực hơn.
Nói một câu chuyện đơn giản như khi ra ngoài gặp cướp, mình nghĩ không liên quan đến mình, hơi đâu động vào mất công liên lụy. Ai làm người đó chịu nhưng thực sự có liên đới. Chẳng hạn sau này người thân mình bị cướp mà người xung quanh cũng thờ ơ như mình thì sao?
Bởi thế, khi “Quỷ Cẩu” có thông điệp như vậy, tôi rất mừng và hy vọng khán giả sẽ đón nhận bộ phim cũng như thông điệp của phim để lan tỏa điều tích cực tới xã hội.
Tính sơ sơ thì đến nay tôi đã đóng 5 phim kinh dị, gồm “Thất Sơn Tâm Linh”, “Bóng Đè”, “Bằng Chứng Vô Hình”, “Tết Ở Làng Địa Ngục” và “Quỷ Cẩu”.
Trong phim “Quỷ Cẩu”, tôi vào vai Nam - con trai của ông chủ lò mổ chó. Nhân vật Nam sinh ra trong gia đình gốc Bắc di cư vào Nam, do không biết về phong tục tập quán của người Bắc xưa nên tôi phải tìm hiểu tư liệu. May mắn nữa là được đóng chung với chị Vân Dung, anh Quốc Quân, được anh chị chỉ bảo về phong tục và nhiều thứ.
PV: Nhiều diễn viên bảo khi đóng phim kinh dị khó thoát vai, bị ám ảnh… Quang Tuấn có suy nghĩ gì về ý kiến này?
Diễn viên Quang Tuấn: Câu này mọi người đã hỏi rất nhiều lần. Tôi chia sẻ điều này, có lẽ những diễn viên sẽ đồng cảm hơn. Thực ra, diễn viên may mắn lắm vì hơn những nghề khác ở chỗ họ được xuất hiện trên truyền hình, được công chúng biết đến. Và diễn viên có nhiều lợi thế hơn khi được trải nghiệm cuộc sống của những người khác, nhiều ngành nghề khác nhau. Lúc nhận được kịch bản và bắt đầu đi tìm hiểu, dấn thân thật sự háo hức lắm.
Mọi người nói rằng, khi mình làm cái gì, đối diện với việc đó lâu quá thì mình sẽ bị “ám” vô, giống như mình nói cái gì lâu ngày thì sẽ thành thói quen, mà thói quen lâu ngày sẽ thành bản chất. Khi tham gia bộ phim khoảng 4 - 5 tháng, mình dồn hết tâm huyết vào phim, cứ ăn và suy nghĩ tới phim thì chắc chắn sẽ bị “ám” vào người mình một phần và mình không thể chối cãi được.
Có lần đi quay phim về, vợ tôi nói: “Ủa sao ánh mắt ba ghê ghê vậy?”. Thực ra tôi đâu có ghê, trong lòng tôi không nghĩ gì hết. Lúc này tôi nghĩ chắc mình còn ảnh hưởng từ vai diễn trong phim.
Về việc thoát vai hay không thoát vai, tôi nghĩ hai câu chuyện đó khác nhau hoàn toàn. Đời là đời mà phim là phim, theo quan điểm cá nhân tôi và những gì tôi đã trải qua, tôi cho rằng mình phải làm tròn cái tôi của diễn viên cũng như cái tôi của nhân vật. Một diễn viên giỏi phải khống chế được hai điều đó.
Như trong “Tro Tàn Rực Rỡ”, khán giả khi xem phim sẽ thấy được đó là cuộc sống của Tam, chứ không phải Quang Tuấn đang ngồi đắp bùn, đốt lò hay đau đáu nhìn ngọn lửa đam mê. Tôi đã có thời gian ở dưới đó, làm quen với môi trường đó thì người mà khán giả thấy là Tam, chứ không phải Quang Tuấn.
Còn một bản ngã con người nữa chính là cái tôi của mình. Tôi cần kiểm soát cái tôi của mình lại, phải rạch ròi giữa hai điều đó.
PV: Năm qua Quang Tuấn có rất nhiều vai diễn, bản thân bạn có kỳ vọng gì về giải thưởng hay vào những vai diễn này không?
Diễn viên Quang Tuấn: Tôi đam mê diễn xuất và muốn được trải nghiệm những cuộc đời nên luôn làm hết sức với mỗi vai diễn mình đảm nhận. Tôi thường nói với nhà sản xất hay đạo diễn rằng, nếu muốn tôi nhận lời thì cho tôi ít nhất 1 - 2 tháng để nhân vật của tôi cần gì thì tôi tìm hiểu và học hỏi.
Khi tham gia “Tro Tàn Rực Rỡ”, tôi phải đến lò than ở để tập cưa, tập đắp bùn, sắp than rồi ngủ trong lò. Nhìn thì đơn giản nhưng thực sư không đơn giản đâu, ngay cả ông chủ lò than đó còn nói: “Trời, con hay quá vậy”. Khi đốt lửa lò rồi vào trong đó ngồi, nếu người nào không quen mùi cây đước thì nằm 5 phút là xỉu luôn. Ông chủ bảo rằng, chú là chủ còn chưa dám vào đó để nằm đâu nhưng cái đó là mình được trải nghiệm.
Bà chủ lò than lại nói: “Từ ngày có con xuống là cô không cần phải mướn nhân công nữa”. Tại vì tôi xông pha vào ở đó, mà những trải nghiệm đó thú vị và hay, kích thích mình lắm.
Khi “Tro Tàn Rực Rỡ” chiếu và được mọi người đón nhận, đó đã là một niềm vui rồi. Còn về giải thưởng, đoàn phim giống như một gia đình vậy, nếu bạn diễn của tôi giành được thì tôi mừng cho họ, còn nếu tôi được thì tôi biết chắc họ sẽ mừng cho tôi. Quan trọng là thành phẩm, những gì mà mọi người đã cộng tác với nhau để tạo ra. Mục đích chính là đưa bộ phim tới khán giả và lan tỏa những thông điệp, đó là điều hạnh phúc của diễn viên.
PV: Vậy còn danh xưng “ông hoàng phòng vé”, Quang Tuấn có kỳ vọng sẽ được gọi với danh xưng này không?
Diễn viên Quang Tuấn: Thật ra tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ là “ông hoàng phòng vé”, mà chỉ muốn làm tốt nhất ở lĩnh vực của mình. Khi làm nghề, tôi chỉ nghĩ đến đam mê và khán giả, xem đã làm được gì với nghề và cho khán giả.
Ở sân khấu kịch hồi xưa tôi tham gia, tôi cứ cố gắng phấn đấu rồi đến một ngày nào đó sẽ nhận lại được nhiều thứ, chẳng hạn như những giải thưởng ở các kỳ liên hoan và được khán giả yêu thương, như vậy là thành công rồi.
Khi chuyển qua phim truyền hình, tôi giành 2 giải Cánh Diều Vàng, ngoài ra còn được đồng nghiệp và khán giả yêu quý. Tới lúc thử sức với dòng phim kinh dị, mọi người gọi tôi làm, tôi thích và cảm thấy đam mê với nó. Chưa kể, mọi người nói có phim kinh dị là có Quang Tuấn hay gọi mình là “ông hoàng phim kinh dị”.
Thành công như vậy là được rồi, “ông hoàng phòng vé” thì còn tùy duyên nữa. Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu mình cứ sống và phấn đấu, cố gắng hết mình thì chuyện gì tới cũng sẽ tới, giống như mấy đạo diễn lớn nói với tôi vậy.
PV: Có hay không hiện tượng “dìm” phim của đồng nghiệp xuống để phim của mình nổi lên và Quang Tuấn có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Diễn viên Quang Tuấn: Mọi người lành mạnh lắm, giống như phim “Quỷ Cẩu” hay những phim khác đang chiếu thì bất di bất dịch không bao giờ chê phim của đồng nghiệp và đưa phim mình lên. Một môi trường cạnh tranh lành mạnh sẽ thúc đẩy cho nền điện ảnh hơn.
Nền điện ảnh nói thật là một miếng bánh rộng lớn lắm, thay vì bạn chia nhỏ miếng bánh ra và bạn chỉ muốn một miếng bánh nhỏ thôi thì tại sao chúng ta không chung tay mở rộng miếng bánh ra để nghề mình ngày càng phát triển? Điều đó sẽ hay hơn.
PV: Hành trình làm phim của Quang Tuấn cũng khá dài nhưng mấy năm nay mới nở rộ. Người ta vẫn hay nói đóng rất nhiều vai chính nhưng mấy năm nay mới gặp thời. Bạn nghĩ sao về ý kiến này?
Diễn viên Quang Tuấn: Ngay từ khi mới làm phim, tôi cảm thấy bản thân may mắn khi được các cô chú, thầy cô đặt kỳ vọng rất nhiều. Như thầy Tường Phương, anh Bảo Quốc, chú Hữu Châu hay những người lớn, khi lần đầu tiếp xúc làm việc, họ nói rằng họ bắt gặp tuổi trẻ làm nghề của họ trong tôi. Vì được kỳ vọng rất nhiều nên đôi khi tôi cảm thấy áp lực.
Có những lúc tôi đang diễn kịch ở trên mà nhìn xuống thấy thầy cô xem mà thầy cô khen, sau thầy cô mua vé gia đình đi xem rồi khen tiếp. Bỗng nhiên một ngày tôi đang diễn thấy thầy ngồi dưới, rồi thầy nói: “Tuấn mai uống cà phê với thầy nha”. Tôi chuẩn bị tâm lý là ra sẽ được khen nữa đây nhưng mà không phải vậy.
Tôi vẫn nhớ như in hôm thứ Bảy đó, tôi chào và hỏi thầy hôm trước xem có vui hay không. “Tại sao vậy Tuấn? Tại sao em diễn dối như vậy? Thầy quá thất vọng, diễn viên tồi”, thầy bảo tôi. Biết bao nhiêu diễn viên, đạo diễn ở đó đều nhìn, tôi cảm thấy như muốn có cái lỗ để chui xuống.
Về sau, tôi ngẫm đi nghĩ lại do thầy quá thương và quá kỳ vọng, thầy nói như vậy vì không muốn mình hư, muốn mình làm nghề đàng hoàng. Người ta thương, người ta kỳ vọng, thành ra mình bị áp lực. Tuy nhiên, khi lớn lên chút xíu và đi làm nghề, tôi nhận ra những cái đó là tích cực chứ không phải áp lực để mình cố gắng.
Tôi không muốn làm cho mọi người phải thất vọng về mình nên luôn cố gắng luôn trau dồi. Cái nghề này đòi hỏi trau dồi rất nhiều, nó rộng lớn lắm và mình học hỏi ngay cả từ những bạn diễn viên trẻ. Tuổi trẻ bây giờ có những cái hay lắm, những tích tắc mà mình không bao giờ có được. Họ có cái mộc, cái tự nhiên. Ngay cả khi DJ Mie đóng phim, tôi học được nhiều thứ.
Đôi khi tôi phải nhìn nhận lại bản thân mình vì tôi diễn lâu năm quá, thanh ra tôi nghĩ mình bị diễn, còn các bạn có cái mộc. Có thể các bạn thể hiện những đoạn tâm lý chưa tốt nhưng những cái lúc vào vai thì cái mộc và cái đời sống ngoài đời rất tốt. Các bạn trẻ hện nay rất năng động, nếu mà mình không học những tích tắc đó thì mình không theo kịp.
PV: Như Quang Tuấn đã chia sẻ, có thể thấy vợ là người hỗ trợ và ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp của bạn?
Diễn viên Quang Tuấn: Sau khi lấy vợ, tôi cảm giác sự nghiệp của mình có đi lên. Tôi cảm ơn rất nhiều. Khi chưa có vợ, tôi phải lo nhiều thứ về phục trang, thời gian…, bị phân tâm nhiều. Sau khi lập gia đình, chính vợ đã nói với tôi: ‘Giờ mẹ sẽ ở nhà để lo tất cả mọi thứ, ba chỉ cần làm tốt nhất công việc của ba’”. Tôi cảm thấy rất may mắn vì có một người vợ hiểu mình, cho mình được sống thỏa đam mê. Được vợ ủng hộ như vậy thì tôi nghĩ tôi sẽ làm tốt.
Về phần lựa chọn kịch bản, vợ tôi có cái nhìn bao quát ở phương diện một khán giả. Trải qua nhiều dự án, những dự đoán của vợ đều đúng nên tôi rất tin tưởng. Ngoài ra, vợ chồng tôi cũng thống nhất với nhau là muốn làm gì thì cả hai cùng nhau ngồi lại rồi xem kịch bản và vợ luôn luôn là là người đọc trước. Tôi từng nói với đạo diễn Võ Thái Hòa “vợ em là người quyết định hết”, thực sự tôi thấy may mắn khi vợ đồng hành và hiểu được mình.
Thật ra trong nghệ thuật, cái điều quan trọng nhất là kịch bản, sau đó là kịch bản có thông điệp gì hay không, có gửi gắm được điều gì không, vai diễ của mình có gì khai thác được hay không? Một điều quan trọng nữa là mình có cảm xúc với kịch bản hay không. Nếu kịch bản hay mà mình không có cảm xúc, không thích, làm cũng được thôi nhưng sẽ không lôi cuốn.
Vợ hiểu được vấn đề đó, nhiều lúc vợ muốn nhận nhưng nghe tôi nói “ba không có cảm xúc” là vợ cũng sẽ từ chối khéo. Vì với phim ảnh, cảm xúc quan trọng lắm, ảnh hưởng đến phần thắng thua của phim và của nhân vật. Tôi nghĩ diễn viên làm cho khán giả có cảm xúc với phim thì sẽ thắng.
PV: Từ ngày kết hôn, Quang Tuấn dường như đóng phim nhiều hơn, xuất hiện liên tục. Liệu có phải do áp lực từ phía vợ?
Diễn viên Quang Tuấn: Đây là “Tổ đãi”, là may mắn, có lẽ mình hợp duyên thì sẽ may mắn. Trước đây tôi có kén chọn, ít đi phim hơn, những vai diễn không thích thì sẽ không đi. Hồi xưa, tôi còn hơi bốc đồng, suy nghĩ nhiều thứ, chỉ nhìn theo một hướng chứ không nhìn đa hướng. Bây giờ có vợ rồi, vợ phân tích, rồi nhiều người phân tích cho mình hiểu. Trong một bộ phim có nhiều cách để tôi truyền tải, chứ không nhất thiết rằng tôi phải là nam chính, phải là đi theo nhân vật chính diện.
Vợ bảo tôi: “Khi ba làm tốt nhân vật của mình thì vai nào cũng sẽ tỏa sáng, vai nào cũng ấn tượng và quan trọng”. Thực ra lúc đầu tôi cũng cãi vợ đó. Ở phim “Nghề siêu dễ”, tôi định không nhận vai Mèo “soái ca” trong “Nghề Siêu Dễ” rồi nhưng vợ nói cô ấy thấy nhân vật này hay và dễ thương, bảo tôi cứ làm đi.
Khi đọc sâu vào kịch bản, tôi nói chuyện với đạo diễn, phân tích ra thì thất có nhiều hướng đi để kích thích mình hơn, tại sao mình không nghĩ theo hướng tích cực mà lại chỉ nghĩ theo hướng của mình. Bằng chứng là sau khi chiếu, Mèo “soái ca” rất được yêu thích. Tôi cũng thấy vui và cởi mở hơn.
Về ý định Bắc Tiến thì tôi đã Bắc tiến rồi. Những phim của VFC mà đi nước ngoài quay như “Khúc Hát Mặt Trời”, “Tình Khúc Bạch Dương”, tôi có tham gia rồi. Nếu có cơ hội và kịch bản hay, sắp xếp được thời gian thì tôi sẽ sẵn sàng ra Bắc đóng phim.
PV: Quang Tuấn thường xuyên hợp tác với các bạn diễn xinh đẹp. Bạn có lo lắng vợ sẽ suy nghĩ nhiều không?
Diễn viên Quang Tuấn: Với tôi, đời là đời, còn phim là phim. Tôi từng đóng với rất nhiều người đẹp như Hoa hậu Mai Phương Thúy, Thúy Diễm, Trang Nhung, Tường Vy… nhưng chưa khi nào cảm thấy rung động cả. Chỉ có một lần duy nhất không giữ được mình, chính là khi đóng với vợ trong phim ”Kén rể”.
Trong phim, vợ đóng vai thích mình, mình không thích gì hết nhưng nghe giọng thoại là tim đập thình thịch. Tình cảm đến tự nhiên như vậy. Khi cô ấy đi thay đồ, tôi giả vờ hát vu vơ xem cô ấy đang ngồi đâu. Rồi nhà tôi và nhà vợ đúng kiểu đầu sông và cuối sông, dù không tiện đường như vẫn nói là tiện để chở cô ấy về nhà. Cả hai quen nhau khoảng 3 năm thì kết hôn.
Có lần tôi mời vợ đi xem kịch, hí hửng nghĩ mai lên sân khấu để cô ấy khen, nói này nói kia. Cuối cùng, vợ không đi mà để cho bố mẹ đi. Cũng may vở kịch hay nên bố mẹ vợ tương lai có thiện cảm với tôi và từ đó tôi được thương.
PV: Quang Tuấn từng chia sẻ cát-xê của bạn sẽ chuyển thẳng vào tài khoản của vợ, không biết hiện tại thế nào?
Diễn viên Quang Tuấn: Vẫn như thế, vậy gia đình mới hạnh phúc. Sau khi chia sẻ điều đó, nhiều người phản ứng nên vợ không phát 200.000 đồng mỗi ngày nữa mà để tôi tự quản riêng khoản cát-xê từ việc diễn kịch (do trả bằng tiền mặt - PV) hoặc khi nào hết tiền thì xin, vợ sẽ cho.
Cũng cảm ơn mọi người, cảm ơn cộng động mạng đã lên tiếng “ủng hộ chính nghĩa” (cười). Tiền diễn kịch giờ sẽ để dành, coi như quỹ đen để mình xài. Tôi nhớ có một lần, 1 tuần sân khấu không đưa tiền mặt, sân khấu gặp việc gì đó nên nói chuyển vào tài khoản nhưng tôi bảo cứ để yên đó, tôi cho sân khấu thiếu (cười lớn).
PV: Vợ Quang Tuấn có đặt ra giới hạn nào đó trong việc chi tiêu của bạn không?
Diễn viên Quang Tuấn: Có giới hạn. Vợ kiểm soát mình lại. Lúc trước tôi thích mẫu laptop hơn 50 triệu đồng, mọi người dụ nịnh vợ cho mua để dựng phim nhưng mua về coi Youtube.
Mua giày hay món đồ gì đó là tôi hay mua cho cố, cứ thích là mua nhưng có làm gì đâu. Bình uống nước cũng vậy. Vợ tôi mới hỏi: “Ba có mấy cái miệng, có một cái miệng mà ba mua mười mấy cái bình để làm gì?”.
Tôi không biết nhà mình có bao nhiêu tiền, đồ đạc đều là vợ tôi mua cả. Tôi chỉ có sở thích chơi cây bonsai, mua mấy cây mai về trồng, chiết ra rồi uốn. Mà cây cũng rẻ lắm nhưng quan trọng là công sức mình bỏ ra để uốn cây theo dáng mình muốn. Việc uốn cây giúp mình đằm tính lại, kiên nhẫn hơn.
Có lúc vợ hỏi tôi, tại sao anh không mua đồ tặng em vào dịp lễ. Mỗi lần như thế, tôi đều bảo: "Ủa mua gì nữa, anh tặng cho cả cuộc đời rồi còn mua gì nữa. Em muốn mua gì thì tự rút tiền mà mua chứ anh làm gì có tiền" (cười).
PV: Có khi nào Quang Tuấn cảm thấy khó chịu khi bản thân kiếm ra tiền nhưng lại không được tiêu pha thoải mái như ý muốn?
Diễn viên Quang Tuấn: Mọi người lập gia đình luôn hướng đến hạnh phúc, mà hạnh phúc của một người đàn ông là vợ con sống vui vẻ. Với tôi, được đi quay phim, được theo đuổi niềm đam mê của mình đã là một đặc ân. Tôi là con trai một nên gia đình rất lo khi tôi theo nghề này. Ba mẹ tôi nghĩ nghề này bấp bênh, muốn tôi học hành, làm công việc nào đó ổn định, rồi cưới vợ sinh con thì cuộc sống sẽ ổn định hơn.
Sau khi tôi bày tỏ nguyện vọng, nói bản thân muốn và đam mê như vậy thì ba mẹ cũng đồng ý, chỉ yêu cầu không được để xảy ra scandal, ảnh hưởng đến gia đình. Sau khi kết hôn, tôi lại được vợ hậu thuẫn để theo đuổi giấc mơ, tôi cảm thấy vậy là đủ, chẳng cần gì nhiều.
Là trụ cột gia đình, tôi phải cố gắng làm để nuôi vợ nuôi con. Sau khi có bé Gạo, tôi chín chăn hơn, chịu khó hơn. Hồi xưa có những chương trình tôi không thích, hay làm biếng. Tôi bị tính nghệ sĩ, chương trình cảm thấy thích, thấy hay thì mới làm. Vì từ nhỏ đã may mắn không bị áp lực kinh tế. Sau khi có con mới biết thế nào là áp lực cơm áo gạo tiền, tã sữa cho con.
PV: Vợ chồng Quang Tuấn gần như “hình với bóng”, lúc nào cũng đồng hành cùng nhau. Bạn có sợ cảm xúc của hai vợ chồng với nhau bị mai một đi không?
Diễn viên Quang Tuấn: Thực ra, khi tôi đi quay xa, đi tỉnh, vợ không đi theo. Hay như quay Tết thì vợ cũng ở nhà, phải chăm con và lo công việc nhà. Chỉ có một số dịp, vợ tôi mới đi cùng thôi.
PV: Quang Tuấn đã rất thành công với mảng điện ảnh và truyền hình, không biết đam mê của bạn với sân khấu kịch thì thế nào?
Diễn viên Quang Tuấn: Hiện tại, tôi vẫn đang diễn chính ở sân khấu Thế giới trẻ. Niềm đam mê sân khấu của tôi là bất tận. Hồi xưa, tôi đi đóng phim thì nhiều rồi nhưng đóng kịch thì chưa bao giờ. Sau đó, tôi được mời đóng vở kịch “Lầu Hoang”. Lúc đó, tôi nghĩ trong đầu “kịch quá, mình không tham gia đâu”. Về sau đọc kịch bản thấy hay nên tôi đồng ý tham gia.
Thực ra tôi đóng phim nhiều rồi, cũng đóng vai chính nhiều. Cuộc đời tôi may mắn lắm, toàn đóng vai chính. Nhưng lên sân khấu kịch lại là một vấn đề khác, đứng 3 tiếng trên sân khấu là cả một quá trình. Nhớ suất chiếu đầu tiên, bước ra sân khấu mà mồ hôi chảy, trán bịn rịn, tay chỉ bết đút túi quần, chỉ muốn thoại cho xong cho rồi, đi vô cánh gà cho rồi vì cả trăm con mắt nhìn thẳng vào mặt mình.
Tôi còn nhớ như in đến suất diễn thứ 5, khi tôi bước xuống cầu thang xoắn của trường Sân khấu Điện ảnh, gặp những cô chú 50-60 tuổi đứng chờ để ôm mình một cái, ‘cảm ơn con đã cho cô chú được sống lại tuổi trẻ của mình’. Vì câu nói đó mà tối về không ngủ được. Tôi mới nghĩ, hoá ra kịch cũng có cái hay riêng, cũng lay động lòng người đấy chứ. Đam mê của tôi hình thành từ đó - từ những tình cảm vô cùng chân thành của khán giả dành cho mình.
Hồi xưa không có tiền nhiều, đi chiếc Vespa cổ, khi xuống là khán giả để nước tắc, cơm bò chiên… vào. Lúc đó cũng đã có Facebook rồi nhưng khán giả vẫn viết thư gửi cho mình, một chồng gửi đến phòng vé. Tôi nhận ra bộ môn kịch cũng hay, lay động lòng người, như có cô chú nói rất thích, cảm thấy mình đam mê sân khấu kịch.
Cô chú bảo, nếu muốn giải trí, cô chú bật TV lên, toàn danh hài không, cô chú pha cà phê vừa uống vừa xem chứ đâu có cần phải tới sân khấu coi tụi con làm gì, còn phải mua vé, mua nước. Nhưng thấy tụi con diễn cô chú thấy tuổi thanh xuân của mình ở đó. Có một chút gì đó lay động cô chú, man mác để kéo cô chú quay lại đó xem thêm lần nữa.
Thực ra kịch cũng có cái hay của nó. Sân khấu kịch chúng tôi coi giống như nơi để làm nghề.
PV: Câu chuyện xét danh hiệu NSND, NSƯT thời gian qua nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Quang Tuấn có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Diễn viên Quang Tuấn: Tôi đạt được cũng kha khá giải thưởng. Tuy nhiên, tôi không làm hồ sơ xét hai danh hiệu này bởi tôi nghĩ mình còn quá trẻ. Hơn nữa, tôi cho rằng được làm nghề, được sống với đam mê của mình là vui rồi. Còn về danh hiệu NSƯT, khán giả thương mình, trong lòng họ mình là NSƯT, NSND là được.
DOISONGPHAPLUAT.COM |