+Aa-
    Zalo

    “Đường xưa hoa gạo đỏ” – Góc khuất tâm hồn Phan Xuân Hồng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐS&PL) - Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam vừa xuất bản tập thơ "Đường xưa Hoa gạo đỏ" của nhà báo Phan Xuân Hồng. Nhân dịp này, nhà thơ Quang Hoài, hội viên Hội Nhà văn đã có bài viết bình luận, giới thiệu về tập thơ này:

    (ĐS&PL) - Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam vừa xuất bản tập thơ "Đường xưa Hoa gạo đỏ" của nhà báo Phan Xuân Hồng, Thư ký tòa soạn báo Đời sống & Pháp luật. Nhân dịp này, nhà thơ Quang Hoài, hội viên Hội Nhà văn đã có bài viết, bình luận giới thiệu về tập thơ này:

    Tôi chưa gặp Phan Xuân Hồng, chỉ biết anh qua nhà thơ Trần Quang Quý - Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn, với tập thơ 42 bài, có tựa đề “Đường xưa hoa gạo đỏ”. Với tôi, trước hết cái tên tập thơ thật gợi, nó khiến tôi không thể không đọc. Bởi đó cũng là miền thương nhớ cháy bỏng ký ức một thời thơ trẻ của tôi.

    Làng tôi - làng Láng, một làng quê đồng chiêm trũng Hà Nam nghèo khó bao đời, cứ mỗi độ tháng Ba về là hai bên đường làng lát gạch nghiêng rộng chỉ chừng mấy gang tay lại bung nở những bông hoa gạo như lửa cháy một vùng trời, thắp lên trong lòng con trẻ chúng tôi những khát khao và hy vọng vu vơ.

    Làng anh nằm một bên núi một bên sông

    Con sông Châu chảy ngang qua núi Đọi

    Tháng Ba hoa gạo dọc đường làng đỏ gọi

    Hương nồng nàn bừng thức những ban mai…

    Tôi đã viết về làng quê mình với một nỗi nhớ đầy ắp như thế. Và tôi luôn luôn cảm nhận rằng, đó là một nét văn hoá đặc sắc của quê hương, không thể nào phôi phai, nhoà nhạt trong tâm hồn, mặc dù đã trải qua hơn nửa thế kỷ, những cây gạo “Đường xưa” ấy đã bị lớp bụi thời gian phủ mờ, chìm sâu vào dĩ vãng. Chính từ cảm thức này mà tôi đã đọc liền một mạch bản thảo tập thơ của Phan Xuân Hồng sẽ xuất bản nay mai với một tình cảm đợi chờ, mong mỏi và kiếm tìm những cảm xúc, những ý tứ mới và những ảnh hình nghệ thuật có sức lôi cuốn để có thể nguôi ngoai một phần nỗi nhớ quê hương mà mình xa cách hơn 50 năm trời.

    Phan Xuân Hồng là một nhà báo (Thư ký tòa soạn báo ĐS&PL). Anh đi nhiều nơi, đến với đồng bào nhiều vùng đất nước. Cảm thức về tình yêu, về cuộc đời, về những đổi thay của đất nước, nhất là trước những xoáy lốc của cơ chế thị trường, kéo theo những tha hoá vô nhân tính khó lường mà anh tận mắt chứng kiến, đã thôi thúc anh viết nên những vần thơ giãi tỏ lòng mình sau những giờ phút căng thẳng và mệt mỏi của một người làm báo.

    Đọc anh, tôi nhận ra ở anh trước hết là một trái tim nhân hậu, một sự đồng cảm, sẻ chia với những đớn đau khổ ải của kiếp người, cõi người. Chưa bàn tới góc độ nghệ thuật của thi ca, chỉ một sự bộc bạch tấm lòng ấy, giãi lộ tấm tình ấy cũng đã đáng quý lắm rồi. Và tôi trân trọng thơ anh chính là ở sự chân thành trong hé lộ góc khuất tâm hồn sâu thẳm của anh.

    Có thể khẳng định, 42 bài thơ của Phan Xuân Hồng trong tập thơ này là 42 lát cắt cuộc đời, thể hiện khá đầy đủ những cảm nghĩ vừa bộc trực, vừa sâu lắng không chút giấu giếm của anh về những sự đổi thay và phát triển của đất nước theo cả hai chiều thuận và nghịch trong mấy thập niên qua. Tôi cảm nhận sự gợi mở và cũng là những kỷ niệm luôn ẩn tàng trong tâm trí Phan Xuân Hồng chính là sự bừng thức, bung nở của những bông hoa gạo đỏ trên “Đường xưa”, những nơi anh đã sống và đã đi qua. Có lẽ đó là sự khơi nguồn cảm hứng để anh “xông xáo” vào những lát cắt bí ấn và đớn đau của cõi người, bày tỏ một cách chân thực những xúc cảm của mình trước cuộc sống.

    “Đường xưa hoa gạo đỏ” – Góc khuất tâm hồn Phan Xuân Hồng

    Tập thơ “Đường xưa hoa gạo đỏ”  của Phan Xuân Hồng

    Quả thật hai bài thơ “Tháng Ba” và “Tháng Ba cho em” của anh là sự khơi nguồn của mạch cảm xúc đó, một mạch cảm xúc đầy tính nhân văn:

    “Cô gái tháng Ba ơi

    Xin đừng giấu tháng Ba vào vạt áo

    Cứ để những kẻ đa tình kia chao đảo

    Những khóc cười, những ngơ ngẩn phù du…

    Mùa hạ sẽ về sau những tháng Ba

    Rét nàng Bân chuyển mùa lên cuống lá

    Phượng sẽ đỏ rợp trời

    Ve sẽ kêu nhức gió

    Làm sao cầm lòng những con đường hoa gạo đỏ

    Xin chậm mùa

    Xin đầy tháng Ba ta”.

    Vâng! Đúng thế. Hoa gạo tháng Ba cháy trời thương nhớ không chỉ là quá vãng lùi vào ký ức mà nó còn hoài thai một mùa hè “Phượng sẽ đỏ rợp trời” và “Ve sẽ kêu nhức gió” để mãi mãi rưng rưng “những con đường hoa gạo đỏ”, rồi cuối cùng chủ thể trữ tình phải thốt lên: “Xin chậm mùa/ Xin đầy tháng Ba ta”. Những câu thơ trên thật ý vị và không ít dư ba.

    Còn với “Tháng Ba cho em” thì Phan Xuân Hồng lại muốn nhắn gửi một thông điệp tâm hồn về một tình yêu vĩnh hằng - một tình yêu luôn ngụ trong những góc khuất sâu lắng của tâm hồn:

    “Ta bần thần vương chạm tháng Ba

    Bầy sơn ca chao đùa chiền chiện

    Hoa cải rụng cuối mùa vàng rực

    Tu hú rên kêu dan díu sang hè.

    Đã có bao cặp mắt ướt sang mùa

    Những kẻ si tình quên hoa gạo đỏ

    Chỉ một mình anh kìm lòng con đường nhớ

    Sẽ rụng tơi bời

    Nếu em chậm mùa hoa”.

    Trong tập “Đường xưa hoa gạo đỏ” của Phan Xuân Hồng còn khá nhiều bài có ý tứ và cảm xúc đáng trân trọng. Chẳng hạn như bài "Thương vợ”:

    “Bên nhau rằng những sum vầy

    Màn chăn em gấp, dép giầy em lau

    Bây giờ, em đã nằm đau

    Con thơ đến lớp, người đâu đón chờ?”.

    Hay trong “Vợ và báo”:

    “Biết rằng, em chẳng vui đâu

    Tối ngày anh mãi ngập sâu tin bài”.

    “Giận hờn sao cứ trống không

    Để anh cay mắt, mủi lòng buông lơi

    Thôi đành gác bút - bài vơi

    Ngổn ngang trang viết - người ơi, cái nghề?!”

    Còn đây lại là một dự cảm với người mẹ kính yêu:

    Nếu mai này, trời chuẩn bị đổ giông

    Mẹ hãy báo trước cho con ánh cầu vồng lấp lánh

    Đáng sợ nhất những điều đến - đi chóng vánh

    Sự mất - còn vội vã, quạnh lòng con”.

    Đặc biệt với "Tâm sự của chiếc răng”, bằng cách viết hóm hỉnh, bài thơ đã mở ra một sự liên tưởng khá lý thú:

    “Bao năm nhận, bao năm cho

    Bao nhiêu mềm cứng đói no chụm đầu

    Lúc vui cười, lúc nhức đau

    Ngọt chua buốt nóng, sắn rau… cũng vừa”.

    Cả đời “đâu phải răng thừa”, “Cả đời nhai cắn chẳng lừa chủ nhân”, thế mà giờ đây đành chịu số phận “Phũ phàng dao kéo lôi ra khỏi hàm”, để dẫn tới một bi kịch khiến răng phải thốt lên:

    “Lưỡi ơi, chào nhé biệt ly

    Uốn cong ba tấc nên mi vẫn còn!”.

    Tôi xin khép lại bài viết giới thiệu tập thơ “Đường xưa hoa gạo đỏ” ở đây. Phải nói rằng nếu tác giả khắc phục được sự dàn trải, dễ dãi trong một số bài còn nặng tính tự sự báo chí, câu tứ chặt chẽ và lô gíc hơn, có sự chọn lọc các từ ngữ, các thi ảnh công phu hơn, thì chắc chắn tập thơ sẽ có hiệu ứng sâu sắc hơn.

    Xin chân thành chia vui cùng tác giả và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

    Nhà thơ Quang Hoài

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/duong-xua-hoa-gao-do-goc-khuat-tam-hon-phan-xuan-hong-a28065.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Hàn thực

    Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Hàn thực

    (ĐSPL) - Từ xa xưa, cứ đến dịp Tết Hàn thực người Việt lại nô nức chuẩn bị những đĩa bánh trôi bánh chay cúng ông bà tổ tiên. Tuy thế, không phải ai cũng biết ý nghĩa cũn

    Góc khuất của Hà Nội phồn hoa

    Góc khuất của Hà Nội phồn hoa

    Thủ đô Hà Nội suốt bao năm nay luôn là một biểu tượng của những gì hào nhoáng, đô hội, hoa lệ, nhung lụa và hiện đại. Thế nhưng, ngay những tháng của nửa cuối năm 2013 này, sau những đêm thức trắng với vỉa hè góc phố Hà thành, tôi đã buốt lòng gặp phải những cảnh đời tăm tối, khổ ải dưới mức có thể hình dung cho một kiếp người.