Sáng 14/5, tại Hà Nội, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đến thăm Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh và làm việc với lãnh đạo chủ chốt Binh đoàn 12.
Cùng đi có Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Trung tướng Đỗ Căn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và đại diện một số cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch tham quan bia ghi danh các Anh hùng liệt sĩ của Binh đoàn 12. Ảnh: Hồng Pha - TTXVN/phát |
Làm việc với các cán bộ chủ chốt Binh đoàn 12, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã nghe đại diện lãnh đạo Binh đoàn báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ thời gian qua của Binh đoàn, công tác chuẩn bị cho kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2019).
Phát biểu tại buổi làm việc, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, việc mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một trong những quyết định thể hiện sự sáng tạo, nhạy bén của Đảng, Bác Hồ trong chiến tranh chống Mỹ. Đường Hồ Chí Minh mãi là niềm tự hào của Quân đội và dân tộc ta, là biểu hiện sinh động của tình đoàn kết ba nước Đông Dương, khiến cả thế giới khâm phục sự sáng tạo, độc đáo của quân và dân ta qua quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, đấu tranh giải phóng dân tộc. Trên tuyến đường Trường Sơn, gần 2 vạn cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh, tô thắm truyền thống vẻ vang của Binh đoàn 12 nói riêng và Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung.
Ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên, người lao động Binh đoàn 12 trên các mặt công tác, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá, 60 năm qua, Binh đoàn 12 đã có bước trưởng thành to lớn. Vấn đề đặt ra trong điều kiện tình hình mới là cần tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, anh hùng của đơn vị. Mỗi thế hệ cán bộ, chiến sỹ hôm nay cần nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giữ vững truyền thống của đơn vị, xứng đáng với xương máu của các anh hùng, liêt sỹ đã ngã xuống trên đường Trường Sơn huyền thoại.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch mong muốn lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sỹ của Binh đoàn 12 sẽ đồng sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, khắc phục những tồn tại, vướng mắc, chủ động xây dựng Binh đoàn vững mạnh, đi đầu trong các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương tự; chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, nắm chắc tình hình, giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn đóng quân; thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh gắn với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; đồng thời thực hiện tốt công tác dân vận, các hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa”...
Trước đó, Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng đã đến dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội); tham quan Triển lãm “Ký ức Trường Sơn” và Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh.
Lưu bút tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh, Đại tướng Ngô Xuân Lịch viết: "Việc mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một chiến lược thể hiện sự sáng tạo, độc đáo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là một trong những chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta; là biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí độc lập tự do và thống nhất đất nước.
Đường Hồ Chí Minh mãi mãi là tài sản vô giá, niềm tự hào của các cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam, niềm tự hào của dân tộc ta; đồng thời là biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa nhân dân và quân đội ba nước Đông Dương. Tầm vóc to lớn và bài học quý báu của Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa sâu sắc đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, mà còn có giá trị thiết thực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Binh đoàn 12 - Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn (đơn vị kế tục truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng) cần giữ gìn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh để nơi đây thực sự là một địa chỉ đỏ, góp phần giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng cho các thế hệ kế tiếp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.".
Hiền Hạnh