Cột mốc số 0 ở thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An là điểm xuất phát của con đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại chi viện cho chiến trường miền Nam. Tròn 60 năm, trải qua chiến tranh cũng như thời bình, nơi đây đã trở thành điểm đến lịch sử cũng là nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ.
Trong những ngày cả nước hướng về kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2019), chúng tôi hăm hở vượt gần 100km từ TP.Vinh tìm về Cột mốc số 0 của con đường huyền thoại mang tên Bác. Cũng từ điểm mốc lịch sử này, đường Trường Sơn chứng kiến nhiều câu chuyện kỳ lạ, về tinh thần hy sinh, tài thao lược của những chiến sĩ cách mạng làm nên chiến công hiển hách, thần kỳ. Từ số báo này, ĐS&PL tái hiện lại một số hình ảnh về con người, sự quả cảm, mưu trí, của các thế hệ cha anh, hy sinh một phần xương máu với cung đường huyền thoại. |
Ý chí, nghị lực, tinh thần dũng cảm và sáng tạo phi thường
Đón PV ở cột mốc, ông Bùi Gia Lỳ, Phó Giám đốc trung tâm Văn hoá - Thông tin - Thể thao huyện Tân Kỳ cho hay: “Huyện Tân Kỳ vinh dự là điểm xuất phát của đường cơ giới Hồ Chí Minh. Đường Trường Sơn được thành lập vào đúng ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1959 nên còn được gọi là Đường 559. Đây là con đường chiến lược đặc biệt nối liền hậu phương lớn với tiền tuyến lớn, có ý nghĩa bước ngoặt tạo nên chiến thắng của dân tộc”.
Tháng 5/1959, trước tình hình chiến tranh tại miền Nam diễn ra vô cùng ác liệt, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp bàn để đề ra phương án cho cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trước yêu cầu cấp bách của hoàn cảnh lịch sử, cần phải có một tuyến vận tải chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, Lào và cả Campuchia, ngày 19/5/1959, Bác Hồ đã quyết định thành lập tuyến vận tải chiến lược dọc dãy núi Trường Sơn, cũng chính là đường Hồ Chí Minh ngày nay.
Ngày 9/9/1964, trên một bãi đất hẹp dưới chân núi Dong, Trung đoàn 98 công binh đã bổ nhát cuốc đầu tiên mở đường Hồ Chí Minh. Nơi xuất phát điểm ấy là “Cây số 0” ở ngã ba thị trấn Tân Kỳ. Cuối năm đó, con đường bí mật ấy mới mở được 16 cây số, nhưng chỉ hơn một năm sau con đường mòn mang tên Bác đã vươn tới tận Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Ngày 25/10/1965, đoàn xe cơ giới đầu tiên với hàng trăm chiếc mang tên “Ngọn đèn xanh Bác Hồ” đưa hàng sâu vào chiến trường, mở đầu cho giai đoạn vận tải cơ giới lớn liên tục trên đường Hồ Chí Minh. Đường mở tới đâu xe tiến sâu tới đó. Từ đây, hàng triệu tấn vũ khí, xăng dầu, lương thực... đã được chuyển vào Nam chi viện cho chiến trường.
Từ Km số 0, đường cơ giới chiến lược Hồ Chí Minh kéo dài từ Bắc vào Nam với tổng 17.000km, riêng ở đông Trường Sơn là 1.920km với 5 hệ thống đường dọc và 21 trục ngang nối liền các chiến trường. Ngoài ra còn có tuyến đường sông dài trên 500km, đường xăng dầu với tổng chiều dài hơn 1.400km... “Không phải ngẫu nhiên mà giữa thời bom đạn đó, Bộ Chính trị lại chọn Tân Kỳ làm điểm khởi đầu của tuyến đường huyền thoại. Nơi đây có đường giao thông chiến lược 15A, 15B chạy qua và các cao điểm quan trọng như 886 ở Lèn Rỏi, 159 ở dãy Bồ Bồ, 722 ở Bù Loi... Nhiều đơn vị chủ lực của quân đội đã tập kết ở đây trước khi xung trận vào Nam như các sư đoàn 316, 224, 304, 312...”, ông Lỳ cho hay.
Vì thế, nơi đây đã trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của địch. Trong các chiến dịch đánh phá từ năm 1965 đến năm 1972, Mỹ đã huy động khoảng 733.000 chuyến máy bay, đánh phá khoảng 152.000 trận; ném xuống các tuyến đường Trường Sơn gần 4 triệu tấn bom đạn. Nhiều bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông đã hy sinh; bị thương; khoảng 14.500 xe bị hư hỏng; hơn 90.000 tấn hàng hóa bị đánh cháy...
Trong sổ vàng truyền thống Bộ đội Trường Sơn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi: “Con đường Trường Sơn là một công trình vĩ đại, nói lên ý chí nghị lực, tinh thần dũng cảm và sáng tạo phi thường của dân tộc Việt Nam, quyết đem sức lực của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn, là một trong những nhân tố chiến lược có ý nghĩa quyết định đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn”.
Con đường tạo nên con người anh hùng, dân tộc anh hùng
Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đặc biệt là tuổi thanh xuân gắn bó với đường Trường Sơn huyền thoại, sắp đến kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Đoàn Minh Nguyệt lại lặng lẽ thắp một nén hương thơm tưởng nhớ đến những đồng đội đã khuất.
Ông Đoàn Minh Nguyệt được biết đến là người lập kỷ lục lái xe nhiều nhất trên đường Trường Sơn huyền thoại. Ông đã vận chuyển được hơn 1.000 tấn vũ khí, lương thực và hàng trăm chiến sĩ vào chiến trường. Hàng năm, người chiến sĩ này luôn đi trên 300 ngày, có tháng ròng rã cả 30 ngày liên tục ngồi trên xe. Chiếc Gaz 63 đã cùng ông đi trên 95.000km an toàn, vận chuyển trên 600 chuyến. “Tôi nhập ngũ năm 1963 rồi được cử đi đào tạo lái xe ở trường lái xe Quân đội. Năm 1965, tôi chuyển công tác vào cục Hậu cần Quân khu 4 với nhiệm vụ vận tải hàng hóa, vũ khí, lương thực từ hậu phương vào tiền tuyến. Thị trấn Tân Kỳ hồi đó rất hoang sơ, thuộc vùng miền núi nên chúng ta tận dụng được yếu tố bí mật, bất ngờ. Được tham gia chi viện cho miền Nam là nhiệm vụ và trách nhiệm nên anh em chiến sĩ chúng tôi rất vinh dự”, ông Nguyệt nhớ lại.
Với chiếc xe Gaz 63, ông Nguyệt đã băng qua các cung đường “lửa” Truông Bồn, ngã ba Đồng Lộc, Khe Giao, Tân Lập... Ông không thể nhớ được đã bao nhiêu lần đi qua Cột mốc số 0 lịch sử. Thời điểm đó, con đường còn vô cùng thô sơ được làm hoàn toàn bằng sức của hàng vạn công binh, thanh niên xung phong và nhân dân huyện Tân Kỳ. “Vào mùa mưa, con đường vô cùng lầy lội, phía trên máy bay Mỹ quần thảo liên hồi nhằm chặn đứng các chuyến xe tiếp tế vào Nam. Mỗi lần đi qua cung đường này, các tài xế phải dồn trí tuệ, bản lĩnh, kỹ năng lái xe, tìm mọi cách đưa quân lương đến nơi an toàn”, ông Nguyệt kể.
Ông Trần Văn Tuân, Chủ tịch hội Truyền thống đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh tỉnh Nghệ An cho hay, bộ đội đường Hồ Chí Minh có 77 đơn vị được tuyên dương đơn vị anh hùng và 44 chiến sĩ được tuyên dương anh hùng quân đội. “Theo thống kê, đường Trường Sơn đã chuyển được hơn 1 triệu tấn hàng, vũ khí vào cho các chiến trường; bảo đảm chỉ huy hành quân cho hơn 2 triệu lượt người vào chiến trường hoặc từ chiến trường ra Bắc; vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào chiến trường. Đây là chiến tích thể hiện tinh thần, ý chí, nghị lực và sáng tạo phi thường của dân tộc Việt Nam”, ông Tuân nói.
Trải qua những tháng năm khốc liệt của chiến tranh, giờ đây, mảnh đất lửa đặt Cột mốc số 0 thiêng liêng đã vươn lên phát triển mạnh mẽ. Con đường chiến lược huyền thoại năm xưa giúp dân tộc nhỏ bé đánh bại đế quốc Mỹ hùng mạnh, nay hòa bình lại đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt, nơi đây đã trở thành điểm hẹn lịch sử, là nơi giáo dục truyền thống cho bao thế hệ tiếp bước cha ông trên tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ông Đậu Trường Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Tân Kỳ cho biết: “Tân Kỳ trước đây nghèo lắm, từ ngày đường Hồ Chí Minh được nâng cấp, mở rộng thì giao thông thuận tiện, cho nên sản xuất hàng hóa dịch vụ có điều kiện phát triển hơn. Thị trấn ngày càng sầm uất, cuộc sống người dân đang dần ấm no. Đặc biệt, từ Cột mốc số 0 có thể vào Nam ra Bắc thuận tiện, vì vậy ngày càng đông hơn những đoàn khách du lịch đến đây để được thăm điểm khởi đầu con đường huyền thoại mang tên Bác”.
Cột mốc số 0, Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia Cột mốc số 0 ngày nay đã được xây dựng lại và đã được bộ Văn hoá - Thông tin (nay là bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia vào ngày 27/4/1990 theo Quyết định số 84 VH/QĐ. Đảng bộ và nhân dân Tân Kỳ đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang”. |
Anh Ngọc
Bài đăng trên Báo Đời sống & Pháp luật giấy số 71