Nghĩ con mình bị thần kinh sau khi liên tiếp bị 3 trường đuổi học, gia đình ngã ngửa khi bác sĩ cho hay cậu bé nhận thức kém do được quá chiều chuộng.
Bị đuổi học vì được quá nuông chiều
Hòa Hòa sống với bố mẹ và ông bà nội tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ngay từ nhỏ, cậu bé được coi là "tiểu rồng" trong nhà, ai cũng phải cung phụng.
3 tuổi rưỡi, Hòa Hòa đi học mẫu giáo. Sau kỳ một, hiệu trưởng nói với gia đình không muốn để Hòa Hòa theo học ở trường nữa.
Hòa Hòa bị 3 trường mẫu giáo đuổi học do ông bà bố mẹ quá nuông chiều. Ảnh minh họa |
"Giáo viên cho hay dù 4 tuổi nhưng Hòa Hòa không thể tự ăn mà phải nhờ người khác đút. Nó cũng không thể tự đi vệ sinh nếu không có người lớn đưa đi, vì thế nó đã tè bậy ra bàn học. Trong lớp nó luôn ương bướng, muốn gì phải làm cho bằng được và sẵn sàng đánh bạn nếu không vừa ý", bà nội cậu bé nói.
Rồi cậu bé này chuyển sang một trường tư. Chỉ sau một tuần, hiệu trưởng lại gọi bà nội lên phản ánh và trả Hòa Hòa về. Trường thứ 3 từ chối ngay buổi đầu phỏng vấn vì cậu bé đã nằm vật ra nhà khóc lóc, rồi đánh bà khi bà nội chưa kịp đưa chiếc điện thoại theo yêu cầu.
Bà Mã lo lắng đứa trẻ có vấn đề nên đã tới bệnh viện kiểm tra. Kết quả cho thấy năng lực vận động, ngôn ngữ, nhận thức hay phát triển khả năng xã hội của đứa bé đều không đạt mức trung bình, thậm chí chỉ bằng đứa bé 2 tuổi.
Bác sĩ kết luận, Hòa Hòa phát triển chậm về mọi mặt và nguyên nhân chính là do gia đình quá nuông chiều. Nhận được kết quả, bà Mã suy sụp, bà tự nhận chính sự nuông chiều quá mức của mình đã khiến Hòa Hòa trở nên hư đốn và không thể dạy bảo.
Chỉ cần cậu bé thích điều gì là ngay lập tức được đáp ứng. Gia đình đã tước đi cơ hội suy nghĩ và vận động của đứa bé khiến trẻ mất đi khả năng học hỏi và thích ứng với môi trường xung quanh. Chính vì lẽ đó mà cậu bé không thể hòa nhập được với môi trường mẫu giáo và các cô giáo cũng không thể "chịu đựng" được.
Không rèn thói quen sinh hoạt tốt cho con, bà mẹ lĩnh "trái đắng"
Một bà mẹ khi cho con trai duy nhất đi học mẫu giáo tâm sự:
"Khi con còn ở nhà, tôi đã quá nuông chiều theo sở thích của con mà không rèn cho nó lịch sinh hoạt thích hợp. 9h tối đáng lẽ những đứa trẻ khác đã đi ngủ thì con trai tôi vẫn ngồi xem tivi vì nó thích thế. Buổi sáng, 10h con trai mới ngủ dậy rồi mới ăn sáng. Chúng tôi ăn trưa lúc 2h chiều.
Tôi luôn nghĩ rằng, cứ chiều theo sở thích của con, khi nào con đi học, nhà trường ắt hẳn sẽ chấn chỉnh và nó sẽ phải dần thích nghi, nhưng tôi đã nhầm.
Những ngày đầu đến trường, 8h sáng vào lớp nhưng khi đó con trai tôi vẫn đang ngủ. Hai mẹ con đến được trường khi giờ thể dục buổi sáng đã kết thúc. Buổi trưa trong khi các bạn khác đang ngủ thì con trai tôi lại ngồi chơi. Buổi chiều khi các bạn ra ngoài chơi thì nó lại ngủ gà gật trong lớp. Cô giáo đề nghị ra chơi với bạn khác thì nó cáu gắt rồi khóc ngằn ngặt.
Đừng cướp đi cơ hội trưởng thành của trẻ. Ảnh minh họa |
Một tháng cố gắng ở trường nhưng con trai tôi chẳng có nhiều thay đổi. Mỗi khi đến trường, nó đều gào khóc không muốn đi. Không chơi với bạn, không hợp tác với cô giáo, tâm trạng của con ngày càng tồi tệ.
Rồi một ngày, giáo viên đưa một giải pháp: "Cho trẻ ở nhà cả buổi sáng, sau khi ngủ trưa xong thì đưa đến lớp. Buổi sáng ở nhà, mẹ chỉnh lịch sinh hoạt của con dần dần". Không có giải pháp nào khác, tôi miễn cưỡng làm theo.
Ngày đầu tiên thực hiện, con trai đã hỏi tôi: ‘Mẹ ơi, các cô giáo rất ghét con đúng không? Sao các bạn đều đến trường buổi sáng mà con thì không?’.
Câu hỏi đó của con đã khiến tôi bối rối. Tôi nhận ra rằng chính sự giáo dục của mình đã khiến con rất khó khăn để hòa nhập với trường lớp, bạn bè như ngày hôm nay".
Đừng cướp đi cơ hội trưởng thành của trẻ
Hãy để trẻ có ý thức trách nhiệm với bản thân và gia đình. Ảnh minh họa |
Cha mẹ thường có xu hướng bảo vệ trẻ em quá mức, nghĩ rằng đó là tình yêu, thực sự là một trở ngại. Nó khiến trẻ cô đơn, đau khổ trong trường mẫu giáo, ảnh hưởng đến tính cách của cả cuộc đời.
Do đó, cách tốt nhất để yêu trẻ là hãy để con tự lập. Bạn có thể mang lại mọi điều tốt đẹp đến cho con nhưng khi bước ra thế giới bên ngoài, sau tất cả, tốt và xấu, sáng và tối, nó đều phải đối mặt, chỉ sớm hay muộn mà thôi. Nhiều bậc phụ huynh đau lòng, xót xa khi con đi nhà trẻ. Nhưng sự độc lập mà đứa bé học được ở nhà trẻ là những trải nghiệm vô cùng quý giá, có lợi suốt đời cho chính bản thân bé.
Hòa đồng với các bạn đồng lứa là kinh nghiệm quý báu cho sự trưởng thành của trẻ. Ảnh minh họa |
Người lớn nên chủ động tạo cơ hội cho con trẻ chơi với những đứa trẻ khác thay vì chơi quanh quẩn với cha mẹ, ông bà. Khi đó, trẻ sẽ dần học được cách lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu của đối phương, đồng thời thể hiện tốt hơn nguyện vọng và mong muốn của mình.
Minh Khôi (T/h)