+Aa-
    Zalo

    Đừng xem tiền ngân sách như “của chùa”!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nhiều dự án đã hoàn thành nhưng hiệu năng sử dụng thấp, nhiều công trình hàng trăm tỉ nhưng "đắp chiếu" trong khi vẫn xin cấp vốn... là thực trạng đáng báo động.

    (ĐSPL) - Nhiều dự án đã hoàn thành nhưng hiệu năng sử dụng thấp, nhiều công trình hàng trăm tỉ nhưng "đắp chiếu" trong khi vẫn xin cấp vốn... là thực trạng đáng báo động xảy ra tại nhiều bộ ngành, địa phương trong việc sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước.

    Đó là nhận định của GS.TS. NGND Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, nguyên Giám đốc Học viện Tài chính khi trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật.

    GS.TS. NGND Vũ Văn Hóa.

    Còn cơ chế "xin cho" còn tham nhũng, lãng phí

    Ông đánh giá như thế nào về thực trạng đầu tư công nước ta hiện nay?

    Dù chúng ta có Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công, phân cấp ngân sách trung ương và địa phương nhưng vẫn để xảy ra những công trình "khuyết tật", xây dựng nhiều tỉ đồng bằng ngân sách nhưng hiệu quả không cao, không thiết thực với người dân và nền kinh tế. Đầu tư công ở nước ta hiện bộc lộ những hạn chế, nếu không muốn nói là yếu kém trong quản lý. Hiện tượng đầu tư dàn trải đang tồn tại ở nhiều bộ ngành, địa phương. Ngoài ra, việc phân bổ ngân sách còn nhiều vấn đề, thiếu công bằng trong các vùng miền. Có địa phương xây nhà hát trên trăm tỉ đồng nhưng "đắp chiếu", có địa phương không đủ tiền xây cầu để người dân phải đu dây qua suối... đó là chưa kể nhiều công trình đội vốn lên cả ngàn tỉ đồng.

    Không ít dự án bị thiếu vốn, thực hiện cầm chừng, kéo dài thời gian gây bức xúc trong dư luận. Nhiều dự án đã hoàn thành nhưng hiệu năng sử dụng thấp. Tình trạng tham nhũng trong đầu tư công, cấp đất công... cũng là vấn đề chưa giải quyết được. Đó cũng là "sản phẩm" từ cơ chế "xin cho", nhưng cơ quan quản lý lại không thể kiểm soát được. Do vậy, vốn ngân sách cứ ngày càng thâm hụt.

    Theo ông, đâu là những nguyên nhân dẫn đến thực trạng đầu tư công dàn trải, gây lãng phí, thất thoát?

    Nhiều công trình, dự án tiến độ thi công chậm, kéo dài, chất lượng thi công không đảm bảo, đội chi, gây ô nhiễm môi trường, không an toàn. Công trình xây xong đắp chiếu, thất thoát, tham ô, lãng phí vốn đầu tư, hiệu quả kinh tế xã hội thấp. Theo tôi, còn cơ chế "xin cho", còn lợi ích chung, lợi ích nhóm sẽ còn những công trình xây xong "đắp chiếu", không thiết thực. Ngân sách Nhà nước ví như một cái bánh chia làm 5-7 phần, trong đó có phần to, phần nhỏ và địa phương nào có mối quan hệ, khôn khéo thì được phần to kéo ngân sách về địa phương mình. Chính từ đó mà sinh ra tiêu cực.

    Cấp trên buông lỏng, về đến địa phương cũng không kiểm soát được dẫn đến đầu tư dàn trải, phá vỡ kế hoạch. Hơn nữa, chế tài xử lý những công trình lãng phí của ta chưa đủ mạnh dẫn đến "nhờn" và coi thường luật pháp dù hậu quả xảy ra thì "sự đã rồi", trách nhiệm thuộc về tập thể.

    Chưa thấy cán bộ nào bị xử lý

    Vậy, câu hỏi đặt ra với những công trình bạc tỉ xây xong "đắp chiếu", kém hiệu quả, lãng phí trách nhiệm thuộc về ai, thưa ông?

    Rất khó quy trách nhiệm cá nhân bởi cơ chế của ta không ai chịu trách nhiệm. Khi sự việc vỡ lở, bộ ngành, địa phương nào cũng nói làm đúng luật rồi, tìm đủ mọi lý do biện minh. Có chăng, chỉ quy trách nhiệm tập thể, lãnh đạo tập thể, cuối cùng rồi lại... hòa cả làng. Hệ thống của ta thiếu quy trình gắn trách nhiệm cụ thể đối với cá nhân. Tư duy chịu trách nhiệm tập thể vẫn còn thì khó quy trách nhiệm cá nhân. Chính điều này làm quy trình đầu tư công nhiều thủ tục, nhiều cơ chế, dẫn đến tiêu cực, tham nhũng...

    Cần có giải pháp nào để sử dụng hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước?

    Hiệu quả đầu tư công được đánh giá bằng hiệu quả kinh tế trực tiếp của dự án đầu tư công và hiệu quả chức năng, đóng góp kích thích tăng trưởng đầu tư xã hội. Để nguồn vốn từ ngân sách đầu tư có hiệu quả cần phải công khai, minh bạch, tránh việc xem tiền của nhân dân như "của chùa" nhằm thu lợi cho cá nhân, lợi ích nhóm.

    Theo tôi, phải đánh giá được hiệu quả của từng công trình có mang lại lợi ích cho nhân dân, cho nền kinh tế hay không. Cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu các bộ ngành, địa phương, đối với những công trình không thiết thực sẽ phải đối mặt với những hình thức xử lý nào... Từ trước đến nay, báo chí đã phản ánh nhiều công trình, dự án đầu tư hàng nghìn tỉ đồng nhưng hiệu quả không cao, vậy mà chưa thấy cán bộ nào bị xử lý. Cần phải đồng bộ tất cả những luật liên quan đến đầu tư công, như Luật Ngân sách, Luật Quy hoạch, Luật Doanh nghiệp Nhà nước... để vận hành, quản lý nguồn ngân sách hiệu quả. Nếu không, nguy cơ khủng hoảng nợ công có thể xảy ra.

    Trân trọng cảm ơn ông!

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dung-xem-tien-ngan-sach-nhu-cua-chua-a83680.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan