(ĐSPL) - Thanh tra Chính phủ yêu cầu các đơn vị phải báo cáo số vụ việc người tố cáo bị trả thù, đe dọa trả thù; số người tố cáo đã bị trả thù...
Chị Hoàng Thị Nguyệt và các cán bộ của Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức được khen thưởng vì tố cáo vụ nhân bản kết quả xét nghiệm. |
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng vừa ký văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các địa phương đề nghị tiến hành đánh giá, tổng hợp báo cáo việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ người tố cáo.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị trên phải thống kê thông tin về số vụ việc người tố cáo bị trả thù, đe dọa trả thù; số người tố cáo đã bị trả thù; số người bị xử lý bằng các biện pháp hành chính do trả thù, đe dọa trả thù người tố cáo; số người bị xử lý hình sự do trả thù, đe dọa trả thù người tố cáo.
Theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, các đơn vị cũng phải thống kê về số người tố cáo yêu cầu bảo vệ bí mật, tính mạng, nhân phẩm và các quyền cá nhân khác...
Cùng với thống kê này, các cơ quan và địa phương cũng phải phân tích, đánh giá về quy định bảo vệ người tố cáo, phân tích những ưu điểm, hạn chế, vướng mắc, khó khăn trong thực hiện.
Từ đây đưa ra những phân tích, đánh giá hiệu quả của các biện pháp bảo vệ người tố cáo hiện hành xem đã bảo đảm cho việc bảo vệ có hiệu quả người tố cáo chưa? Tính khả thi của các biện pháp hiện hành? Còn những sơ hở, bất cập gì làm giảm hiệu quả của chính sách?..
Tất cả những nội dung báo cáo trên phải được gửi về Cục Chống tham nhũng (thuộc Thanh tra Chính phủ) trước ngày 30/4/2015.
Trước đó, Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) đã đưa ra bảng xếp hạng cảm nhận tham nhũng 2014, nghiên cứu cho thấy, chỉ khoảng 1/3 người dân Việt Nam sẵn sàng tố cáo tham nhũng, đây là tỷ lệ khá thấp so với các nước khác trong khu vực. Nguyên nhân một phần do các quy định về bảo vệ người tố cáo ở Việt Nam còn chung chung, khó thực hiện, người dân còn e ngại và không tố cáo vì không tin tưởng hoặc sợ bị trả thù.
Trước thực tế đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ có các giải pháp để tăng cường cơ chế bảo vệ người tố cáo, khen thưởng xứng đáng người có thành tích trong việc tố cáo tham nhũng đồng thời xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng.
Theo dự thảo Thông tư Liên tịch của Thanh tra Chính phủ - Bộ Nội vụ về quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo tham nhũng. đối tượng được khen thưởng bao gồm người tố cáo tham nhũng lập được thành tích xuất sắc; người tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo tham nhũng, truy tìm, thu hồi tài sản tham nhũng. Về tiêu chuẩn khen thưởng, dự thảo quy định rõ, nếu những người tố cáo, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng mà giúp nhà nước thu hồi được từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, bị thương tích hoặc tổn hại sức khỏe mà tỷ lệ thương tật từ 31\% đến dưới 61\% sẽ được tặng bằng khen của Thủ tướng. Những người phát hiện, ngăn chặn hành vi tham nhũng từ 300 triệu đồng trở lên, hy sinh tính mạng của mình hoặc bị thương tích, tổn hại cho sức khỏe mà tỷ lệ thương tật từ 61\% trở lên do tố cáo hành vi tham nhũng sẽ được tặng Huân chương Dũng cảm. Đặc biệt, trường hợp thành tích của người được khen thưởng giúp thu hồi được cho Nhà nước tiền, tài sản có giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở thì có thể áp dụng mức động viên, khuyết kích bằng vật chất tối đa không vượt quá 10\% giá trị tiền, tài sản đã thu hồi được. Ví dụ, nếu thành tích của người tố cáo đã giúp thu hồi được cho Nhà nước 2.300 triệu đồng, tương đương 2000 lần mức lương cơ sở tại thời điểm xét thưởng thì có thể thưởng cho người đó mức tối đa là 200 lần lương cơ sở. Tuy nhiên nếu số tiền thu hồi được là 1000 tỷ thì mức thưởng tối đa cũng chỉ là 4.347,8 lần lương cơ sở hiện nay, xấp xỉ 5 tỷ đồng. Tùy vào mức giá trị tài sản thu hồi theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mà người tố cáo tham nhũng được khen thưởng các mức 20, 40, 60 lần mức lương cơ sở (các mức thưởng này tăng gấp 2 lần so với trước). |