+Aa-
    Zalo

    Đừng ủy quyền theo kiểu để cho “có mặt” trước tòa

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Thực tế đã chứng minh, một văn bản hành chính sai luật được ban hành khiến cả ngàn người khốn khổ.

    (ĐSPL) - Thực tế đã chứng minh, một văn bản hành chính sai luật được ban hành khiến cả ngàn người khốn khổ. Thậm chí, nó còn đẩy không ít người dân vào con đường khốn cùng, tù tội.

    Tuy nhiên, khi bị kiện ra tòa, nhiều quan chức - những người trực tiếp ký văn bản đó vận dụng quy định của pháp luật là được quyền ủy quyền (cho nhân viên cấp dưới) để trốn tránh hầu toà. Nhiều chuyên gia từng công tác tại Tòa án, Viện Kiểm sát đều cho rằng, trong các phiên tòa hành chính, rất ít thấy người trực tiếp ký văn bản trái pháp luật hầu tòa.

    Có lẽ vì vậy mà mới đây, đề xuất quan chức phải đích thân hầu tòa nếu bị kiện hành chính nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và các chuyên gia pháp lý.

     Rất nhiều quyết định hành chính trái pháp luật và người dân mong muốn người ký phải trực tiếp hầu tòa (ảnh minh họa).

    Ai ký quyết định bị khiếu kiện người đó phải trực tiếp hầu tòa?

    Trong ngày làm việc thứ hai tại Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về dự thảo Luật Tố tụng Hành chính (sửa đổi) ngày 6/3 vừa qua, một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và tranh cãi đó chính là đề xuất trong khoản 3, Điều 60 cho phép bị đơn có thể ủy quyền cho người khác dự tòa thay mình.

    Nhiều thành viên của Ủy ban Tư pháp cho rằng, cần phải sửa luật để có thể buộc được người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện ra hầu tòa. Bởi trước đây, mặc dù bị kiện nhưng hầu hết các lãnh đạo, người ra quyết định đều ủy quyền cho nhân viên thuộc cấp ra tòa rồi về báo cáo lại.

    Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền, với cơ chế ủy quyền quy định như hiện nay thì chẳng bao giờ người có quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật phải ra tòa mà chỉ cử cấp dưới ra tòa thay. Nên chăng quy định buộc người đứng đầu, người bị kiện phải ra tòa?

    Ý kiến của ông Quyền đã nhận được rất nhiều quan điểm trái chiều. Về vấn đề này, Phó Chánh án Thường trực TAND Tối cao Bùi Ngọc Hòa thừa nhận, trong thực tiễn xử án hành chính, người bị kiện thường ủy quyền cho những người không có quyền quyết định, chỉ đến nghe rồi về báo cáo lại. Tuy nhiên, theo ông Hòa, nếu quy định như ông Quyền gợi ý thì ông chủ tịch UBND sẽ chỉ suốt ngày đi hầu tòa, không có thời gian làm việc khác.

    Vị này cũng cho hay, dự thảo Luật Tố tụng Hành chính sửa đổi thiết kế theo hướng: Trường hợp người bị kiện là người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người được ủy quyền phải là người có chức danh quản lý, thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong lĩnh vực có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu kiện.

    “Nếu được chấp thuận, TAND Tối cao sẽ tiếp thu, chỉnh lý các quy định theo hướng người bị kiện phải có mặt tại phiên tòa. Trường hợp có lý do chính đáng thì họ có thể ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng nhưng phải được tòa chấp nhận. Người được ủy quyền phải là người có thẩm quyền giải quyết những việc có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện; phải thực hiện toàn bộ quyền và nghĩa vụ của người ủy quyền khi tham gia tố tụng...”, ông Bùi Ngọc Hòa phát biểu.

    Nói về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh, việc muốn lãnh đạo UBND tỉnh phải ra tòa nếu bị khởi kiện chỉ là mong muốn, tuy nhiên vấn đề ở chỗ cần phải tuân theo quy định của pháp luật. Pháp luật dân sự đã quy định ai cũng có quyền ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật cấm. Tuy nhiên, nếu đã ủy quyền thì Tòa chỉ công nhận ủy quyền toàn bộ, người được ủy quyền phải chịu trách nhiệm toàn bộ quyền và nghĩa vụ của người bị kiện.

    Suy ngẫm từ những phiên tòa mà người bị kiện ủy quyền cho cấp dưới

    Vừa qua, báo Đời sống và Pháp luật có bài phản ánh công ty Malco Products, Inc (Mỹ) kiện quyết định hành chính của Bộ trưởng bộ KH&CN ra TAND TP.Hà Nội... Cho rằng quyền lợi bị xâm phạm, công ty Malco Products, Inc khởi kiện quyết định hành chính 3185 của bộ KH&CN ra TAND TP.Hà Nội.

    Ngày 19/11/2014, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa hành chính và ông Bộ trưởng bộ KH&CN đã ủy quyền cho bà Nguyễn Như Quỳnh - Phó Chánh Thanh tra bộ KH&CN tham dự phiên tòa thay mình. Quá trình tranh tụng diễn ra tẻ nhạt vì bên khởi kiện tranh luận rất “nhiệt tình”, trái lại người được ủy quyền chỉ đọc các văn bản, quyết định hành chính của cấp trên và kiên quyết giữ nguyên quan điểm của người ra quyết định hành chính bị kiện.

    Sau khi TAND TP.Hà Nội ra bản án hành chính sơ thẩm số 12, tuyên bác yêu cầu khởi kiện của công ty Malco Products, Inc, đến ngày 16/12/2014, VKSND Tối cao đã ra bản kháng nghị số 21, kháng nghị toàn bộ bản án hành chính sơ thẩm số 12/2014 của TAND TP.Hà Nội.

    Đề nghị Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm theo hướng huỷ toàn bộ bản án hành chính sơ thẩm nêu trên và chuyển hồ sơ vụ án cho TAND TP. Hà Nội giải quyết lại vụ án. Theo đánh giá của PV, người được ủy quyền trong vụ kiện hành chính này chưa đáp ứng được kỳ vọng của các bên tham gia tố tụng.

    Mới đây, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa hành chính phúc thẩm (người dân khởi kiện quyết định hành chính của lãnh đạo quận Long Biên, TP. Hà Nội liên quan đến giải quyết tranh chấp đất đai).

    Tại phiên sơ thẩm, người dân đã thua cuộc. Đến phiên phúc thẩm, bên bị kiện vắng mặt. Người khởi kiện chỉ biết nói với HĐXX, còn quan điểm của bị hại chính là lời khai trước đó có sẵn trong văn bản được HĐXX đọc to giữa công đường. Phiên tòa diễn ra chóng vánh vì không có sự tranh tụng giữa người khởi kiện và người bị kiện tại công đường. Khi nghe HĐXX tuyên y án sơ thẩm, nhiều người dân ngoại thành tham dự phiên tòa cám cảnh, than vãn: “Đúng là con kiến đi kiện củ khoai”.

    ĐBQH Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Ủy quyền sẽ “triệt tiêu” tranh tụng?

    Tôi cho rằng, ai ra quyết định hành chính bị kiện, chính người ấy phải ra hầu tòa. Không thể nói ông ta là chủ tịch tỉnh, lãnh đạo tổ chức này, đơn vị kia bận nhiều việc không có thời gian ra tòa được. Nếu sợ phải ra hầu tòa nhiều thì trước khi đặt bút ký quyết định, văn bản anh phải xem xét cẩn trọng. Hơn nữa, thực tế việc công dân kiện đích danh quan chức không nhiều nên không thể nói bận việc. Làm sai thì phải ra hầu tòa, không có chuyện ủy quyền. Bởi ủy quyền sẽ triệt tiêu tranh tụng.

    Theo ý kiến của tôi, luật hiện tại đã bộc lộ hạn chế khi cho phép quan chức ra quyết định hành chính, hành vi hành chính sai được phép ủy quyền đi dự tòa thì thi hành án sẽ lại cho phép ủy quyền thi hành án?

    Như vậy không thể được, đã bị dân kiện đích danh phải ra hầu tòa để tranh tụng đúng sai, như thế mới đảm bảo quyền và lợi ích của công dân. Tôi đánh giá đề xuất này được đưa vào luật sẽ hạn chế được những quyết định hành chính “trên trời”, hành vi hành chính sai trái, giảm được khiếu kiện hành chính. Đồng thời sẽ nâng cao trách nhiệm của người có thẩm quyền, người đặt bút ký trước những quyết định hành chính.

    Bên cạnh đó, sẽ hạn chế được tình trạng tham nhũng, có yếu tố lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm trong việc ban hành quyết định, văn bản hành chính. Đặc biệt trong lĩnh vực đất đai hiện nay rất nhiều đơn thư khiếu nại, khiếu kiện của công dân trước những quyết định hành chính sai trái mà chưa được xem xét, giải quyết một cách thỏa đáng. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến tình trạng đơn thư vượt cấp kéo dài...

    ĐBQH, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền: Đừng ủy quyền theo kiểu để cho “có mặt” trước tòa

    Theo Luật Dân sự, bất cứ ai cũng có quyền được ủy quyền cho người từ 18 tuổi trở lên, đủ năng lực, hành vi dân sự ra tòa thay mình. Tuy nhiên, tôi cho rằng đề xuất quan chức phải đích thân hầu tòa nếu bị người dân kiện khi ký quyết định hành chính sai cũng có lý và cần được xem xét một cách nghiêm túc.

    Bởi trong những năm tôi làm việc tại Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lâm Đồng thấy rằng, không ít vụ bị dân kiện nhưng vị quan chức đó ủy quyền cho nhân viên không biết một chút chuyên môn nào về vấn đề mà ông ta bị kiện dự tòa. Từ đây xảy ra hai vấn đề, thứ nhất tòa án phải mất rất nhiều thời gian để hỏi người được ủy quyền kia. Thứ hai, người này trả lời lúng túng và phải xin ý kiến của người ủy quyền mới dám trả lời. Đây là vấn đề thực tế gây bức xúc cho người dân.

    ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền.

    Theo ý kiến cá nhân của tôi, lãnh đạo cơ quan, tổ chức là người ký văn bản hành chính chưa nói là đúng hay sai nhưng bị kiện thì tốt nhất trực tiếp ra tòa tranh luận về việc mình đã làm. Không phải ai khác, vị lãnh đạo này là người hiểu rõ sự tình hơn cả.

    Tôi hy vọng những nhà làm luật nên xem xét kỹ lưỡng vấn đề này để hoạt động tố tụng ở Việt Nam ngày càng tốt hơn. Nếu làm như cũ, lãnh đạo ủy quyền theo kiểu có người góp mặt ở tòa cho đủ thì sẽ gây khó khăn cho công tác xét xử của tòa án. Đặc biệt, sẽ chẳng bao giờ thấy lãnh đạo huyện, chứ không muốn nói là lãnh đạo tỉnh xuất hiện tại tòa.

    Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM: Cần kỷ luật nghiêm lãnh đạo có nhiều quyết định hành chính bị tòa tuyên hủy

    Theo tôi được biết, khoản 3 Điều 60 dự thảo Luật Tố tụng Hành chính quy định, người bị kiện trong vụ án hành chính có thể uỷ quyền cho người khác tham gia tố tụng. Vấn đề người bị kiện được quyền uỷ quyền cho người khác tham gia tố tụng hành chính tại toà án hiện nay cũng đang được quy định tại Điều 49 Luật Tố tụng Hành chính 2011. Theo đó, đương sự trong vụ án hành chính được “uỷ quyền bằng văn bản cho luật sư hoặc người khác đại diện cho mình tham gia tố tụng”.

    Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM Nguyễn Văn Hậu.

    Tôi cho rằng, việc không cho phép người bị kiện trong vụ án hành chính uỷ quyền cho người khác tham gia tố tụng sẽ khiến người có chức vụ, quyền hạn phải cẩn trọng, có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện hành vi hành chính hoặc ban hành các quyết định hành chính. Mục đích của đề xuất này là tốt.

    Tuy nhiên, đề xuất này không phù hợp với thực tế. Nếu bắt người đứng đầu cơ quan phải hầu toà mà không được uỷ quyền cho người khác thì sẽ dẫn đến việc người này không đủ thời gian để giải quyết công việc, thực hiện hoạt động quản lý Nhà nước (đây là công việc chủ yếu) nếu hầu tòa đương nhiên công việc sẽ bị đình trệ.

    Cùng với đó, hiện nay, pháp luật hành chính cũng đã quy định rõ trách nhiệm của bộ phận tham mưu ban hành văn bản. Bộ phận này là người nắm rõ vụ việc, nắm rõ quy định pháp luật liên quan đến vụ việc và có trách nhiệm đối với tham mưu của mình. Do đó, cho phép người bị kiện uỷ quyền cho người khác, chủ yếu là cán bộ, công chức thuộc bộ phận tham mưu tham gia tố tụng sẽ là phù hợp. Họ vừa bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của người bị kiện, vừa cung cấp được các thông tin cần thiết để vụ án được giải quyết khách quan, chính xác.

    Chưa dừng lại ở đó, người bị kiện chỉ uỷ quyền cho người khác tham gia tố tụng tại Toà án, còn người đó vẫn là chịu trách nhiệm đối với quyết định hành chính do mình ban hành. Theo tôi, vẫn cho phép người bị kiện trong vụ án hành chính uỷ quyền cho người khác.

    Nhưng chúng ta cần phải có quy định rõ trách nhiệm của người bị kiện, trách nhiệm của bộ phận tham mưu khi có quyết định hành chính bị bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án huỷ bỏ. Ví dụ, có thể quy định nếu người đứng đầu cơ quan trong một năm mà có từ 3 quyết định hành chính trở lên bị tuyên huỷ bởi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của toà án thì người đó sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc không được tái bổ nhiệm trong nhiệm kỳ kế tiếp...


    Video: Kẻ xúi giục dân khởi kiện, bôi nhọ các cơ quan chức năng lĩnh án

    Luật sư Lê Hồng Hiển (Đoàn luật sư TP.Hà Nội): Ủy quyền cũng là sự tiến bộ trong tranh tụng, quan trọng là ủy quyền cho ai

    * Lo ngại đề xuất “vênh” với Bộ luật Dân sự

    Mấy ngày qua tôi cũng nghe dư luận xôn xao về đề xuất quan chức phải hầu tòa khi ban hành, ký quyết định hành chính bị kiện, không được phép ủy quyền. Tuy nhiên, tôi lo ngại rằng, đề xuất này sẽ “đá nhau” với Bộ luật Dân sự. Bởi trong Bộ luật Dân sự, bất cứ công dân nào cũng có quyền được ủy quyền cho người đủ 18 tuổi, có đầy đủ năng lực, hành vi dân sự. Ở nhiều nước trên thế giới, từ lâu, các công dân đã có quyền ủy quyền cho luật sư hay người khác ra tòa thay mình.

    Nó cũng thể hiện cho sự tiến bộ trong tranh tụng. Tuy nhiên, điều nhiều người quan tâm ở đây là, vị quan chức, lãnh đạo kia sẽ ủy quyền cho ai. Tôi cho rằng, trường hợp người bị kiện là người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì hoàn toàn có thể ủy quyền cho người có chức danh quản lý, thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong lĩnh vực có liên quan đến quyết định hành chính bị kiện. Thực tế cũng cho thấy, không ít vị ủy quyền sai người dẫn đến việc gây khó khăn trong quá trình tố tụng.

    Tôi lấy ví dụ, một ông chủ tịch UBND tỉnh bị người dân kiện về quyết định hành chính liên quan đến đất đai thì hoàn toàn có thể giao cho người đứng đầu sở Tài nguyên và Môi trường, thậm chí là Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện thay mình ra tranh tụng. Bởi có khi chính vị trưởng phòng kia lại là người tham mưu cho ông chủ tịch ký văn bản đó. Hoặc ông chủ tịch tỉnh bị doanh nghiệp kiện vì quyết định hành chính thì có thể ủy quyền cho giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư thay mình...

    NHÓM PV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dung-uy-quyen-theo-kieu-de-cho-co-mat-truoc-toa-a87142.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan