Chúng tôi trông chờ sự vào cuộc của cơ quan chức năng để có một giải pháp lâu dài và thoả đáng cho người tham gia giao thông.
Thời gian gần đây, tại trạm thu phí số 1 trên quốc lộ 5, thuộc địa phận huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, các tài xế liên tục dùng tiền mệnh giá nhỏ 200 đồng, 500 đồng để trả tiền thu phí khi đi qua trạm BOT này.
Đã có hàng trăm tài xế đã sử dụng tiền lẻ để phản đối việc thu phí, gây ùn tắc cục bộ đoạn đường qua khu vực trạm. Sự việc diễn ra khá căng thẳng. Vidifi sau đó có công văn đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra hành vi gây rối.
Tài xế dùng tiền lẻ qua trạm BOT Quốc lộ 5. Ảnh:Dân Việt |
Ngay sau đó, UBND tỉnh Hưng Yên gửi văn bản kiến nghị di dời trạm thu phí số 1 trên quốc lộ 5 và miễn, giảm phí cho các phương tiện. UBND tỉnh Hưng Yên cũng đề nghị cơ quan chức năng xem xét di dời trạm thu phí này về vị trí tiếp giáp giữa tỉnh Hưng Yên với TP.Hà Nội hoặc giáp ranh với tỉnh Hải Dương.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị giảm 12-15% cho tất cả phương tiện lưu thông qua quốc lộ 5, miễn phí cho người dân sinh sống trong bán kính 5km quanh trạm thu phí, dự kiến từ 1/11/2017. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thống nhất giảm giá phí qua trạm BOT từ cơ quan chức năng. Điều này khiến các tài xế không hài lòng.
Đến ngày 11/12, các tài xế tiếp tục dùng tiền lẻ để qua trạm BOT trên. Ghi nhận của PV Dân Việt cho thấy, các tài xế dùng tiền lẻ mua vé vào buổi sáng và chiều cùng ngày. Để thực hiện việc trả tiền lẻ, 3 tài xế trên 3 ô tô dàn hàng ngang tại 3 làn thu phí. Các tài xế đều mang theo những xấp tiền dày mệnh giá 200 đồng, 500 đồng đã được chuẩn bị từ trước.
Trước tình trạng tài xế trả tiền lẻ tại quốc lộ 5, trao đổi với PV, Lãnh đạo Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) cho biết, việc lái xe trả tiền lẻ là đúng pháp luật, do vậy đơn vị đã bố trí người phục vụ ngay cả khi tài xế trả bằng tiền với mệnh giá 100 đồng.
Chúng tôi đang trông chờ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để có giải pháp cơ bản, lâu dài chứ không muốn như "mèo vờn chuột" với người tham gia giao thông” - vị lãnh đạo Vidifi cho hay.
Theo quyết định của Thủ tướng khi làm cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Vidifi được hỗ trợ giải phóng mặt bằng và hỗ trợ khác khoảng 6.000 tỷ đồng. Do ngân sách khó khăn nên Vidifi chưa nhận được đồng nào từ khoản hỗ trợ này.
Kiều Trang(T/h)