(ĐSPL) - Quyền lực đi liền với quyền lợi, danh càng cao, quyền lực càng lớn thì cái lợi càng nhiều khiến nhiều người mờ mắt, không giữ được phẩm chất đạo đức của mình.
Từ vụ việc hai công chức tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4, thuộc cục Hải quan TP.HCM "làm ngơ" cho buôn lậu hoành hành đến vụ cán bộ kiểm lâm ở Thanh Hóa "làm luật" 100 triệu đồng với chủ hàng để cho qua lỗi vi phạm và gần đây nhất là sự việc bắt Phó ban Tổ chức của quận ủy Cầu Giấy vì liên quan đến vụ án giết người khiến dư luận thêm bức xúc về tình trạng băng hoại đạo đức của một bộ phận cán bộ hiện nay.
|
Phó Ban tổ chức quận ủy Cầu Giấy bị bắt liên quan đến vụ giết tài xế Kiều Hồng Thành (ảnh nhỏ) trên đường Phạm Văn Đồng hôm 5/8. |
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, luật sư Hoàng Nguyên Hồng, nguyên chuyên viên cao cấp của ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, hiện tượng này đã được cảnh báo từ trước, vấn đề bây giờ là phải "ra tay" loại bỏ "kẻ ác" khoác chiếc áo cán bộ.
Lợi dụng chức quyền để trục lợi
- Ở góc độ của chuyên gia pháp lý, quan điểm của ông như thế nào từ hiện tượng tội phạm trong vỏ bọc của cán bộ, doanh nhân?
Thẳng thắn mà nói, vấn đề này không phải mới xuất hiện mà đã có từ lâu. Cái này xuất phát từ môi trường xã hội có nhiều kẽ hở. Vì thế, những tiêu cực ở ngoài xã hội đã len lỏi vào cơ quan Nhà nước "trú ẩn", "chờ thời" nhằm trục lợi. Mặt khác, một số cán bộ, công chức hay lãnh đạo các doanh nghiệp do nhiều hoàn cảnh và điều kiện cuộc sống có khác nhau đã bị băng nhóm "xã hội đen" lôi kéo. Bản thân họ đã "đi đêm" với những người xấu từ trước và thành thói quen tạo ra sự "lợi dụng chức quyền ra tiền". Quyền lực đi liền với quyền lợi, danh càng cao, quyền lực càng lớn thì cái lợi càng nhiều khiến nhiều người mờ mắt, không giữ được phẩm chất đạo đức của mình. Ở đây có vấn đề, chức trách nhiệm vụ phải tương xứng với chiếc ghế được ngồi. Những trường hợp trên, bằng mọi cách họ cố ngồi cho bằng được vào ghế, nhưng họ không thực hành chức trách được giao, nên họ biến thành tội phạm.
|
Luật sư Hoàng Nguyên Hồng, nguyên Chuyên viên Cao cấp của ủy ban Kiểm tra TW. |
- Phải chăng, hiện tượng này đã đến mức báo động, thưa ông?
Nói đúng hơn đây là báo động đỏ. Bởi vì nguy hiểm nhất là suy thoái của cán bộ thành tội phạm có ngay trong cơ quan Nhà nước, cơ quan pháp luật. Việc bổ nhiệm nhân sự đã không có sự tuyển chọn kỹ, tiêu chí rõ ràng tạo cơ hội cho đối tượng không tốt luồn lách vào cơ quan Nhà nước. Như vụ việc vừa qua, Phó ban Tổ chức của quận ủy Cầu Giấy, Hà Nội bị cơ quan điều tra bắt khẩn cấp vì liên quan đến vụ giết tài xế ở đường Phạm Văn Đồng là một điển hình. Cho nên, khâu tuyển chọn, bố trí, sắp xếp và bổ nhiệm các chức vụ là hết sức quan trọng, phải có tuyển lựa minh bạch và công khai.
Phải xem lại quy trình bổ nhiệm cán bộ
- Ông có thể nói cụ thể hơn về vụ việc này?
Hiện tại theo thông tin tôi nắm được thì Phó ban Tổ chức của quận ủy Cầu Giấy bị bắt vì liên quan đến việc giới thiệu "giang hồ" cho bạn để truy sát nạn nhân. Cơ quan công an cũng chỉ mới công bố vị này bị bắt vì liên quan đến vụ án, tuy nhiên nhiều nguồn tin cho rằng, vị này còn liên quan đến nhiều lợi ích kinh tế khác. Một Phó ban Tổ chức quận ủy mà hành xử kiểu "xã hội đen" đã bộc lộ bản chất lưu manh của vị này. Đây là sự thách đố, ngang ngược và trắng trợn đối với pháp luật. Cần phải làm rõ tội trạng và nghiêm trị những đối tượng này. Tôi ngẫm, thực tế, đang còn có những "xã hội đen đội lốt công chức" nhưng chưa bị lộ diện.
- Bản thân ông thừa nhận rằng có việc tội phạm móc ngoặc với quan chức nhằm che chắn hành vi phạm tội?
Nói thế thì hơi chủ quan. Tuy nhiên bao giờ cũng vậy, người vi phạm pháp luật luôn tìm cách cậy nhờ, để trốn tội, giảm tội, che chắn cho hành vi phạm tội. Nếu cán bộ có chức quyền mà che chắn hành vi phạm tội cho người khác thì đã vi phạm pháp luật. Mà quan chức nếu sợ đụng chạm ảnh hưởng đến quyền lợi của mình thì thật nguy hiểm. Chính vì thế, pháp luật bị vô hiệu do chính những người thực thi pháp luật mà đã tiếp tay.
- Vậy cần có giải pháp như thế nào để ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn này, thưa ông?
Đây là việc cực kỳ khó và cần sự quyết tâm của cơ quan Trung ương. Do đó, biện pháp đầu tiên là người đứng đầu ngành phải tự rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức về quá trình tuyển chọn và điều động, kiểm tra những trường hợp nào đáng quan tâm, xem xét khi có dấu hiệu bất thường. Thứ hai là, cần phải quy định cụ thể chức trách và nhiệm vụ của từng cấp, từng người một. Khi phát hiện ra người nào ngồi không đúng ghế hoặc làm sai, hoặc vì vụ lợi, cố tình vi phạm pháp luật thì cương quyết xử lý nghiêm. Bây giờ không phải hô hào khẩu hiệu nữa mà phải vào cuộc ngay. Người dân mong chờ vào những đợt kiểm tra, sàng lọc cán bộ của ngành. Phải xem xét lại quy trình bổ nhiệm để loại bỏ những kẻ xấu dưới lớp bọc cán bộ đang có ý định "vươn vòi bạch tuộc" từ xã hội đen đến cơ quan Nhà nước và ngược lại móc nối lôi kéo cán bộ Nhà nước tham gia hoạt động xã hội đen. Việc này rất nan giải và chúng ta phải có quyết tâm cao để ngăn chặn.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dung-de-phap-luat-bi-vo-hieu-tu-chinh-nguoi-thuc-thi-phap-luat-a46366.html