VietNamNet dẫn lời Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng - Hội Đông y Hà Nội cho biết, tiết lợn là thực phẩm rẻ, có tác dụng tốt với sức khỏe. Trong dân gian thường nói “thương con cho ăn tiết” vì mọi người cho rằng ăn tiết lợn mát, làm sạch phổi, thải độc.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trong 100g tiết lợn chứa 16g đạm, giàu gấp 4 lần phần thịt lợn. Tiết còn giàu lecithin, sắt, kali, đồng và các yếu tố vi lượng khác… có tác dụng bổ máu, tăng cường miễn dịch.
Ăn tiết lợn giúp bạn bổ sung sắt tự nhiên, phòng ngừa các bệnh thiếu sắt trong máu, tim mạch, tắc mạch ở người cao tuổi, trẻ nhỏ và phụ nữ. Phụ nữ thiếu máu sau chu kỳ kinh nguyệt hoặc có thai nên bổ sung khoảng 1 bữa tiết lợn/tuần.
Hàm lượng vitamin K trong tiết lợn cao, thúc đẩy máu đông hiệu quả trong những trường hợp cần cầm máu. Y học Trung Quốc coi tiết lợn là bài thuốc trị chứng thiếu máu.
Tiết lợn còn có tác dụng chống suy giảm trí nhớ do thành phần phospholipid giúp tăng lượng axetyl cholin, chất keo liên kết tế bào thần kinh, từ đó cải thiện trí nhớ, giảm chứng đãng trí. Người cao tuổi mắc chứng hay quên có thể ăn thêm các món có tiết.
Một số nghiên cứu thực nghiệm cho thấy tiết lợn có tác dụng trong ngăn ngừa bệnh ung thư. Các nguyên tố vi lượng trong tiết có thể phòng ngừa sự sinh sản bệnh tế bào ác tính, sửa chữa các mô bị tổn thương.
Tiết tốt cho sức khỏe nhưng thường bị ghét bỏ vì không phải ai cũng thích ăn. Đặc biệt, nhiều bà nội trợ sợ máu hay chế biến phức tạp nên không dùng. Hơn nữa, tiết lợn cũng dễ nhiễm khuẩn trong quá trình giết mổ.
Những nhóm người cần hạn chế hoặc tránh ăn tiết lợn:
Người mắc bệnh tim mạch:
Tiết lợn chứa hàm lượng cholesterol cao, gây hại cho người bị bệnh tim mạch hoặc có lượng cholesterol cao trong máu. Do đó, những người thuộc nhóm này nên tránh tiết lợn để bảo vệ sức khỏe tim mạch của mình.
Người đang điều trị bệnh máu đông:
Việc tiêu thụ tiết lợn có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh máu đông. Do đó, những người đang trong quá trình này cần hạn chế ăn tiết lợn để tránh tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Người bị chảy máu đường tiêu hóa:
Tiết lợn chứa nhiều sắt, có thể gây phản ứng như phân đen. Đối với người bị chảy máu đường tiêu hóa, việc tiêu thụ tiết lợn có thể làm tăng nguy cơ tác động tiêu cực đến quá trình điều trị và kiểm tra sức khỏe.
Những người có bệnh rối loạn mỡ máu, gan nhiễm mỡ, xơ gan, béo phì, người bị tan máu bẩm sinh không nên ăn. Người bị xơ vữa động mạch, đái tháo đường, gout, huyết áp không ổn định, bệnh về đường ruột cũng nên hạn chế món này.
Việc ăn đúng liều lượng và cách thức chế biến đúng cũng rất quan trọng để tận dụng các lợi ích dinh dưỡng mà tiết lợn mang lại, thông tin trên chuyên trang Pháp luật và Xã hội.
Lưu ý khi dùng tiết lợn
Tiết lợn giống như các nội tạng động vật khác chứa hàm lượng cholesterol rất cao. Vì vậy, dù tiết giá rẻ và giàu dinh dưỡng nhưng bạn chỉ nên ăn vừa đủ. Trung bình, 1 tuần bạn có thể thêm một bữa tiết trong thực đơn gia đình để bổ sung vi chất. Ngoài ra, bạn không nên coi tiết là món ăn bổ dưỡng chính trong gia đình.
Lưu ý hãy mua tiết mới còn màu đỏ tươi; không mua tiết màu thẫm, mùi khác lạ và không sử dụng tiết từ lợn ốm hoặc trong vùng dịch bệnh. Tuyệt đối không dùng tiết sống như tiết canh vì nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm trong đó có liên cầu lợn, ký sinh trùng.