Thịt vịt là món ngon dân dã của người Việt. Trong các mâm cỗ của gia đình, nếu không có thịt gà thì thịt vịt nhất định không thể nào thiếu. Loại thực phẩm này dù đem luộc, đem nướng hay nấu lẩu đều mang lại những vị ngon tuyệt vời không thể lẫn với bất cứ món nào.
Không chỉ ngon miệng, thịt vịt cũng đem lại cho người ăn giá trị dinh dưỡng rất cao. Trong 100g thịt vịt có khoảng 25g chất protein (vượt xa nhiều lần so với thịt bò, heo, dê, cá, trứng). Ngoài ra, hàm lượng các chất dinh dưỡng như canxi, phốtpho, sắt, vitamin (B1, B2, A, D, E), acide nicotic… rất cao
Tuy nhiên không phải ai cũng nên ăn thịt vịt vì có thể đem lại tác dụng ngược với sức khỏe.
Những người không nên ăn thịt vịt
Người đang bị cảm, mới phẫu thuật
Thịt vịt có tính hàn (lạnh) nên người đang bị cảm tuyệt đối không nên dùng để tránh bệnh nặng hơn. Người mới phẫu thuật cần kiêng chất tanh cũng không nên ăn thịt vịt vì nó làm cho vết thương lâu lành.
Người có hệ tiêu hóa kém
Thịt vịt mang tính hàn nên người có hệ tuần hoàn kém lâu ngày làm suy yếu các cơ quan khác như hệ tiêu hóa, thận, hệ thống miễn dịch... không nên ăn nhiều. Ngoài ra thịt vịt cũng khiến người có thể trạng hàn dễ bị các bệnh về cơ - xương - khớp.
Người có thể chất yếu, lạnh
Theo Đông y, thịt vịt có tính lành, đối với những người có thể trạng hàn lạnh thì nên hạn chế ăn thịt vịt, bởi sau khi ăn vào có thể sẽ gây lạnh bụng, dẫn đến cảm giác chán ăn, đau bụng, tiêu chảy hoặc các dấu hiệu tiêu hóa bất lợi khác.
Người có bệnh về xương khớp
Những loại thực phẩm có tính hàn nói chung và thịt vịt nói riêng rất có hại cho những người có vấn đề về xương khớp. Tính hàn sẽ khiến cơ thể bị nhiễm lạnh, các khớp xương sẽ càng thêm đau nhức.
Người bị bệnh viêm đường ruột, béo phì, xơ cứng động mạch
Nhóm người bệnh cuối cùng nên tránh thịt vịt, đó là người đang có tiền sử bệnh viêm đường ruột mãn tính. Theo Đông y, thịt vịt có tính ngọt vị mặn, ăn vào sẽ khiến cho bệnh viêm đường ruột trở nên nặng hơn.
Những người đang mắc các bệnh như đau bụng, tiêu chảy, đau lưng, đau bụng kinh thì tốt nhất cũng không nên ăn thịt vịt, hoặc ăn ở mức rất hạn chế.
Những người đang bị ho
Trong thịt vịt có chứa chất tanh, rất có hại cho những người đang bị ho. Chất tanh khiến cho đường hô hấp của người bệnh càng khó hoạt động hơn. Do đó, ăn thịt vịt khiến cho bệnh ho càng lâu khỏi và có thể trở nên trầm trọng hơn.
Những thực phẩm không nên kết hợp cùng thịt vịt
Ba ba
Ba ba và thịt vịt đều là hai loại thực phẩm bổ dưỡng cho sức khỏe. Tuy nhiên, chúng lại kỵ nhau. Do đó, nếu nấu chung thịt vịt và ba ba, người ăn có thể bị tiêu chảy hoặc phù thũng. Ngoài ra, trong ba ba có rất nhiều hoạt chất sinh học có khả năng làm biến chất chất đạm hoặc giảm giá trị dinh dưỡng của thịt vịt xuống.
Thịt rùa
Bạn không nên ăn thịt rùa chung với thịt vịt vì có thể gây nên tình trạng "âm thịnh dương suy", gây ra bệnh phù nề, tiêu chảy.
Tỏi
Đây là một loại gia vị rất thông dụng trong bếp của gia đình Việt. Tỏi có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe và được sử dụng trong rất nhiều món ăn khác nhau. Tuy nhiên, với những món từ thịt vịt thì chị em nhất định không nên cho thêm tỏi dưới bất kỳ dạng nào.
Tỏi có tính nóng, là gia vị đại nhiệt. Trong khi đó, thịt vịt lại tính hàn. Sự kết hợp giữa thịt vịt và tỏi là rất đại kỵ. Nó ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa và đường ruột của cơ thể.
Quả mận
Quả mận có vị chua chua, ngọt ngọt, thịt mận màu đỏ tía vừa giòn vừa mềm. Tuy ăn rất ngo nhưng mận lại khiến người ăn bị nóng. Nếu ăn kèm với thịt vịt hoặc ăn với thời gian quá sát nhau thì sẽ khiến cơ thể bị chướng bụng, khó tiêu. Do đó, người ta thường tránh ăn thịt vịt chung với quả mận, đảm bảo cho hệ tiêu hóa không bị ảnh hưởng.
Loại quả có tính nóng
Trong Đông y, thịt vịt tính hàn, có công dụng giải nhiệt, trong khi một số quả như mận, xoài, mít, chôm chôm lại có tính nóng. Không nên sử dụng 2 loại có đặc tính trái ngược nhau này trong một bữa ăn vì sẽ gây ra chứng khó tiêu, chướng bụng, nóng ruột và gây hại đến sức khỏe.
Trứng gà
Không nên ăn thịt vịt cùng với trứng gà vì có thể làm tổn hại đến nguyên khí trong cơ thể.
Như Quỳnh (T/h)