Tờ Wall Street Journal thông tin về việc Berlin vận chuyển xe tăng chiến đấu chủ lực tới Kiev, các quan chức cấp cao Đức cho rằng Mỹ nên đồng ý gửi xe tăng của chính họ trước.
Ba Lan, Phần Lan và Đan Mạch đều đã tình nguyện gửi một số chiếc xe tăng Leopard mà họ sở hữu cho quân đội Ukraine, nhưng một động thái như vậy sẽ cần có sự cho phép của Đức. Berlin vẫn chưa nhận được bất kỳ yêu cầu chính thức nào về vấn đề đó, các quan chức Đức tiết lộ.
Theo đó, Đức sẵn sàng chấp thuận gửi xe tăng tới Kiev nhưng chỉ khi Mỹ tuyên bố sẽ chuyển cho Ukraine xe tăng M1 Abrams của họ.
Berlin có quyền phủ quyết đối với bất kỳ quyết định xuất khẩu xe tăng Leopard của mình, loại xe tăng do quân đội các nước đồng minh NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) triển khai trên khắp châu Âu và được các chuyên gia quốc phòng coi là phù hợp nhất với Ukraine.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết quốc gia này "có liên kết chiến lược" với các đồng minh của mình khi đưa ra quyết định về phương thức hỗ trợ Ukraine.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thuỵ Sĩ hôm 18/1, Thủ tướng Olaf Scholz bày tỏ lo ngại về cuộc xung đột ở Ukraine.
“Người Ukraine có thể dựa vào sự hỗ trợ của chúng tôi trong cuộc chiến đấu dũng cảm của họ nhưng rõ ràng là chúng tôi muốn tránh điều này trở thành một cuộc chiến giữa Nga và NATO", ông Scholz chia sẻ.
Trước câu hỏi về điều kiện của Đức, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho hay Tổng thống Mỹ Joe Biden tin rằng mỗi quốc gia nên đưa ra quyết định có chủ quyền của riêng nước đó về các bước hỗ trợ an ninh cần thiết, và dạng vũ khí, thiết bị có thể viện trợ cho Ukraine.
Trước đó, Mỹ đã chuyển giao siêu lựu pháo M777 cho Ukraine đối phó hiệu quả trước sức ép từ lực lượng Nga.
Ngày 16/1, Vương quốc Anh tuyên bố sẽ gửi 14 chiếc xe tăng Challenger II của mình, với hy vọng thúc đẩy các thành viên NATO khác sẽ hành động tương tự.
Moscow đã nhiều lần cảnh báo phương Tây rằng việc gửi vũ khí tới Ukraine chỉ kéo dài tình trạng không thể tránh khỏi và có nguy cơ leo thang căng thẳng.
Bích Thảo(Theo RT)