Theo VOV, ngày 10/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết nước này chưa bao giờ và sẽ không bao giờ cung cấp bom chùm cho Ukraine.
“Chúng tôi chưa cung cấp những loại vũ khí như vậy và sẽ không cung cấp chúng”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh.
Bộ Ngoại giao Đức bày tỏ hy vọng phía Mỹ đã tính đến kịch bản xung đột có thể leo thang sau quyết định cung cấp bom chùm cho Ukraine.
Trước đó, ngày 9/7, trong một cuộc phỏng vấn với ZDF Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier tuyên bố: “Chính phủ liên bang ở Đức cấm những loại đạn như vậy và Đức cũng phản đối những nguồn cung cấp như vậy”, đồng thời giải thích rằng ông đã ký Công ước về bom, đạn chùm khi còn giữ chức ngoại trưởng vào năm 2008.
Tuy nhiên, ông Steinmeier nói rằng Berlin không thể và cũng không nên can thiệp vào quyết định gây tranh cãi của Washington về việc cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine, VTC News đưa tin.
“Ngay cả khi lập trường của Đức chống lại việc sử dụng bom, đạn chùm là chính đáng hơn bao giờ hết, nhưng trong tình hình hiện tại, chúng ta không thể ngăn cản Mỹ”, ông Steinmeier nói thêm.
Theo báo Tin tức, ngày 6/7, Mỹ đã chính thức tuyên bố sẽ cung cấp một gói hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá 800 triệu USD, đặc biệt bao gồm các loại đạn thông thường cải tiến đa dụng (DPICM) hoặc bom, đạn chùm. Nhà Trắng giải thích rằng Ukraine đã cam kết giảm thiểu rủi ro khi sử dụng bom, đạn chùm và những loại mà Mỹ sẽ cung cấp sẽ gây ra rủi ro thấp hơn đáng kể cho dân thường.
Mặc dù vậy, quyết định này đã gây tranh cãi gay gắt ngay cả từ các đồng minh của Mỹ. Canada, Anh, Áo và Tây Ban Nha đều lên tiếng phản đối việc Mỹ gửi vũ khí cho Ukraine, viện dẫn hồ sơ theo dõi được biết đến của loại vũ khí này là gây hại cho người vô tội ngay cả sau khi chiến tranh kết thúc.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres cũng đã lên tiếng phản đối quyết định của Washington cung cấp bom, đạn chùm cho Kiev.
Việc sử dụng bom chùm không vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng sử dụng chúng nhằm vào thường dân có thể là một hành vi vi phạm. Một công ước cấm sử dụng bom chùm đã được hơn 120 quốc gia tham gia, đồng ý không sử dụng, sản xuất, vận chuyển hoặc tàng trữ vũ khí này. Mỹ, Nga và Ukraine chưa ký thỏa thuận.
Bom chùm có thể chứa hàng trăm quả bom nhỏ. Khi được kích nổ trên không, bom chùm sẽ phân tán các quả bom nhỏ trên một khu vực rộng lớn.. Nếu không phát nổ ngay lập tức, những quả bom nhỏ này vẫn nằm trên mặt đất, có thể gây ra mối đe dọa với dân thường hàng thập kỷ sau khi xung đột kết thúc.
Công ước cấm bom chùm được ký kết vào năm 2008. Cho đến nay đã có 111 quốc gia tham gia và 12 quốc gia khác đã ký kết nhưng vẫn chưa phê chuẩn.
Vân Anh (T/h)