Đức dự kiến sẽ áp thuế đối với tất cả các khách hàng tiêu thụ khí đốt từ ngày 1/10, nhằm giúp các nhà cung cấp đang gặp khó khăn với giá khí đốt nhập khẩu tăng cao, một dự thảo luật tại quốc gia này được đưa ra vào ngày 28/7 (giờ địa phương), theo Reuters.
Mức thuế này nhằm mục đích chia sẻ chi phí bổ sung cho việc thay thế khí đốt từ Nga giữa tất cả người dùng và ngăn chặn tình trạng vỡ nợ giữa các nhà kinh doanh khí đốt.
Các hộ gia đình và người tiêu dùng công nghiệp có hợp đồng dài hạn sẽ phải chịu khoản phí này, sẽ có hiệu lực đến cuối tháng 9/2024. Những nhà nhập khẩu khí đốt sẽ phải tự chịu chi phí gia tăng cho đến khi thuế có hiệu lực.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết mức thuế sẽ tăng từ 1,5 đến 5 cent/kWh., với số tiền thu được dành cho tất cả các công ty cần thay thế khí đốt của Nga.
Điều này có nghĩa, một hộ gia đình 4 người có thể phải đối mặt với chi phí bổ sung lên đến 1.000 EURO (1.014 USD) mỗi năm. Ông Habeck cho biết biện pháp này là một khó khăn nhưng quan trọng để ổn định thị trường năng lượng.
Điều kiện tiên quyết để chính phủ kích hoạt cơ chế này là sự gián đoạn đáng kể đối với dòng khí đốt vào Đức. Tập đoàn Gazprom của Nga đã cắt giảm dòng chảy qua đường ống dẫn khí Nord Stream 1 xuống chỉ còn 20% công suất trong tuần này.
Hồi tháng 6, Đức đã chuyển sang giai đoạn thứ hai trong ba giai đoạn của kế hoạch khẩn cấp nguồn cung, cho phép chính phủ kích hoạt điều khoản điều chỉnh giá để các nhà cung cấp có thể chuyển tăng giá cho khách hàng của họ. Tuy nhiên, một mức thuế chung có thể làm tăng giá xăng đối với tất cả mọi người bất kể nó đến từ nhà cung cấp nào.
Trong khi đó, chính phủ nước này đã kêu gọi người dân và ngành công nghiệp tiết kiệm năng lượng ngay từ bây giờ để có thể lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt trước mùa đông - đặt mục tiêu đạt 95% công suất vào tháng 11 từ mức 67,2% hiện tại.
Các công ty đang cân nhắc các lựa chọn của họ, trong khi Berlin đã cho biết họ sẽ tắt đèn tại 200 tòa nhà và địa điểm công cộng vào ban đêm.
Bích Thảo(Theo Reuters)