+Aa-
    Zalo

    Đưa vợ vào trại tâm thần để...cưới vợ hai

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sống với nhau ngót 20 năm, con cái đủ cả nếp lẫn tẻ, thế nhưng người đàn ông ấy vẫn nhẫn tâm đưa vợ vào trại tâm thần rồi bỏ mặc và ngang nhiên tuyên bố cưới vợ mới.

    Sống với nhau ngót 20 năm, con cái đủ cả nếp lẫn tẻ, thế nhưng người đàn ông ấy vẫn nhẫn tâm đưa vợ vào trại tâm thần rồi bỏ mặc không quan tâm chăm sóc và ngang nhiên tuyên bố cưới vợ mới.

    Bất chấp đạo lý

    Mấy ngày nay, người dân xã Tản Hồng, huyện Ba Vì (Hà Nội) xôn xao về một đám cưới sắp diễn ra. Với dân Tản Hồng thì đây là đám cưới đặc biệt bởi đằng trai, tức anh Khổng Tiến Thịnh (còn gọi là Tuấn), trú tại cụm 5 thôn La Phẩm, xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, vốn đang sống có hôn thú với chị Lê Thị Sinh (tên thường gọi là Năm). Ông Lê Ngọc Đức, Phó Chủ tịch xã Tản Hồng thừa nhận: “Chúng tôi nắm được thông tin việc anh Thịnh vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, vi phạm chế độ 1 vợ 1 chồng, cụ thể là chuẩn bị làm đám cưới với cô Lê Thị Tuyên trú tại cụm 7 thôn La Phẩm trong khi anh ta vẫn đang có vợ. Do đó UBND xã đã gọi anh Thịnh lên lập biên bản và nhắc nhở, giáo dục, nhưng ông ta bỏ ngoài tai. Thậm chí ngay trong buổi làm việc, khi cán bộ đang phân tích phải trái thì ông Thịnh đùng đùng bỏ về và tuyên bố… vẫn lấy vợ mới bình thường”.

    Đưa vợ vào trại tâm thần để...cưới vợ hai

    Cụ Nguyễn Thị Đông - mẹ chị Sinh khóc thương con gái…Ảnh: N.L

    Cách đây 20 năm, anh Thịnh và chị Sinh đến với nhau bằng một đám cưới giản dị nhưng ấm áp. Ngày ấy, dù hoàn cảnh còn nghèo khó, nhưng vợ chồng biết bảo ban nhau, đặc biệt là chị Sinh vốn là người đảm đang tháo vát, biết buôn bán chạy chợ nên chẳng mấy chốc hai vợ chồng đã có của ăn của để, mua được đất, xây được nhà. Nhưng gần đây chị Sinh bỗng có biểu hiện của người tâm thần. Mặc dù đã được chạy chữa nhiều nơi, nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Chị Lê Thị Trúc (chị gái của chị Sinh) cho biết: “Sau khi thấy em tôi chữa mãi không khỏi, tháng 5/2013 chú Thịnh đã gửi cô ấy vào trại tâm thần Thụy An, Ba Vì và bỏ mặc suốt từ đó đến nay không quan tâm chăm sóc. Thậm chí khi thấy chúng tôi thương em gái muốn đưa về nuôi dưỡng thì chú ấy làm đơn gửi luôn cho trại tuyên bố, nếu không được phép của chú ấy thì không ai có quyền đưa cô Sinh về. Từ khi em tôi bị đưa vào trại, chú ấy ở nhà quan hệ với cô Tuyên cùng thôn và cả 2 quyết định làm đám cưới”

    Phép vua thua… lệ nhà?

    Mẹ đẻ chị Sinh là cụ Nguyễn Thị Đông năm nay đã 80 tuổi, cứ mỗi khi nhắc đến con gái mình là cụ lại khóc ròng. Cụ bảo: “Tôi được 7 cô con gái, nhưng cái Sinh là khổ nhất. Từ ngày nó bị tâm thần, dù lúc tỉnh vẫn chịu khó làm ăn nhưng thường xuyên bị chồng ngược đãi. Nhiều lần nó bị chồng đánh đập phải bỏ chạy đi nương náu ngoài đình. Nhưng ở quê, phận gái thì phải theo chồng, tôi cũng già rồi nên chẳng cưu mang được, vì thế khi chồng nó bảo đưa vợ vào trại tâm thần tôi cũng đành chấp nhận. Ai ngờ đưa vợ vào trại chưa bao lâu thì chồng nó tuyên bố sẽ lấy vợ mới bất chấp gia đình chúng tôi phản đối. Hôm nọ, chính thằng Thịnh còn ngang ngược đến tận nhà mời tôi đi ăn đám cưới vợ hai của nó”.

    Ông Phương Đình Căn, Trưởng công an xã Tản Hồng cũng bức xúc: “Hôm chúng tôi mời anh Thịnh ra xã làm việc, anh ta luôn miệng tuyên bố anh ta lấy vợ mới là để có người chăm lo cho con cái mình”. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tâm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã thì cho hay: “Chúng tôi thấy đây là chuyện vi phạm luật pháp và trái luân thường đạo lý nên đã đến nhà chị Tuyên vận động gia đình không nên tiếp tục những việc làm sai trái. Tuy nhiên, chị Tuyên tỏ thái độ chống đối và bất hợp tác. Do đó Hội Phụ nữ xã đã báo cáo Ủy ban xã để có biện pháp xử lý nếu hai bên vẫn cố tình vi phạm. Chị Tuyên từng có một đời chồng nhưng đã ly hôn, vì thế chính chị ta rõ hơn ai hết về việc kết hôn với người đang có hôn thú thì hậu quả sẽ như thế nào”.

    Theo ông Căn, sở dĩ anh Thịnh muốn lấy vợ mới mà không phải ly hôn chị Sinh là bởi có thể anh ta biết rằng, nếu ly hôn thì khi đó tài sản gia đình sẽ bị chia đôi. Và ai là người chăm sóc, nuôi dưỡng chị Sinh thì sẽ được quyền quản lý phần tài sản đó. Đây là điều anh Thịnh không chấp nhận. Mặc dù cả chính quyền và dư luận đã lên án mạnh mẽ, nhưng ngày hôm qua (2/4) anh Thịnh vẫn tiến hành lễ ăn hỏi như bình thường. Ông Lê Ngọc Đức, Phó Chủ tịch xã cho biết: “Theo thông tin chúng tôi nắm được thì trong ngày hôm nay (3/4), anh Thịnh vẫn cố tình tổ chức đám cưới bất chấp sự cảnh báo của chính quyền. Và nếu quả đúng như vậy thì chúng tôi sẽ tiến hành lập biên bản rồi chuyển hồ sơ cho các cơ quan pháp luật xử lý”.

    Chúng tôi vào Trung tâm điều dưỡng tâm thần Thụy An thăm chị Sinh, nghe thông báo chồng mình hôm nay sẽ cưới vợ mới, gương mặt ngây ngô của chị Sinh chợt sa sầm. Rồi người đàn bà ấy khóc, có lẽ chị chợt thức tỉnh trước cái tin sét đánh ấy. Không chỉ có sức khỏe, ngay cả hạnh phúc cũng chối từ người đàn bà bất hạnh này.

    Theo ANTĐ

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dua-vo-vao-trai-tam-than-decuoi-vo-hai-a27974.html
    Bi thảm cô dâu Việt trong trại tâm thần Trung Quốc

    Bi thảm cô dâu Việt trong trại tâm thần Trung Quốc

    Những cô gái Việt Nam lấy chồng Trung Quốc với mong muốn được đổi đời. Nhưng kết cục cho những cô dâu này lại là những tháng ngày bị đọa đày, trở thành những bệnh nhân và không còn đủ giấy tờ để trở về quê hương.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Bi thảm cô dâu Việt trong trại tâm thần Trung Quốc

    Bi thảm cô dâu Việt trong trại tâm thần Trung Quốc

    Những cô gái Việt Nam lấy chồng Trung Quốc với mong muốn được đổi đời. Nhưng kết cục cho những cô dâu này lại là những tháng ngày bị đọa đày, trở thành những bệnh nhân và không còn đủ giấy tờ để trở về quê hương.

    Nỗi đau ở “xóm tâm thần”

    Nỗi đau ở “xóm tâm thần”

    Xóm núi Eo Sơn, xã Thanh Lâm (Thanh Chương, Nghệ An) lâu nay được biết đến bởi cái nghèo, cái đói. Nay về xóm lại chứng kiến thêm nhiều mảnh đời éo le, bất hạnh. Lâu nay, người ta thường gọi Eo Sơn bằng cái tên đau thương hơn - “Xóm tâm thần”.