+Aa-
    Zalo

    Dư vốn làm đường hơn 14 nghìn tỉ đồng: Tiền lệ tốt - Nên mừng hay lo?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Dự án nâng cấp, cải tạo QL1A và đường HCM qua Tây Nguyên lại dư tới hơn 14.000 tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, lần đầu tiên có một dự án tiêu không hết tiền.

    (ĐSPL) - Người dân có lẽ đã quá quen với việc các dự án sử dụng ngân sách đội vốn với đủ lý do từ chậm tiến độ, thêm hạng mục đến trượt giá...Thế nhưng, dự án nâng cấp, cải tạo QL1A và đường Hồ Chí Minh  qua Tây Nguyên lại dư tới hơn 14.000 tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, lần đầu tiên có một dự án tiêu không hết tiền. Câu hỏi đặt ra, phải chăng khâu lập dự toán không chính xác hay do chất lượng kém, quy mô dự án giảm?

    Điệp khúc “đội vốn” đầu tư

    Thời gian qua, tình trạng các dự án đội vốn lên nhiều lần so với phê duyệt ban đầu đã không còn là câu chuyện mới mẻ của ngành giao thông. Không khó để “điểm mặt chỉ tên” hàng loạt công trình “khủng” về quy mô, hoành tráng nguồn vốn, cũng đồng thời “khủng” luôn về việc đội vốn.

    Cách đây ít lâu, dư luận không khỏi choáng váng khi thông tin công bố cho biết, tuyến Metro số 2 Bến Thành (Q.1) - Tham Lương (Q.12, TP.HCM) đội vốn 726 triệu USD. Theo UBND TP.HCM, tại đợt kiểm tra thực tế hồi tháng 3/2015, các nhà tài trợ đã cơ bản thống nhất về cơ cấu phân chia lại nguồn vốn tài trợ và xác định lại tổng mức đầu tư dự án tuyến Metro Bến Thành – Tham Lương là gần 2,1 tỉ USD (tăng 51\% so với tổng mức đầu tư được duyệt trước đó là 1,34 tỉ USD).

    Cụ thể, trong quá trình điều chỉnh thiết kế, hạng mục xây lắp đường hầm và các nhà ga ngầm tăng giá trị từ 404 triệu USD thành 1,16 tỉ USD, do một số nội dung thiết kế cơ sở được tối ưu hóa và điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế.

    Dự án cải tạo, nâng cấp QL1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên dư vốn trái phiếu Chính phủ 14.259  tỉ đồng.

    Một công trình hoành tráng khác cũng thường được dư luận nhắc đi nhắc lại về nhiều vấn đề, trong đó đáng chú ý là khả năng... đội vốn. Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc, có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD.

    Sau một thời gian thi công, dự án được các bên liên quan đề xuất điều chỉnh lên 868,04 triệu USD, tăng 315,18 triệu USD so với tổng mức đầu tư ban đầu. Không chỉ tuyến Cát Linh - Hà Đông, tất cả các dự án đường sắt đô thị còn lại tại Hà Nội và TP.HCM đều phải điều chỉnh tổng mức đầu tư.

    Cũng vẫn “điệp khúc” đội vốn, dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được khởi công năm 2008 với tổng mức đầu tư 24.500 tỉ đồng gồm 11 gói thầu dài 105km. Dự án này sẽ rút ngắn thời gian đi lại, đồng thời kết nối với các tuyến đường khác, tạo thành mạng lưới giao thông đường bộ thông suốt.

    Tuy nhiên, vốn đầu tư của tuyến đường đã đội lên con số hơn 45.000 tỉ đồng. “Khủng” hơn là dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ban đầu dự án có tổng mức đầu tư khoảng 3.700 tỉ đồng nhưng sau quá trình thực hiện đã tăng lên gần 8.900 tỉ đồng. Tất nhiên, đội vốn đều có lý do của nó, các chủ đầu tư đưa ra đều hợp lý cả?

    Lý giải những con số...

    Trước thực tế nhiều công trình, dự án giao thông bị đội vốn lên con số hàng ngàn tỉ đồng thì thông tin dự án nâng cấp, cải tạo QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên thừa tới hơn 14.000 tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ khiến không ít người... giật mình. Khách quan mà nói, đây là một điểm sáng hiếm hoi.

    Nhận định về điều này, nhiều ý kiến đánh giá đây có thể coi là kết quả tốt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, một số ý kiến nhận định, tỉ trọng vốn dư lớn so với tổng vốn được bố trí (dư 22\%) phần nào thể hiện việc lập dự toán, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư chưa sát với thực tiễn. Thậm chí, không ít ý kiến băn khoăn về quy mô, chất lượng của dự án khi vốn dư quá lớn...

    Lý giải cho số vốn dôi dư này, đại diện bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giải thích, trước đây, khi nâng cấp đường sá, mạnh ai nấy làm nên chiều rộng mặt đường khác nhau. Chẳng hạn, đoạn qua Ninh Bình rộng 60m, nhiều nơi qua thành phố, thị xã là 25-35m. Tuy nhiên khi làm dự án này, bộ GTVT thống nhất toàn tuyến là 20,5m, không có chuyện “xin - cho” độ rộng mặt đường chỗ này chỗ kia. Các dự toán đã được thẩm định của bộ KH&ĐT, bộ Xây dựng và đều theo quy trình chặt chẽ, đúng quy định.

    Cũng theo lý giải của bộ GTVT, dự án trên đã giảm hơn 1.070 tỉ đồng do tiết kiệm 5\% theo chỉ đạo của Chính phủ; giảm hơn 1.700 tỉ đồng do trong quá trình triển khai đã điều chỉnh các hạng mục cho phù hợp. Ngoài ra, giảm được 6.290 tỉ đồng do rút ngắn thời gian thi công (QL1A rút ngắn được 1 năm, đường Hồ Chí Minh rút ngắn được 1,5 năm), do đó không sử dụng đến chi phí dự phòng; giảm 686 tỉ đồng do công tác GPMB nhanh.

    Bộ GTVT nói gì?

    Sáng 22/10, phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, lý giải cho việc dư vốn hơn 14.000 tỉ đồng tại dự án cải tạo QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Mấu chốt là do sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Quốc hội, Chính phủ. Ngoài ra, các Bộ, ngành như: Bộ Tài chính, KH&ĐT, TN&MT đã có sự phối hợp rất tốt. Tổng số vốn giảm hơn 14.000 tỉ đồng là do những lý do nêu trên chứ không phải do lập dự toán chưa chính xác hay do chất lượng công trình kém”.

    GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng viện Kinh tế và Phát triển, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội: Phải xử lý nghiêm với các dự án đội vốn lớn

    Việc kiểm tra giám sát định mức, chất lượng công trình đảm bảo mà nguồn vốn còn dư là điều quá tốt và cần được khích lệ. Thực tế hiện nay, nhiều dự án, công trình ở Việt Nam thường đội chi phí lên. Nguyên nhân do chưa nghiên cứu kỹ về mục tiêu, phạm vi dự án; không nắm vững công nghệ; chưa tính kỹ hiệu quả nên đưa ra tổng mức đầu tư chiếu lệ, lập dự toán thấp. Sau khi chọn được nhà thầu và thi công thì đi từ thay đổi này đến bổ sung khác để tăng mức đầu tư...

    Do đó, trước mắt cần xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân, đơn vị liên quan với các dự án đội vốn lớn. Đối với dự án dư hơn 14.000 tỉ đồng nói trên, theo tôi các dự án khác cần phải học tập để làm sao chuyện đội vốn đầu tư không còn là “chuyện thường ngày”, nhất là ở các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

    ĐBQH Huỳnh Văn Tiếp – Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Hiện tượng không bình thường?

    Trên thực tế, tình trạng dư vốn của công trình trên không phải hiện tượng cá biệt, mà nhiều công trình khác cũng thế. Một nguyên nhân cần chỉ rõ là đôi khi chúng ta cứ làm dự toán cho vốn lớn lên để rồi cuối cùng dư vốn. Theo tôi, đây là hiện tượng không bình thường, chúng ta cần phân tích, đánh giá kỹ. Bởi, việc phát hành trái phiếu Chính phủ tạo áp lực nên nợ công rất lớn cho quốc gia. Tôi đề nghị phải kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của những người lập dự toán. Đồng thời, không chuyển 14.000 tỉ đồng dư này sang các dự án khác, mà lấy nguồn đó để giảm nợ công xuống.

    ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh): Tiền lệ tốt nhưng vẫn cần xem xét rõ

    Với những công trình đầu tư, việc lập dự toán luôn phải tính đến khoản dự phòng, do tác động của tình hình kinh tế, lạm phát... Thế nhưng, nguyên tắc lập dự toán phải sát thực tế, theo hướng tiết kiệm nhưng cũng phải đảm bảo đúng chất lượng. Đặt trong bối cảnh hàng loạt dự án đội vốn “khủng”, việc dự án cải tạo QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên dư tới hơn 14.000 tỉ đồng theo tôi là tiền lệ tốt, nhưng cũng cần xem rõ nguồn vốn dư trên là do đâu.

    Nhiều người nghi ngờ về chất lượng của công trình, tuy nhiên, theo tôi điều này cần thẩm định và thời gian. Nhiều khi xây xong không sao nhưng sử dụng một thời gian lại bộc lộ rất nhiều vấn đề. Về nguồn vốn dư trên, tôi đề nghị nên ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng và xây dựng thêm bệnh viện, đặc biệt là các dự án đã hoàn thiện thủ tục hành chính.

    Đỗ Thơm – Anh Đức

    Xem thêm video tin tức:

    [mecloud]D9HoruwAxj[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/du-von-lam-duong-hon-14-nghin-ti-dong-tien-le-tot---nen-mung-hay-lo-a117074.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.