(ĐSPL) - Theo số liệu vừa được Bộ Tư pháp công bố, trong 10 tháng đầu năm 2014, có hơn 9.017 văn bản pháp luật có dấu hiệu vi hiến, trái luật được các bộ ngành, cơ quan địa phương kiểm tra phát hiện.
Đây là thực tế đáng báo động, bởi nhiều bộ, ngành ban hành văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Cấp thấp hơn, một số địa phương cũng vội vã điều chỉnh bằng những văn bản chẳng giống ai gây thiệt hại cho người dân. Vẫn biết những văn bản kiểu này sẽ bị "tuýt còi", thế nhưng câu hỏi đặt ra, bao giờ mới hết cảnh "mất bò mới lo làm chuồng"?
Ảnh minh họa. |
Tại sao có barie mà vẫn "lọt"?
Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã liên tục "bắt lỗi" hàng loạt văn bản của các bộ, ngành và địa phương khi cho rằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trước đó trong cuộc trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, TS. Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp) cho biết, năm 2014 cơ quan này đã tiến hành kiểm tra 3.887 văn bản do bộ ngành, địa phương ban hành và phát hiện ra 634 văn bản ban hành trái căn cứ, thể thức. Thế nhưng, đây chỉ là chuyện của những văn bản "trên trời", sớm bị "tuýt còi", còn trên thực tế, tại không ít địa phương, nhiều văn bản pháp luật đã "lọt lưới" và đi vào thực tế cuộc sống. Tất yếu những văn bản trái luật kể trên sẽ gây thiệt hại cho người dân.
Mới đây, Cục Kiểm tra văn bản QPPL cũng "tuýt còi" Quyết định (QĐ) số 24 của UBND tỉnh Sơn La về việc ban hành quy định phân cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh Sơn La vì có một số nội dung chưa phù hợp với quy định pháp luật. Theo Cục này, khoản 2 Điều 4 của QĐ 24 quy định: "Trong trường hợp công trình xây dựng theo giấy phép xây dựng tạm hết thời hạn tồn tại, nhưng Nhà nước vẫn chưa thực hiện quy hoạch, nếu chủ đầu tư có nhu cầu thì công trình đó vẫn được tồn tại đến khi Nhà nước thu hồi đất". Theo đó, khi giấy phép xây dựng tạm hết thời hạn, Nhà nước vẫn chưa thực hiện quy hoạch mà chủ đầu tư có nhu cầu thì những công trình xây dựng theo giấy phép xây dựng tạm vẫn mặc nhiên tồn tại mà không cần phải xin phép.
Đối chiếu với quy định của pháp luật, khi hết thời hạn theo giấy phép xây dựng tạm, nếu chủ đầu tư có nhu cầu phải "đề nghị với cơ quan cấp phép xem xét cho phép kéo dài thời hạn tồn tại". Như vậy, công trình xây dựng tạm có được phép tồn tại nữa hay không phụ thuộc vào việc xem xét cho phép của cơ quan cấp phép theo đề nghị của chủ đầu tư. Với việc dẫn chiếu văn bản pháp luật kể trên, cục Kiểm tra VBQPPL khẳng định quy định như trên là chưa phù hợp với quy định của bộ Xây dựng, có thể gây ra sự tùy tiện trong xây dựng tại địa phương.
Một ví dụ khác minh chứng cho hậu quả của việc địa phương ban hành văn bản trái pháp luật được dư luận phản ánh từ cách đây chưa lâu. Chuyện xảy ra tại một xã thuộc huyện ngoại thành của Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô chưa đầy 30km. Dù không thuộc dạng vùng sâu vùng xa nhưng tại đây, những "công bộc của nhân dân" đã đưa ra một quy định khá "tréo ngoe": Người dân phải nộp phạt 1 triệu đồng nếu... sinh hơn 2 con. Chuyện sinh đẻ có kế hoạch vốn được các ngành chức năng luôn khuyến khích, thế nhưng việc "đè" người sinh con thứ 3, thứ 4... ra phạt thì đúng là hiếm. Âëy thế mà, suốt nhiều năm liền người ta vẫn thu tiền của dân.
Đủ kiểu văn bản "trời ơi đất hỡi" khiến người dân quay cuồng (ảnh minh họa). |
Theo phản ánh, một số cán bộ trạm y tế xã Tân Minh (huyện Thường Tín) đã xử phạt 1 triệu đồng đối với người sinh con thứ 3 và 1,5 triệu đồng đối với người sinh con thứ 4. Nghiêm trọng hơn, nếu không nộp tiền thì không được làm giấy khai sinh. Vụ việc xảy ra trong thời gian khá dài nhưng lãnh đạo xã Tân Minh và huyện Thường Tín đều không hề hay biết. Sau khi báo chí lên tiếng, Cục Kiểm tra VBQPPL đã gửi văn bản tới Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội đề nghị làm rõ thông tin nói trên. Theo TS. Lê Hồng Sơn, việc xử phạt đó trái với quy định pháp luật hiện hành về hộ tịch.
Cũng liên quan đến việc các địa phương ban hành văn bản trái luật, thời gian qua dư luận cũng phản ánh nhiều về hiện tượng trên. "Nóng" nhất có thể kể đến chuyện lãnh đạo hai tỉnh Nghệ An và Quảng Nam gửi công văn "chỉ đạo" các cấp, ngành tiêu thụ sản phẩm bia và xi măng của các doanh nghiệp địa phương. Theo bộ Tư pháp, hai công văn "kích cầu" trên đã vi phạm các quy định về tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân.
Mới đây nhất, dư luận và báo giới được phen sửng sốt trước quy chế "cấm cửa" báo chí của UBND tỉnh Thanh Hóa hay quyết định của UBND tỉnh Nghệ An "cấm" phóng viên thường trú, cơ quan đại diện (có quy định vi phạm kèm theo) hoạt động trên địa bàn tỉnh. Sau khi bị dư luận phản ứng, UBND tỉnh Nghệ An đã bãi bỏ quy định nói trên. Cục Kiểm tra VBQPPL cũng đã có văn bản "tuýt còi" quyết định của phía Thanh Hóa.
Thể hiện quyền nhưng… trái luật!
Trên thực tế, không riêng các bộ, ban ngành ban hành văn bản "trên trời" mà nhiều cấp xã, huyện, tỉnh hoặc những cấp tương đương cũng "sản xuất" ra những văn bản trái pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Có những văn bản mà khi ban hành ra, thiệt hại được đo đếm cụ thể, thế nhưng cũng có những văn bản gây ảnh hưởng lâu dài. Và không phải lúc nào cơ quan chức năng cũng phát hiện ra để xử lý.
Một luật sư từng nhiều năm cộng tác với báo Đời sống và Pháp luật đã chia sẻ câu chuyện xảy ra ngay tại Bắc Giang như là minh chứng rõ nét cho hậu quả của việc chính quyền địa phương ban hành văn bản trái luật. Theo lời kể của luật sư này, một người nông dân đã mất đất, bởi quyết định trái thẩm quyền của vị Chủ tịch UBND huyện. Theo quy định, việc thu hồi đất đối với cá nhân, hộ gia đình thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện. Việc thu hồi đất phải dựa trên nguyên tắc đồng thuận bằng biên bản trong cuộc họp của một hội đồng (thuộc UBND, gồm đại diện các ban ngành). Tuy nhiên, trong vụ việc này, vị chủ tịch đã tự ban hành quyết định, dưới danh nghĩa "thay mặt ủy ban" và nghiễm nhiên thu hồi đi phần đất sở hữu hợp pháp của người dân.
Theo lời kể của vị luật sư này, khi quyền lợi bị ảnh hưởng, người dân đã làm đơn khởi kiện ra TAND cùng cấp. Thế nhưng, "con kiến mà kiện củ khoai", để khởi kiện hủy bỏ một quyết định hành chính trái luật không phải chuyện đơn giản. Cuối cùng, người dân này phải chịu thua cuộc, rơi vào cảnh mất đất, mất nhà. Đây cũng là thực tế đang diễn ra tại không ít địa phương. Khi chính quyền ban hành văn bản trái pháp luật, người dân khởi kiện ra tòa, tuy nhiên, "vô phúc đáo tụng đình", để giành thắng lợi trong một vụ kiện hành chính như thế quả khó ngang "lên trời". Trong một số trường hợp, "chờ được vạ thì má đã sưng".
Những văn bản quy phạm pháp luật có nhiệm vụ vô cùng quan trọng, thể hiện quyền lực của cơ quan công quyền và điều chỉnh hành vi của công dân. Ra văn bản sai căn cứ pháp lý, dẫn đến cấp thực hiện thiếu chuẩn mực khi thực hiện. Một số người đã ví việc ra văn bản trái pháp luật thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả tham ô hay lãng phí. Bởi việc tham ô có thể chỉ do một cá nhân hoặc một nhóm người thực hiện, số tiền thiệt hại có thể đo đếm được. Trong khi đó, việc ban hành văn bản trái pháp luật. Xét một cách tổng thể, những thiệt hại này không thể đo đếm được.
Với không ít văn bản trái pháp luật, từ khi được ban hành, có hiệu lực thi hành đến khi bị Bộ Tư pháp phát hiện, bị "tuýt còi", thường rất lâu. Và từ khi bị "tuýt còi" đến khi cơ quan ban hành văn bản đó điều chỉnh lại hay thu hồi văn bản, còn lâu hơn nữa, thì mức độ gây hại cho xã hội càng lớn. Và rất nhiều văn bản trái pháp luật đó đã gây hại trực tiếp đến người dân, vì đối tượng điều chỉnh của các văn bản đó là dân. Nhưng trong khi pháp luật quy định một đằng thì những văn bản đó lại quy định một nẻo. Những văn bản trái pháp luật đó còn trở thành những công cụ để một bộ phận công chức, viên chức hành dân.
Đã đến lúc giao cho TAND Tối cao xét xử các vụ án liên quan đến ban hành văn bản trái luật Cách đây không lâu, tại nghị trường Quốc hội, trả lời chất vấn các Đại biểu về số lượng các văn bản ban hành sai, Bộ trưởng bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh: Về nguyên tắc các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thi hành pháp luật không được trái với Hiến pháp và luật. Đã đến lúc cần phải nghiên cứu để giao cho TAND Tối cao khi xét xử các vụ án cụ thể mà phát hiện ra văn bản của các bộ hoặc các địa phương trái với Hiến pháp thì có quyền đình chỉ việc thi hành văn bản đó. Và khi cơ quan Nhà nước cấp Bộ trở xuống cho đến cấp địa phương khi ban hành văn bản pháp luật sai hoặc chậm, trực tiếp gây ra thiệt hại về vật chất cho công dân và doanh nghiệp thì có thể bị khởi kiện và phải bồi thường thiệt hại. |