Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều trường đại học đã hoàn thiện một nửa chặng đường tuyển sinh, nhiều dự đoán điểm chuẩn năm nay sẽ tăng.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh. |
Điểm chuẩn dự kiến tăng 1 - 3 điểm
Để đảm bảo công bằng cho tất cả các thí sinh cũng như thống nhất công tác xét tuyển, lọc ảo trong toàn hệ thống, bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) quyết định điều chỉnh thời điểm tổ chức xét tuyển lọc ảo, kết hợp với điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh thi đợt 2.
Theo đại diện một số cơ sở giáo dục đại học, dựa vào phân tích phổ điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, điểm chuẩn - thử thách cuối cùng trong tuyển sinh đại học - năm nay có thể sẽ tăng.
Chia sẻ về vấn đề này với PV tạp chí Đời sống & Pháp luật (ĐS&PL), PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh - phân tích: “Dựa trên phổ điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, trừ môn Tiếng Anh không tăng “đột biến”, còn các môn thi khác đều tăng từ 1 - 1,5 điểm so với kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019. Chính vì vậy, điểm xét tuyển 3 môn cũng có thể tăng dao động từ 3 - 3,5 điểm”.
Bên cạnh đó, do một số trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh bằng hình thức xét học bạ để phòng trường hợp không tổ chức được kỳ thi tốt nghiệp THPT, nên chỉ tiêu cũng giảm so với năm trước. Chính vì vậy, điểm chuẩn các ngành sẽ tăng từ khoảng 3 điểm trở lên”.
TS. Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT trường đại học FPT - cũng đánh giá: “Vì đề thi tốt nghiệp THPT năm nay có độ khó nhằm đảm bảo mục đích chính là phục vụ tốt nghiệp, nên dễ nhận thấy phổ điểm cao hơn so với năm trước. Chính vì vậy, tôi cho rằng, điểm chuẩn xét tuyển của các mã ngành năm nay sẽ tăng lên, ít nhất cũng từ 3 điểm”.
Mặt khác, nhiều trường đại học cũng áp dụng thêm những phương thức tuyển sinh riêng, khiến cho chỉ tiêu tuyển sinh bằng thi tốt nghiệp THPT giảm. Chẳng hạn, trường đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức bài kiểm tra tư duy...
Năm nay, trường đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã đưa ra dự báo mức điểm trúng tuyển đại học từ rất sớm. Theo đó, điểm chuẩn trúng tuyển của trường năm 2020 với các tổ hợp truyền thống dự báo thấp nhất là 22 điểm, cao nhất là 29 điểm. Trong khi đó, với tổ hợp A19/A20, thấp nhất là 19 điểm và cao nhất là 26 điểm. Năm 2020, Trường tuyển 6.930 sinh viên bằng các phương thức: Xét tuyển thẳng theo quy định của bộ GD&ĐT, xét tuyển dựa trên chứng chỉ quốc tế, xét hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn; Xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT; Xét tuyển kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm bài kiểm tra tư duy.
Nói về điểm chuẩn khi xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, đại diện nhà trường dự đoán điểm chuẩn sẽ tăng từ 1 - 3 điểm so với năm trước, nguyên nhân do phổ điểm năm nay tăng cao hơn.
Trường đại học Kinh tế Quốc dân cũng đã công bố điểm sàn nộp hồ sơ xét tuyển vào hệ đại học chính quy năm 2020 là 20 điểm. Mức điểm này đã bao gồm điểm thi theo tổ hợp xét tuyển, điểm ưu tiên đối tượng, khu vực và ưu tiên xét tuyển đối với các ngành có tổ hợp môn tính hệ số 1. Đồng thời, trường cũng đưa ra dự báo điểm chuẩn sẽ tăng từ 1-3 điểm tuỳ từng ngành.
Thí sinh tham dự bài kiểm tra tư duy tại trường đại học Bách khoa Hà Nội. |
“Khe cửa hẹp” cho những thí sinh còn lại
Năm nay, trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều trường đại học, học viện đã nhanh chóng tận dụng phương thức xét tuyển kết quả học tập ở THPT (xét học bạ) để “rộng cửa” chọn lựa thí sinh. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các trường đại học đã hoàn tất một nửa chặng đường, khi đã có kết quả xét học bạ hoặc xét tuyển thẳng, và thậm chí đã tiếp nhận sinh viên vào trường.
Trường đại học Kinh tế Quốc dân đã hoàn tất thủ tục nhập học cho những thí sinh đầu tiên trúng tuyển vào trường theo diện tuyển thẳng và xét tuyển kết hợp, chính thức trở thành tân sinh viên năm học 2020 - 2021. Năm nay, trường đại học Kinh tế Quốc dân tuyển 5.800 chỉ tiêu với 3 phương án xét tuyển: Xét tuyển thẳng theo quy chế của bộ GD&ĐT, xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh.
Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, TS Lê Hữu Du - Trưởng phòng Đào tạo và Khảo thí (học viện Tòa án) - cho biết: “Năm nay, Học viện dành 360 chỉ tiêu tuyển sinh qua 2 phương thức tuyển sinh: Xét tuyển học bạ và xét tuyển thông qua kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT với một số tổ hợp. Hiện tại, nhà trường đã hoàn tất tuyển sinh bằng phương thức xét học bạ, điểm chuẩn các ngành học đối với phương thức xét tuyển này đều cao hơn 24 điểm. Đây là một điểm số khá cao nên những thí sinh đỗ vào trường cũng đã có cơ hội đỗ vào rất nhiều trường khác.
Năm 2020, phương thức xét học bạ được rất nhiều trường đại học, học viện lựa chọn, bởi ban đầu, khi tình hình dịch Covid-19 phức tạp, bộ GD&ĐT đã có ý định giao cho các trường “tự túc” tuyển sinh. Chính vì vậy mà “lọc ảo” thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ năm nay cũng là một thách thức với nhiều trường đại học.
Không chọn hình thức xét tuyển theo phương pháp lọc thí sinh từ trên xuống cho tới khi hết chỉ tiêu và từ đó đề ra điểm chuẩn, trường đại học FPT áp dụng xét tuyển theo phương thức xếp hạng học sinh THPT toàn quốc.
Chủ tịch HĐQT trường đại học FPT cũng cho biết: “Năm nay, trường đại học FPT vận dụng và triển khai một phương pháp mới, không xét tuyển theo khối mà lấy tổng điểm tất cả các môn thi để so sánh, nếu nằm trong nhóm 50% thí sinh có điểm cao nhất là đủ điều kiện xét tuyển. Tuyển sinh của trường hiện tại vẫn đang tập trung lấy theo phương pháp “top 50” này”.
Theo đó, học sinh chỉ cần nhập điểm vào trang web là sẽ biết thứ hạng của mình, từ đó có căn cứ đánh giá điểm thi của bản thân so với các thí sinh cùng dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trên toàn quốc. Tất cả những học sinh có kết quả thi tốt nghiệp THPT thuộc “top 50” toàn quốc theo công cụ tra cứu này đồng thời có điểm thi các môn tổ hợp tương ứng ngành đăng ký đạt 15/30 điểm thi THPT đều đạt ngưỡng chất lượng và có thể nộp ngay hồ sơ xét tuyển vào trường đại học FPT.
TS Lê Trường Tùng giải thích thêm: “Tương tự như các trường công bố điểm chuẩn, “top 50” chính là “điểm chuẩn”, hoặc có thể coi là ngưỡng chất lượng đầu vào của đại học FPT. Do vậy, tất cả các thí sinh thuộc “top 50” và đủ điều kiện xét tuyển hoàn thiện hồ sơ sớm đều sẽ được ưu tiên. Đồng thời, trường nhận các thí sinh “top 50” cho đến khi đủ chỉ tiêu theo từng phương thức xét tuyển chỉ định của bộ GD&ĐT”.
Thời gian điều chỉnh nguyện vọng chính thức Thời gian thí sinh bắt đầu được điều chỉnh nguyện vọng sẽ thực hiện sau khi các sở GD&ĐT xét công nhận tốt nghiệp sơ bộ đợt 2, trong đó, thời gian cho điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến là 7 ngày (từ ngày 19 - 25/9/2020 và điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu là 9 ngày (từ ngày 19 - 27/9/2020). |
Cẩm Mịch
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 7 (số 37)