Chia sẻ về dự báo điểm chuẩn vào khối ngành Kinh tế năm 2022, VOV dẫn lời ThS Phạm Đỗ Hoài Nam- Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, điểm chuẩn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có số lượng thí sinh đăng ký vào trường, vào ngành và phổ điểm. Tuy nhiên, dự báo điểm chuẩn năm nay không thay đổi nhiều so với năm 2021.
Trong năm 2022, ĐH Quốc tế có tổng chỉ tiêu là 1.860 cho 15 ngành cử nhân và kỹ sư. Hiện tại đã xét trúng tuyển sớm gần 300 thí sinh. Số còn lại vẫn dành các phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá năng lực hoặc chứng chỉ ngoại ngữ.
Phó trưởng phòng Đào tạo- Trường Đại học Quốc tế tư vấn, điểm chuẩn đánh chuẩn năng lực năm nay vào trường là 800 điểm trở lên. Tỉ lệ thí sinh đăng ký vào trường bằng phương thức này cao nên tuyển sinh năm nay khá thuận lợi. Nếu các em có nguyện vọng vào trường thì hãy ưu tiên đặt nguyện vọng 1 đăng ký để chắc chắn suất đỗ vào trường.
Cùng quan điểm, PGS.TS Bùi Đức Triệu- Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, năm nay, các trường đưa ra rất nhiều phương thức khác để tuyển sinh. Trong khi đó, đề thi tốt nghiệp THPT độ phân hóa tương đối tốt, thí sinh khó lấy điểm 9,10 ở các môn, do đó với các ngành hot, trường hot, điểm chuẩn sẽ không tăng, hoặc có tăng cũng không đáng kể so với năm ngoái.
Riêng với Đại học Kinh tế Quốc dân, mức điểm chuẩn năm 2021 ở mức quá cao. Vì vậy, năm nay các ngành này sẽ khó mà tăng điểm hơn, "nếu có chênh cũng chỉ 0,25 điểm". Tất nhiên, đây mới là dự đoán ban đầu dựa theo điểm thi tốt nghiệp THPT, PGS.TS Bùi Đức Triệu cho biết, thực tế mức điểm chuẩn sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
PGS.TS Vũ Thị Hiền- Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Ngoại thương cho biết trên VTCNews, dựa trên phân tích phổ điểm, có thể năm nay, điểm chuẩn vào trường sẽ giữ nguyên hoặc giảm nhẹ 0,25 tuỳ từng ngành so với năm 2021. Cũng theo bà Hiền, đây chỉ là những nhận định ban đầu vì năm nay cũng là năm tương đối khó đoán, không dễ dàng để đoán về điểm chuẩn. Phương thức xét tuyển năm 2022 có nhiều sự thay đổi, các trường giảm số chỉ tiêu ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, tăng các chỉ tiêu theo các phương thức xét tuyển khác.
Còn theo Ths Lê Văn Quang- Phó trưởng ban Truyền thông Học viện Ngân hàng, với phương thức xét tuyển như năm nay, rất khó dự đoán mức điểm tăng hay giảm vì sẽ phụ thuộc rất lớn vào lựa chọn của thí sinh, chỉ tiêu xét tuyển từng ngành.
Bạch Hiền (t/h)