Dự án nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai, đoạn qua địa bàn tỉnh Phú Yên (Dự án) trị giá 4662 tỷ đồng và được triển khai từ nhiều năm nay nhưng hiện đang đứng trước nguy cơ “lụt” tiến độ do vấp phải những ý kiến trái chiều từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH-ĐT) trong việc bố trí vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020!?
Thủ tướng chỉ đạo đưa Dự án vào danh mục đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ
Dự án đầu tư dự án nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai, đoạn trên địa phận tỉnh Phú Yên được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho UBND tỉnh Phú Yên triển khai từ năm 2009 theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) và áp dụng hình thức chỉ định Nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng BT.
Theo ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, Dự án đã được bố trí 55 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015. UBND tỉnh đã rà soát, phân kỳ đầu tư và thực hiện giai đoạn 1 dự án với chiều dài tuyến là 31,54 km trên tổng số 61,3 km toàn tuyến và triển khai 8 cầu trên tổng số 15 cầu trên tuyến để phục vụ nhân dân đi lại trong mùa mưa lũ với mức đầu tư 1.547 tỷ đồng.
Đáng lý dự án đã phải hoàn thành giai đoạn 2011 - 2015, nhưng hiện đang bị gián đoạn do chính sách cắt giảm đầu tư công theo tinh thần Nghị quyết 11 năm 2011. Đây là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Toàn tuyến chạy qua vùng chiến khu cách mạng. Cư dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Bana và Êđê có nhiều đóng góp cho kháng chiến. Hệ thống sông, suối ở đây chằng chịt nhưng chưa có cầu, cống. Vì vậy, người dân nơi đây rất mong chờ tuyến đường sớm hoàn thành để có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Trước tính cấp thiết của dự án, ngày 2/11/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã văn bản số 1961/TTg-KTN chỉ đạo Bộ KH-ĐT phối hợp với Bộ Tài Chính tổng hợp nhu cầu vốn của Dự án vào kế hoạch đầu tư băng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2010 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Gần đây nhất, vào tháng 8/2016, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Phú Yên vào tháng 8/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có kết luận, nêu rõ: “Dự án tuyến đường bộ nối tỉnh Phú Yên với tỉnh Gia Lai là công trình dở dang, UBND tỉnh Phủ Yên và Gia Lai rà soát quy mô, tổng mức đầu tư, phân kỳ đầu tư Dự án (đoạn qua địa phận mỗi tỉnh) phù hợp với khả năng nguồn vốn. Trên cơ sở đó, Bộ KH-ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu vốn của Dự án vào Danh mục dự án đầu tư bằng nguồn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Công văn số 1961/TTg-KTN ngày 2/12/2015…đảm bảo đầu tư đồng bộ tuyến đường, trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định”.
Bộ KH-ĐT nói gì?
Thực hiện ý kiến chỉ đạo trên, tỉnh Phú Yên đã đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành tuyến đường vào năm 2019 và đã có văn bản đề nghị Bộ KH-ĐT đưa Dự án vào danh mục các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020.
Tuy nhiên, địa phương này đã khá bất ngờ khi biết rằng, theo kế hoạch đầu tư trung hạn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020, tuy được bố trí 900 tỷ đồng, nhưng Bộ KH-ĐT lại không trình phương án đầu tư số vốn này cho Dự án hiện đang còn dang dở mà lại bố trí cho 2 dự án khác là Dự án sửa chữa, nâng cấp công trình chỉnh trị cửa sông Đà Nông (700 tỷ đồng) và Chương trình kiên cố hóa trường lớp mẫu giáo tiểu học (200 tỷ đồng)!?
Ngày 10/1, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hoàng Văn Trà đã có văn bản gửi Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và các Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính đề nghị đưa Dự án vào kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020.
Điểm khiến lãnh đạo tỉnh Phú Yên kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chính là Dự án sửa chữa, nâng cấp công trình chỉnh trị cửa sông Đà Nông đã được tỉnh báo cáo với Bộ KH-ĐT trước đó và đã ưu tiên cân đối 200 tỷ đồng từ ngân sách của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện. Trong khi dự án tuyến đường bộ nối tỉnh Phú Yên với Gia Lai đang được triển khai từ năm 2010 với vốn đầu tư đã thực hiện đến nay hơn 1.500 tỷ đồng thì giờ lại bị “gạt”, không có tên trong danh mục các dự án được bố trí vốn trái phiếu!
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Dự án BT mà vẫn xin vốn trái phiếu thì không có cơ sở để Bộ KH-ĐT bố trí. Để kịp giờ, kịp ngày trình Chính phủ, Bộ KH-ĐT đưa 2 dự án Phú Yên đề nghị ban đầu (Dự án sửa chữa, nâng cấp công trình chỉnh trị cửa sông Đà Nông và Chương trình kiên cố hóa trường lớp học mẫu giáo tiểu học - PV) vào danh sách bố trí vốn”.
Một lý do khác cũng được Bộ KH-ĐT “vin” vào đó theo các quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015, có hiệu lực từ ngày 10/4/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BT chỉ được thanh toán bằng quỹ đất, không quy định việc thanh toán bằng tiền.
Tuy nhiên, tại khoản 6 điều 72 Quy định chuyển tiếp của Nghị định 15/2015/NĐ-CP nêu rất rõ: “Dự án đã có cam kết hoặc chấp thuận bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án, ưu đãi, bảo đảm đầu tư và các nội dung khác liên quan đến thực hiện dự án trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo các văn bản đó”. Trong khi Dự án nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai, đoạn qua địa bàn tỉnh Phú Yên hiện đang thực hiện theo văn bản chấp thuận số 2490/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ ký từ ngày 15/12/2009.
Cho đến nay, điều lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên lo ngại chính là việc nếu dự án trọng điểm của tỉnh đang triển khai dở dang bị Bộ KH-ĐT “gạt ra” sẽ dẫn đến việc tỉnh phải đơn phương chấm dứt hợp đồng và sẽ phải chịu phạt 12% giá trị hợp đồng, tương ứng hơn 435,1 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh sẽ phải thanh toán hợp đồng với những khối lượng các nhà đầu tư đã thực hiện như giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, tư vấn khảo sát thiết kế, các khối lượng đã thi công trên tuyến...Dự án dừng thi công về lâu dài cũng sẽ gây bức xúc cho nhân dân trong vùng, dẫn tới những lãng phí trong đầu tư công suốt nhiều năm qua.