(ĐSPL) - Về dự án sân bay Long Thành, Bộ trưởng Thăng yêu cầu các cơ quan liên quan làm lại Tờ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phối cảnh dự án sân bay Long Thành. |
Sáng ngày 25/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức khai mạc phiên họp thứ 35.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian để thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề lớn của dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; cho ý kiến về dự thảo kế hoạch tổ chức xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi); Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Tạm giữ, tạm giam.
Về dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, được dẫn lời trên báo Sài Gòn giải phóng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị không thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia như một thiết chế thường xuyên, vì chỉ hoạt động trong thời gian bầu cử; nếu cứ duy trì cả nhiệm kỳ 5 năm chỉ để phục vụ việc bầu cử bổ sung (rất hiếm khi xảy ra) là không phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói: “Duy trì thiết chế này thường xuyên là lãng phí nguồn nhân lực. Những quyền hạn cụ thể của Hội đồng Bầu cử quốc gia cần được rà soát lại để không “đụng” các quy định về quyền của Quốc hội và UBTVQH như đã nêu rõ trong Luật Tổ chức Quốc hội”.
Chia sẻ với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai góp ý thêm: “Trách nhiệm tổ chức bầu cử HĐND như dự thảo Luật là chưa rõ. Nên giao cho Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử quốc gia chứ không nên giao cho Chính phủ”.
Theo bà Mai, việc “bảo đảm một tỷ lệ thích đáng đại biểu là người dân tộc, đại biểu nữ" là không rõ ràng. Vì có trở thành đại biểu hay không được quyết định bởi sự tín nhiệm của cử tri, nếu quy định “cứng” tỷ lệ tối thiểu không khả thi, nhưng đảm bảo tỷ lệ ứng cử viên thì được, nếu giới thiệu được ứng cử viên tốt thì nhiều khả năng sẽ có đại biểu tốt, hợp cơ cấu…”.
Ngoài ra, tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến đối với một số nội dung quan trọng về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; dự thảo kế hoạch tổ chức xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tổ chức Quốc hội; phương án phân bổ vốn dự phòng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015.
Trước đó, ngày 24/2, tại cuộc họp về dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, được dẫn lời trên Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT, ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đề xuất giai đoạn 1 của dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sẽ làm một đường cất hạ cánh, một nhà ga với công suất 25 triệu hành khách/năm. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án là 6 tỷ 598 triệu USD (trước đây là 7,8 tỷ USD).
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đề nghị các cơ quan liên quan làm lại Tờ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung vào một số vấn đề: Nêu rõ làm một đường cất hạ cánh ở giai đoạn 1, sau này làm kín hay mở thì tùy thuộc vào thực tế. Tuy nhiên không ảnh hưởng đến quy mô tổng thể của quy hoạch.
Bộ trưởng cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát lại tổng mức đầu tư của dự án; rà soát lại tất cả các hạng mục không cần thiết ở giai đoạn 1, cái gì doanh nghiệp làm được thì để doanh nghiệp làm và phải kêu gọi tối đa xã hội hóa đầu tư.
“Đối với việc phần kỳ đầu tư, phải chỉ rõ giai đoạn 1 chỉ đầu tư một nhà ga, 1 đường cất hạ cánh. Theo quy hoạch, theo chiến lược và nhu cầu đầu tư thực tế để quyết định thời điểm đầu tư tiếp”, Bộ trưởng Thăng yêu cầu.