+Aa-
    Zalo

    Dự án metro thiếu vốn, TP. HCM “cầu cứu” Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - UBND TP.HCM cho rằng nếu không giải quyết dứt điểm các khó khăn, sự đình trệ của dự án metro sẽ gây ra rất nhiều hệ luỵ khó lường.

    UBND TP.HCM cho rằng nếu không giải quyết dứt điểm các khó khăn, sự đình trệ của dự án metro sẽ gây ra rất nhiều hệ luỵ khó lường.

    UBND TP.HCM vừa có văn bản báo cáo về các khó khăn, vướng mắc của Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP.HCM gồm tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành – Tham Lương. Văn bản này được gửi tới Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

    Tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên đã được Thủ tướng chấp thuận chủ tương đầu tư vào năm 2006. Năm 2007, UBND TP.HCM phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư 1.091 triệu USD. Sau khi điều chỉnh, tổng mức đầu tư cho dự án đến giữa năm 2011 là 2.491 triệu USD.

    Theo UBND TP.HCM, có ba nguyên nhân chính dẫn tới việc đội giá so với thời điểm duyệt thầu năm 2007. Thứ nhất là tăng khối lượng xây dựng nhằm đem lại hiệu quả đầu tư và khai thác cao hơn cho dự án như: đầu máy, toa xe, trang thiết bị nhà ga... Thứ hai là sự biến động khách quan của nguyên – nhiên vật liệu do trượt giá và việc tăng lương tối thiểu từ năm 2006-2009. Thứ ba là cập nhật tỷ giá Yên Nhật – Việt Nam đồng và tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá theo quy định mới.

    Đoạn trên cao của tuyến metro số 1 sắp hoàn thành. Ảnh: VnExpress

    Trong khi chờ đợi Quốc hội thông qua, thành phố kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch, Đầu tư ưu tiên giải ngân tạm ứng vốn để tiếp tục triển khai dự án và đảm bảo việc thanh toán cho các nhà thầu trong năm nay.

    Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, việc hoàn tất các thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư tuyến metro số 1 là điều kiện tiên quyết để bố trí kế hoạch vốn trung hạn và các năm tiếp theo, giúp dự án hoàn thành vào cuối năm 2020 như dự kiến.

    Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng bày tỏ lo ngại với người đứng đầu Quốc hội và Chính phủ, dự án bị chậm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nguyên nhân là sử dụng không hiệu quả nguồn vốn tài trợ của Nhật Bản, ảnh hưởng đến khả năng tài trợ của nước này với các dự án ODA của Việt Nam trong tương lai.

    Còn việc chậm thanh toán cho các nhà thầu, có thể dẫn đến việc giãn tiến độ thi công, thậm chí ngưng thi công. Điều này có nguy cơ dẫn đến kiện tụng, tranh chấp và lãng phí vốn ODA do vẫn phải trả phí cam kết và phí thu xếp cho các hiệp định vay.

    Đối với tuyến đường sắt số 2 Bến Thành – Tham Lương, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng thống nhất trình Quốc hội chấp thuận việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và thời gian hoàn thành dự án.

    Tuyến đường sắt số 2 được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng kinh phí 1.247 triệu USD và sau đó nâng lên 1.374 triệu USD trong giai đoạn 2008-2010. Tuy nhiên, đến năm 2017, TP.HCM đã phải điều chỉnh thiết kế cơ sở của dự án khiến tổng mức đầu tư tiếp tục đội lên tới 2.173 triệu USD. Thời gian dự kiến hoàn thành dự án cũng kéo dài tới 2024.

    Nhân Văn (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/du-an-metro-thieu-von-tp-hcm-cau-cuu-chu-tich-quoc-hoi-thu-tuong-a218530.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan