Ngày 1/11, báo Dân trí đưa tin, một lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, dự án đầu tư xây dựng Đại tượng Phật với tổng mức đầu tư gần 505 tỷ đồng không sử dụng ngân sách Nhà nước. Dự án Đại tượng Phật cao 49m thuộc diện phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án đang thu hút chú ý của dư luận sau khi Bộ Xây dựng có công văn gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc đóng góp ý kiến hồ sơ xây dựng Đại tượng Phật tại Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên.
Cụ thể, như đã đưa tin trước đó, Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho ý kiến hồ sơ dự án xây dựng Đại tượng Phật này.
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi, dự án công trình Đại tượng Phật gồm công trình tôn giáo (Đại tượng Phật cao 49m, gồm Đài sen cao 12m, phần tượng Phật cao 37m) và các công trình phụ trợ. Tổng mức đầu tư khoảng 504,929 tỷ đồng, sử dụng vốn xã hội hóa.
Thuyết minh thiết kế cơ sở cho thấy, dự án đã xây xong phần móng và sàn cốt ±0.000 của Phật đài theo thiết kế đã được cấp phép xây dựng. Phần xây dựng này đã khá lâu và không được sử dụng nên đã bị xuống cấp, có hiện tượng lún lệch và ngập nước phía trong tầng hầm.
Như nội dung công văn, Bộ Xây dựng nhận định, dự án được xác định là nhóm B, công trình cấp II. Khu vực dự án thuộc khu vực bảo vệ II của Di tích Quốc gia đặc biệt Tây Thiên, trong ranh giới Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên thuộc Khu du lịch quốc gia Tam Đảo được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận tại quyết định số 170 ngày 25/01/2022.
Đồng thời nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên – Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đang được Bộ VH-TT&DL thẩm định trình Thủ tướng Chính phê duyệt.
Do đó để có cơ sở lập dự án trên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc rà soát, làm rõ sự phù hợp với các quy hoạch có liên quan (quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất,…);
Ngoài ra Bộ Xây dựng cũng yêu cầu tỉnh Vĩnh Phúc làm rõ lý do và sự cần thiết phải xây dựng Đại tượng Phật; luận cứ cơ sở xác định mẫu tượng, chiều cao tượng, đảm bảo phù hợp với các giá trị văn hóa, tín ngưỡng và cảnh quan môi trường.
“Khi thực hiện dự án phải tuân thủ các quy định của Luật Di sản văn hóa. Đồng thời phải có sự đồng thuận của cộng đồng dân cư và các bên có liên quan, đảm bảo quốc phòng an ninh; không phá vỡ cảnh quan môi trường khu vực di tích” – văn bản của Bộ Xây dựng nêu.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng yêu cầu tỉnh Vĩnh Phúc, về quản lý hoạt động xây dựng liên quan đến dự án, phải căn cứ pháp luật về xây dựng, tín ngưỡng, tôn giáo, di sản văn hóa hướng dẫn chủ đầu tư gửi hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án đến Sở Xây dựng để được tổ chức thẩm định hoặc thẩm định điều chỉnh (nếu có) bảo đảm tuân thủ quy định của các pháp luật đã nêu và pháp luật khác có liên quan.
Cùng với đó, hướng dẫn việc cấp giấy phép xây dựng điều chỉnh theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62 năm 2020, Nghị định số 15 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, Nghị định số 35 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
“Do công trình của dự án đã thi công xây dựng, cơ quan chuyên môn về xây dựng cần yêu cầu chủ đầu tư bổ sung báo cáo kết quả khảo sát đánh giá hiện trạng công trình, trong đó có đánh giá mức độ nguy hiểm của cấu kiện, mức độ nguy hiểm của toàn công trình phù hợp tiêu chuẩn về đánh giá mức độ nguy hiểm của kết cấu nhà làm cơ sở thực hiện bảo đảm an toàn công trình và công trình lân cận (nếu có)” - Bộ Xây dựng lưu ý, theo VietNamnet.
Bảo An(T/h)