+Aa-
    Zalo

    Đột nhập “nghĩa trang” voi độc nhất vô nhị ở Tây Nguyên

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Người dân địa phương vẫn cay đắng gọi Krông Na là “nghĩa trang” voi để ám chỉ sự tận diệt loài động vật quý hiếm này.

    (ĐSPL) - Xã Krông Na, huyện Buôn Đôn là địa danh năng động về du lịch bậc nhất tỉnh Đắk Lắk với truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng cùng dòng sông Sê Rê Pốc huyền thoại. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, du khách đến Buôn Đôn còn có thêm một lựa chọn là tìm đến phố voi để mua các loại đồ lưu niệm được chế tác từ ngà, lông đuôi và xương của những chú voi rừng. Chính bởi vậy nên một số người dân địa phương vẫn cay đắng gọi Krông Na là “nghĩa trang” voi để ám chỉ sự tận diệt loài động vật quý hiếm này. Đặc biệt, ở đây còn có nhiều sản phẩm được chế tác từ các bộ phận của những loài động vật quý hiếm như gấu, hổ, lợn rừng….

    Đặc sản làm từ voi

    Xã Krông Na những ngày cuối tuần nườm nượp khách du lịch tới tham quan. Họ đến đây để được cưỡi lên lưng những chú voi bơi qua con sông Sê Rê Pốc và thoả sức chiêm ngưỡng vườn quốc gia Yor Đôn kỳ vĩ. Nhiều người tới đây để được mục sở thị về huyền thoại săn voi Amakông đã đi vào lịch sử của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên với 298 lần bắt được các con voi hoang dã rồi thuần dưỡng chúng thành những con vật giúp ích cho buôn làng. Không chỉ vậy, mỗi du khách sẽ được thỏa sức mua sắm những món hàng lưu niệm được làm từ các loài động vật quý hiếm với giá tương đối “bèo”.

    Hoà trong dòng người đông đúc, tình cờ chúng tôi gặp một tay chơi chuyên sưu tầm các đồ rừng quý hiếm người tỉnh Quảng Ninh. Gã không ngớt lời khoe về bộ sưu tầm rất phong phú trong tủ ở nhà của mình: “Ở quê, tôi đã có đầy đủ các bộ sưu tầm về các loại động vật quý hiếm từ rừng xuống biển. Tuy nhiên, bộ sưu tập về voi là chưa có, vì vậy muốn có những loại mặt hàng này, tôi phải lặn lội vào Tây Nguyên để tìm. Buôn Đôn chính là địa chỉ tin tưởng để tôi lựa chọn mua sắm. Nghe nói các cửa hàng bán đồ lưu niệm ở “phố” voi bày bán nhiều sản phẩm, giá cả lại phải chăng”.

    Đột nhập “nghĩa trang” voi độc nhất vô nhị ở Tây Nguyên

    Quầy bán hàng lưu niệm ở buôn Trí A, xã Crông Na

    Theo lời giới thiệu của người đàn ông lạ mặt, chúng tôi đã cất công tới thủ phủ voi ở Buôn Đôn rồi tìm đến các cửa hàng lưu niệm để kiểm chứng thực hư. Một đặc điểm chung là hầu như tại các quầy bán hàng lưu niệm mà chúng tôi đến, khi hỏi những món đồ rẻ tiền thường không được đón tiếp chu đáo. Tuy nhiên, khi chúng tôi có yêu cầu cần mua số lượng nhiều, hoặc cần mua những mặt hàng quý như ngà voi, lông đuôi voi…, lập tức thái độ chủ quầy hàng thay đổi hoàn toàn.

    Tại quầy bán hàng L.K, bà chủ miệng không ngớt lời khoe mẽ: “Ở cửa hàng của tôi chuyên bày bán đồ thật 100\%, nếu khách hàng phát hiện làm đồ giả sẽ hoàn lại tiền mà không cần phải trả lại hàng”. Trước mắt của chúng tôi là những loại mặt hàng như gương, vòng, lược… làm từ xương, ngà voi trông rất bắt mắt. Nghĩ rằng đây là những sản phẩm lưu niệm cao cấp nên dự đoán chúng sẽ có giá cắt cổ. Tuy niên, sau khi “cò kè” với chủ tiệm thì được vị này cho biết: “Giá mỗi chiếc lược là 50.000 đồng, còn cái vòng kia làm từ ngà voi có giá 120.000 đồng… Giá cả tuỳ theo chủng loại, nếu các anh lấy với số lượng nhiều chúng tôi sẽ giảm giá”.

    Quá bất ngờ với mức giá của các vật phẩm làm từ những chú voi, chúng tôi tiếp tục chuyến hành trình để khám phá thêm sự lạ lùng này. Cách đó không xa, cửa hàng Y.N chuyên công khai bán các sản phẩm làm từ xương voi. Người chủ quán trạc chừng 40 tuổi chưa cần khách hàng hỏi mua bán gì, đã chủ động bắt chuyện, mời chào: “Các anh muốn mua đồ làm từ voi phải không? Ở quán tôi bán đồ “rừng” thật 100\% và đa chủng loại lắm, từ lược làm bằng xương voi, đến thắt lưng làm bằng da voi…”. Những sản phẩm được làm bằng xương, ngà voi này cũng có giá giao động từ 100.000 - 150.000 đồng/chiếc. Ông chủ quầy hàng cũng sẵn sàng chứng minh cho các thượng đế thấy đồ của mình là hàng thật bằng cách châm lửa đốt.

    Cũng tại quầy hàng Y.N, khi chúng tôi đổi ý muốn sắm lông đuôi voi luồn nhẫn để tặng cho bạn gái, ngay lập tức bà chủ quán không ngần ngại đưa hẳn một đoạn đuôi voi đã khô trên đó có nhiều lông xù xì rồi giới thiệu là đuôi voi thật 100\%. Chưa dừng lại ở đó, vị chủ quán còn nhiệt tình dẫn khách vào trong nhà rồi đưa cho chúng tôi xem một loạt các chùm lông cứng rồi khoe rằng đây là lông đuôi voi thật và đẹp nhất ở khu vực này. Giá cả của mặt hàng đặc biệt này theo vị chủ quán: “Cũng tuỳ thôi các anh ạ, nếu lông xịn như thế này có giá từ 100.000 – 120.000 đồng/lông. Còn những lông bày ở tủ kính kia có giá chỉ từ 50.000 – 60.000 đồng/lông và chỉ thêm một khoản phí 250.000 đồng để mua nhẫn là có một chiếc nhẫn luồn lông voi hoàn hảo”.

    Đột nhập “nghĩa trang” voi độc nhất vô nhị ở Tây Nguyên

    Đột nhập “nghĩa trang” voi độc nhất vô nhị ở Tây Nguyên

    Lông đuôi voi cũng ngập tràn các gian hàng

    Một người dân sống ở buôn A Trí, xã Krông na lo lắng: “Không biết những thứ mà người ta rao bán ở đây có nguồn gốc như thế nào mà nhiều thế không biết. Nếu tất cả đều là hàng thật thì voi Buôn Đôn sẽ tuyệt chủng vào một ngày không xa nữa đâu các chú ạ. Chúng tôi vẫn quen gọi khu vực này là “nghĩa trang” voi vì có quá nhiều những bộ phận của chúng bị biến thành các sản phẩm phục vụ khách du lịch”.

    “Tiền mất, tật mang”

    Tiếp tục cuộc khám phá của mình, chúng tôi hỏi có cặp ngà voi nào bán không thì gã chủ hàng Y.N tiếp lời: “Ngà hiếm lắm vì mỗi con voi chỉ có 1 cặp, mất thời gian rất lâu mới mọc lại, nhưng nếu các anh cần thì chỉ cần chờ một lúc là chúng tôi sẽ có hàng mang đến nhưng loại này giá không hề rẻ đâu”. Thấy khách hàng có vẻ băn khoăn về nguồn gốc của các mặt hàng nói trên, gã chủ nhanh nhẹn: “Các anh cứ yên tâm, nếu không phải hàng thật thì chúng tôi cất giấu trong nhà làm gì. Làm ăn là phải đặt chữ tín lên hàng đầu, các anh khi mua được đồ thật ở chỗ tôi sẽ giới thiệu cho nhiều người khác mua nữa”. Một điều đáng nói, ở “phố voi” có hàng chục quán hàng bày bán đồ lưu niệm chỗ nào cũng có đầy đủ các loại đồ được làm từ da, lông, ngà, xương từ những chú voi.

    “Phố voi” thực chất là tên gọi chung của khách du lịch, cũng như cách người dân ở Đắk Lắk ví von để đặt tên cho địa bàn tập trung nhiều loài voi khi đã được thuần dưỡng. Tên gọi đầy đủ của “nghĩa trang” voi là Buôn Trí A, thuộc xã Crông Na có chiều dài khoảng hơn 1km. Tại đoạn đường này, khi qua nhà lưu niệm vua voi săn voi Amakông khoảng 200m bắt đầu xuất hiện nhiều ki ốt bán hàng lưu niệm “độc”. Ngoài việc bày bán các đồ sản vật được làm từ voi, nơi đây còn có bày bán các sản phẩm được làm từ những loài động vật quý hiếm, đang nằm trong danh sách đỏ và có nguy cơ tuyệt chủng như gấu, bò tót, lợn rừng...

    Đột nhập “nghĩa trang” voi độc nhất vô nhị ở Tây Nguyên

    Nhiều sản phẩm làm từ voi, hổ, gấu, lợn rừng được bày bán

    Dạo một vòng qua khu mua sắm đặc biệt này, chúng tôi thấy có khá nhiều sừng bò tót, sừng hươu… được cột vào những sợi dây, xếp thành hàng treo lơ lửng ngay giữa các gian nhà. Điều lạ lùng là chỉ cần bỏ một khoản tiền nhỏ (khoảng 200.000 đến 300.000 đồng – PV) là khách hàng đã được sở hữu một cặp sừng bò tót “thật” trông rất lộng lẫy. Tại quầy hàng L.K, những chiếc móng hổ, những chiếc răng lợn rừng (có chiều dài khoảng 5 - 7cm – PV) cũng được xếp lớp trong các tủ kính. Theo người chủ quán, móng heo này là hàng “chính hãng” được đặt cho những tay săn lão luyện ở khắp các huyện biên giới của Đắk Lắk và các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, ở các quầy bán hàng lưu niệm luôn miệng rêu rao chuyện họ luôn có sẵn có những loại hàng độc được chế biến từ gấu, beo, vọc….

    Ông Nguyễn Văn Chuyền, Phó trưởng Công an xã Krông Na cho biết: “Theo như thống kê của chúng tôi, toàn Buôn Đôn hiện nay chỉ có khoảng trên dưới 40 con voi nên chuyện các quầy bán hàng lưu niệm rêu rao chuyện họ có được nhiều sản phẩm được làm từ voi là không có căn cứ. Rồi chuyện những chiếc móng hổ, báo, gấu, beo, vọc… ở Việt Nam cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay chứ lấy đâu ra để bán công khai như lời mấy tay chủ quán nói. Chúng tôi còn biết, những chiếc đầu lâu của beo, vọc, ngà voi, lông… bán với giá rất bèo là vì chúng được chế tác từ nhựa tổng hợp. Nhiều người nhẹ dạ, nghe giới thiệu về công dụng tránh chướng khí, xua đuổi tà ma của lông đuôi voi cũng như nanh hổ, răng lợn rừng nên mua về làm quà. Tuy nhiên, với những sản phẩm này, du khách sau khi sử dụng có thể bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tiền mất tật mang”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dot-nhap-nghia-trang-voi-doc-nhat-vo-nhi-o-tay-nguyen-a43235.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Nhức nhối nạn săn bắt động vật hoang dã ở U Minh Thượng

    Nhức nhối nạn săn bắt động vật hoang dã ở U Minh Thượng

    Dù các lực lượng chức năng liên tục tuần tra, kiểm soát, nhưng tình trạng người dân vào rừng săn bắt động vật hoang dã ở Vườn Quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang) vẫn xảy ra. Điều này không chỉ khiến các loài động vật quý hiếm ngày càng ít đi mà nguy cơ cháy rừng vẫn âm ỉ, nhất là vào thời điểm mùa khô như hiện nay.