+Aa-
    Zalo

    Đột kích “siêu thị thần dược”, hãi hùng chuyện đánh cược tính mạng với lang chợ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Ở một số chợ, đặc biệt là các phiên chợ quê, các loại thuốc Tây, thuốc Bắc, thuốc Nam được bày bán la liệt với những lời có cánh của các lang băm.

    (ĐSPL) - Thuốc uống là mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Vậy nhưng, ở một số chợ, đặc biệt là các phiên chợ quê, các loại thuốc tây, thuốc bắc, thuốc nam được bày bán la liệt.

    Để tìm hiểu rõ hơn về thực trạng này, PV báo ĐS&PL đã thâm nhập thực tế tại xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội), nơi được ví như “siêu thị thần dược” với những lời có cánh của các lang băm nhằm khuyến khích các con bệnh tin vào sự kỳ diệu của thần dược bán buôn...

    Ngày nào cũng có, nhưng quảng cáo chỉ bán 2 lần 1 năm

    Trong lần đi thực tế tại một chợ cóc (Ninh Hiệp), PV báo ĐS&PL đã tận mắt chứng kiến tình trạng các loại thuốc được bán tràn lan mà không có quầy thuốc, biển hiệu rõ ràng. Đặc biệt, các mặt hàng thuốc bắc, thuốc nam được đặt lên các tấm nilon, bao tải trải lên nền chợ hoặc bỏ thẳng xuống đất để bày bán. Đi sâu hơn vào chợ thuốc bắc, nam ở gần đó, PV không khó bắt gặp cảnh thuốc được phơi dọc đường với mật độ xe cộ đi lại cao. Nhiều chỗ, thuốc còn hạ thổ trực tiếp mà không có bất cứ tấm lót vệ sinh nào. Khi tiếp cận để tìm hiểu, PV nhận được những câu trả lời rất mơ hồ như kiểu “không rõ loại này tên là gì, có công dụng ra sao, thuốc để uống cho mát gan hoặc thanh nhiệt cơ thể” của người bán buôn.

    Thuốc phơi la liệt ngay trên đường đi với bụi bẩn.

    Ra đến chợ, tác dụng của những loại thuốc “không rõ tên là gì” này lại được tung hô theo kiểu linh đan, thần dược?! Ngồi bán ngay đầu chợ, chủ các quầy thuốc lưu động còn bắc cả loa để quảng cáo sản phẩm. Nào là bắt mạch kê đơn miễn phí, thuốc giá rẻ chưa từng có, đến chữa bách bệnh như chữa bỏng, biếng ăn, tiêu hóa, đau đầu, xương khớp, trĩ, bệnh ngoài da, bổ thận tráng dương... và có cả thuốc chữa ung thư, không khỏi không lấy tiền.

    Khi hỏi thành phần thuốc gồm những loại nào, các “thần y” không trả lời mà chỉ nói vòng vo quanh tác dụng diệu kỳ của thuốc do họ tự vẽ ra. Nếu có nhu cầu, người mua chỉ cần khai tình trạng bệnh là các thầy lang bốc luôn thuốc cho mang về dùng. Điều đáng nói là số lượng khách hàng tìm tới chợ thuốc này khá đông.

    Tiếp cận với người đàn ông trung niên tên Vinh ở TP.Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) đến mua thuốc, PV được biết, vì tin rằng đây là những loại thuốc được thu hái trên vùng núi cao rất quý hiếm, cả năm mới có một hai lượt bán nên tranh thủ tìm mua.

    Không chỉ riêng thuốc bắc, thuốc nam mà ngay cả thuốc tây cũng được bán trên thúng, mẹt và theo kiểu các quầy thuốc di động. Người bán hàng sở hữu một xe đẩy, bày đủ các loại thuốc tân dược hộp to hộp nhỏ và cả các vỉ thuốc được bóc dở mà không có hộp bảo quản. “Dược sỹ” khi hành nghề không có bảng tên cũng không mặc trang phục blouse. Các loại thuốc được phơi bán dưới cái nắng như thiêu như đốt bên lề chợ bụi bẩn, đầy ruồi nhặng. Một số thuốc khác được đặt la liệt dưới nền đất ẩm. Cách “kê đơn” của các “thần y” ở đây cũng rất... “độc”. PV nhập vai thành người bệnh kể khổ về căn bệnh tiêu hóa của mình, người bán thuốc không nói không rằng, lấy 10 viên trần màu vàng cho vào túi nilon rồi dặn gọn lỏn: “Uống hai lần trong ngày”. Điều lạ là với những mặt hàng thuốc bổ, người mua không ai đòi hỏi nhãn mác sản phẩm. Họ chỉ nói qua biểu hiện của bệnh, sau đó người bán lúi húi nhặt ra vài loại thuốc cho vào túi nilon, rồi dặn cách uống.

    Dễ gây mất trí nhớ, bị thần kinh và bại liệt

    Theo GS.Trần Quốc Bình, Giám đốc bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương: “Thuốc đông y được bào chế từ các nguyên liệu không rõ nguồn gốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh. Một thang thuốc đúng quy định gồm rất nhiều loại dược liệu. Việc dùng không đúng liều lượng hoặc thuốc bào chế không tốt, không theo quy định sẽ dẫn đến những tác dụng phụ. Mỗi loại thuốc có những ảnh hưởng khác nhau, thường là rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, ngộ độc, nặng hơn là tử vong”. Một số loại thuốc bổ bán dạo bị nhiễm độc là do các “lang băm” (không có giấy phép hành nghề), học lỏm được vài bài thuốc, cho chu sa (thần sa), hùng hoàng... vào trong thuốc. Khi người bệnh dùng để uống hoặc bôi, chất độc ngấm vào máu gây ngộ độc. Ngộ độc theo kiểu này thường bị tổn hại hệ thần kinh trung ương, thần kinh ngoại biên gây co giật, rối loạn hành vi, mất trí nhớ, cơ bắp bị co rút, bại liệt. Đối với trẻ nhỏ, có nhiều trường hợp ngộ độc nhẹ với các biểu hiện mơ hồ như còi cọc, gầy yếu.

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, thầy thuốc Nguyễn Đại Định, nguyên giảng viên đại học Y Hà Nội  cho biết: “Đã là một bài thuốc thì phải rất cụ thể, sử dụng nó đối với bệnh nhân càng phải thật cẩn thận. Người bệnh không phải lúc nào cũng chỉ có một chứng bệnh duy nhất. Người thầy phải căn cứ vào gốc rễ, nguyên nhân của bệnh để chữa bệnh nào trước, bệnh nào sau, phải khỏi hẳn bệnh này mới tiếp tục chữa sang bệnh khác chứ không thể chữa chồng chéo được. Những thầy lang, bà mế chỉ đơn giản là lấy những kinh nghiệm học lỏm được để khuếch trương danh thế, lợi dụng sự kém hiểu biết của người bệnh để hành nghề trái phép, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân”.

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, bác sỹ Nguyễn Hữu Trường, trung tâm Dị ứng- Miễn dịch Lâm sàng, bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị dị ứng, nhiễm độc, thậm chí có nhiều ca đã tử vong do dùng thuốc bắc, thuốc nam một cách bừa bãi. Bản thân thuốc có thể vẫn còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật gây độc cho người dùng. Tiếp đó, quá trình sản xuất, bảo quản bị nhiễm mốc, nhiễm bẩn, bào chế không đúng quy trình cũng tiềm tàng nhiều nguy hại với người dùng. Việc bán thuốc bắc, thuốc nam theo mẹt thì đúng là chẳng có ai quản lý cả. Nhiều vị thuốc chứa kim loại nặng ảnh hưởng trực tiếp tới gan, thận, tim mạch, trường hợp bệnh nhân bị nhiễm độc nặng dẫn đến nhiễm độc toàn thân có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng”.

    Ông Đặng Văn Chính - Chánh Thanh tra bộ Y tế:

    Cần xử lý nghiêm, tránh hậu họa

    Với bất kỳ một mặt hàng nào cũng cần có những quy định riêng để cho phép kinh doanh. Thuốc chữa bệnh là mặt hàng nhạy cảm, chính vì vậy các quy định cho các đại lý bán thuốc phải cực kỳ chặt chẽ. Các quầy thuốc phải có giấy phép, tủ bảo quản, niêm yết giá, bán theo đơn, có địa điểm cố định, không bán chung với các hàng hóa khác. Thuốc phải được bảo quản đúng quy chế chuyên môn, tránh những yếu tố làm ảnh hưởng đến chất lượng. Người chủ đại lý phải có trình độ từ dược tá trở lên. Nếu không có bằng dược tá thì y tá, y sỹ nếu muốn mở đại lý thuốc phải trải qua lớp huấn luyện về quy chế dược do sở Y tế cung cấp và được cấp chứng chỉ “đã qua lớp huấn luyện quy chế Dược”. Thuốc bày bán sơ sài, không đảm bảo chất lượng, quy định cần phải được xử lý nghiêm khắc theo quy định của bộ Y tế.

    Đỗ Thơm – Hà Nhinh

    Xem thêm video: Gia đình sản phụ thai nhi tử vong tố bệnh viện chậm trễ

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dot-kich-sieu-thi-than-duoc-hai-hung-chuyen-danh-cuoc-tinh-mang-voi-lang-cho-a93382.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan