+Aa-
    Zalo

    Tìm thấy bài thuốc bổ dương giúp Minh Mạng sinh 5 con trai trong một đêm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Lâu nay, dân gian vẫn truyền tụng về toa thuốc bổ có tên là Minh Mạng thang có khả năng tăng cường sinh lực với những cái tên vô cùng hấp dẫn

    (ĐSPL) - Lâu nay, dân gian vẫn truyền tụng về toa thuốc bổ có tên là Minh Mạng thang có khả năng tăng cường sinh lực với những cái tên vô cùng hấp dẫn

    Nếu như trong thần thoại Hy Lạp có vị thần Hercule, một đêm quan hệ với 50 phụ nữ và có đến... 49 cô thụ thai thì ở Việt Nam có Vua Minh Mạng cũng không kém mấy với tương truyền một đêm quan hệ đến… 6 lần và sinh 5 con trai. Tương truyền, điều làm nên khả năng thần kỳ ấy của Vua Minh Mạng chính là bài thuốc có tên Minh Mạng thang do Thái y viện triều Nguyễn điều chế.

    43 phi tần và 142 con

    Theo báo  Lao Động: Nhà nghiên cứu Huế - ông Phan Thuận An cho hay, trong số 13 đời vua nhà Nguyễn thì chỉ có 2 vị vua tỏ ra quan tâm nhiều nhất đến tổ chức, hoạt động và hiệu quả của Thái y viện, đó là Vua Minh Mạng (trị vì từ 1820-1840) và Vua Tự Đức (trị vì 1847-1883).

    Hai vua đều có lý do khác nhau, trong đó Vua Tự Đức quan tâm vì thể chất đau yếu bẩm sinh, tai biến của bệnh đậu mùa biến chứng dẫn đến “bất lực”, rất muốn có con để truyền ngôi.

    Còn Vua Minh Mạng thì lại khác. Theo Nguyễn Phúc tộc thế phả (NXB Thuận Hóa, 1995), nhà vua chính thức có 43 phi, tần. Tuy vậy, cho đến nay, chưa ai biết Vua Minh Mạng có bao nhiêu cung nữ, vì sử sách không ghi rõ.

    Chân dung Vua Minh Mạng - Ảnh: Báo Lao Động

    Bộ Minh Mạng chính yếu của Quốc sử quán triều Nguyễn chỉ tiết lộ, vào tháng giêng năm Minh Mạng thứ sáu (tháng 2.1825) trong kinh kỳ ít mưa, nhà vua thấy hạn làm lo, chỉ dụ cho quan Thượng Bảo khanh là ông Hoàng Quýnh rằng: “Hai, ba năm trở lại đây, hạn hán liên tiếp. Trẫm nghĩ xem vì đâu mà thế, nhưng chưa tìm ra nguyên nhân, có lẽ trong thâm cung, cung nữ nhiều nên âm khí uất tắc mà nên vậy ư? Nay bớt đi, cho ra một trăm người, ngõ hầu có thể trừ thiên tai vậy”. Con số bớt đi mà đã tới 100 cung nữ, vậy số còn lại trong cung chắc hẳn phải là vài trăm trở lên.

    Trong cuốn Kể chuyện các đời vua nhà Nguyễn do Nguyễn Viết Kế sưu soạn (NXB Đà Nẵng, 1996) viết: “Bình nhật, khi nghỉ ngơi, vua có 5 bà vợ hầu hạ: Một bà vấn thuốc têm trầu, một bà quạt, một bà đấm bóp, một bà ru và một bà để sai vặt. 

    Mỗi đêm, vua cho thái giám gọi 5 bà vào hầu. Mỗi bà một canh. Hết 5 canh thì danh sách các bà được chuyển giao cho Tôn Nhơn phủ giữ để tiện theo dõi việc khai hoa nở nhụy của các bà sau này”.

    Từ những so sánh ấy mà người ta đã suy diễn ra rằng “nhà vua cần tăng lực để thỏa mãn thú vui xác thịt với hàng trăm bà vợ trong cung”.

    Cũng theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, tương truyền một số lương y hiện nay ở Huế có nghe các vị ngự y tiền bối kể lại rằng Vua Minh Mạng đã xài phí sức lực vào việc giới tính từ rất sớm, ngay từ thời còn là hoàng tử.

    Một thời gian trước khi lên ngôi (năm 1820, vua 29 tuổi), ông đã rất yếu về đường sinh dục. Cho nên sau khi đăng quang, vua đã ra lệnh cho các quan ngự y phải cố gắng giúp mình lấy lại sức khỏe.

    Do đó, các ngự y đã “đối chứng lập phương” làm ra thang thuốc bổ ngâm rượu để nhà vua dùng hằng ngày và thang thuốc này rất hiệu nghiệm. Các bài thuốc đó, ngày nay còn lưu truyền với tên gọi “Minh Mạng thang” gồm 20 bài (có tài liệu ghi 24 bài).

    Trong đó, hai bài nổi tiếng nhất, được các thầy thuốc dùng chữa bệnh nhiều nhất hiện nay là “nhất dạ lục giao sinh ngũ tử” (một đêm quan hệ 6 lần, sinh 5 con trai) và “nhất dạ ngũ giao sinh tứ tử” (một đêm quan hệ 5 lần, sinh 4 con trai). Và hiệu nghiệm đầu tiên rất cụ thể đó là về mặt sinh lý, nhà vua đã sinh được 78 hoàng tử và 64 hoàng nữ. Hiệu nghiệm thứ hai đó là về mặt tinh thần, trí tuệ.

    Minh Mạng thang là bài thuốc bổ tương truyền Thái y viện triều Nguyễn cắt bổ cho vua Minh Mạng uống, để bồi dưỡng tăng cường sinh lực

    Theo báo Thanh Niên, năm 1997, lương y Phan Tấn Tô đã cùng một nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài khoa học về: “Nguồn gốc bài thuốc Minh Mạng thang và đề xuất các bài thuốc phù hợp trong sản xuất rượu Minh Mạng”. Đề tài do Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên-Huế chủ trì, để phục vụ việc sản xuất sản phẩm Minh Mạng thang của Công ty dược phẩm Thừa Thiên -Huế. Nhóm nghiên cứu đã sưu tầm được 19 bài thuốc Minh Mạng thang được lưu truyền.

    Sau đó, một số cá nhân cũng đã công bố thêm các toa thuốc được cho là Minh Mạng thang lưu truyền trong dân gian và đến nay đã có hơn 25 bài thuốc được công bố.

    Từ các toa thuốc được công bố, qua nghiên cứu, đối chiếu, nhóm nghiên cứu của lương y Phan Tấn Tô nhận thấy, phần lớn chúng có nguồn gốc từ hai bài thuốc cổ là Độc hoạt kí sinh thang (trong bộ sách Bị cấp Thiên kim yếu phương của Tôn Tư Mạo (601- 682), sống vào đời Đường (Trung Quốc) biên soạn giữa thế kỷ thứ 7 và Quy tỳ thang từ sách Tế sinh phương (1253) của Nghiêm Dụng Hòa, đời Tống (Trung Quốc), làm nòng cốt, rồi gia giảm. Ngoài ra, có một ít bài thuốc bổ chung khí huyết, âm dương.

    Hình ảnh tờ châu bản ghi chép toa thuốc Quy tỳ hoàn gia giảm của Ngự y triều Nguyễn
    dâng cho vua Minh Mạng, được Hội Đông y Thừa Thiên-Huế sao chụp lại

    Trong năm 2014, Hội Đông y Thừa Thiên-Huế đã chủ trì thực hiện đề tài khoa học Thu thập, biên dịch và đề xuất hướng sử dụng các bài thuốc của Thái y viện triều Nguyễn. Để thực hiện đề tài này, ông Phan Tấn Tô cùng với các cộng sự thuộc Hội Đông y Thừa Thiên-Huế đã vào các thư viện, trung tâm lưu trữ quốc gia ở TP.HCM, Đà Lạt và Hà Nội để sưu tập tài liệu.

    Tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 1 (Hà Nội), Hội Đông y đã tìm thấy hơn 300 trang châu bản về các bài thuốc của Thái y viện triều Nguyễn, có châu phê của nhà vua, chữ ký của các vị ngự y, đóng dấu Thái y viện, dấu Ngự tiền chi bảo và dấu Cơ mật viện… được lưu trữ. Trong đó, đã tìm thấy tờ châu bản có đơn thuốc Quy tỳ hoàn gia giảm do Thái y viện triều Nguyễn kê đơn cho Minh Mạng dùng, đề ngày 26 tháng 12 năm Minh Mạng thứ 10 (1829).

    Từ kết quả nghiên cứu các bài thuốc được cho là Minh Mạng thang lưu truyền trong dân gian được công bố trước đó, Hội Đông y Thừa Thiên-Huế cho rằng, tờ châu bản có đơn thuốc Quy tỳ hoàn gia giảm do Thái y viện triều Nguyễn kê đơn cho Minh Mạng dùng ngày 26.12 năm Minh Mạng thứ 10 (1829) nêu trên chính là toa thuốc Minh Mạng thang huyền thoại được truyền tụng lâu nay.

    Nguyên văn tờ châu bản được phiên âm
    “Thái y viện thần đẳng quị tấu vi: Tấu, văn sự tư cử nội giám Nguyễn Ân truyền xưng phụng chỉ nội nhất khâm. Thánh thể khoan hòa, ngự thiện như thường, duy giác hữu vi quyện, thiểu mị. Sắc thần đẳng điều bổ tể hoàn liệu dĩ tiến. Khâm thử. Khâm tuân. Thần đẳng hội đồng phụng nghĩ nhất dương sinh hậu mộc vận thủy hành, can hỏa tiệm vượng, tì âm hỏa sung trí hưu đẳng. Nhân tưởng thử lí ứng bình bổ tư âm dĩ phối dương nhi bảo vạn an chi khương. Thần đẳng thỉnh dụng gia giảm Quy tỳ hoàn liệu khử Mộc hương, chủ bổ Tâm tì, ninh thần an thụy, gia Lộc nhung, Thục địa dĩ tư âm. Sở hữu dược vị cung trần tả cẩn tấu.
    Gia giảm Quy tì hoàn liệu tịnh trọng thập nhị lạng ngũ tiền, Cao ly sâm nhất lạng, Bạch truật nhất lạng, Toan táo nhân nhất lạng, Viễn chí tam tiền, Qui thân nhất lạng, Hoàng kì thất tiền ngũ phân, Long nhãn thất tiền ngũ phân, Chích cam thảo nhất tiền, chích Thục địa nhất lạng, Lộc nhung nhất lạng. Hữu thập nhất vị, cộng vi tế mạc, luyện mật hòa hoàn như lục đậu đại, mỗi tảo vãn thượng thực tiền cung tiến tam tiền, thang thủy hóa hạ. Dưới tên các ngự y ký.
    Dịch nghĩa:
    Chúng thần (ở) Thái y viện, quỳ xuống tâu rằng: Vâng nghe mệnh lệnh (bệ hạ) qua lời truyền của quan nội giám Nguyễn Ân. (Bệ hạ) thánh thể khoan hòa, ăn uống bình thường, chỉ có hơi mệt, ít ngủ. Chỉ dụ cho chúng thần điều chế thuốc bổ dâng tiến. Kính xin tuân lệnh. Chúng thần cùng hội đồng ý phỏng theo lý (qua tiết đông chí) nhất dương sinh, mộc vận (khí tiết mùa xuân) bắt đầu vận hành, can hỏa dần dần vượng, phần âm hỏa của tạng tỳ sung mãn, nên dẫn đến các chứng đã nói. Căn cứ theo lý đó, nên dùng phép bình bổ, tư âm để phối dương, sẽ giữ an ổn cho mọi sự. Chúng thần xin cho dùng đơn thuốc gia giảm Quy tỳ hoàn bỏ vị Mộc hương để chủ bổ Tâm Tì, giữ tinh thần, yên giấc ngủ, gia thêm Lộc nhung, Thục địa để tư bổ phần âm. Dược vị cụ thể trong đơn thuốc xin tâu như sau:
    Toa thuốc gia giảm Quy tỳ hoàn, trọng lượng tịnh 12 lạng 5 tiền (thành phần có): Cao li sâm 1 lạng, Bạch truật 1 lạng, Phục thần 1 lạng, Toạn táo nhân 1 lạng, Viễn chí 3 tiền, Qui thân 1 lạng, Hoàng kì 7 tiền rưỡi, Long nhãn 7 tiền rưỡi, Chích Cam thảo 1 tiền, Chích thục địa 1 lạng, Lộc nhung 1 lạng.
    Mười một vị trên đây cùng tán mịn, luyện mật làm hoàn cỡ như hạt đậu xanh, mỗi ngày sáng chiều trước bữa ăn tiến dâng 3 tiền, uống với nước sôi nguội (1 lạng + 10 tiền (chỉ, đồng cần) = 37 gr).
    Lương y Lê Quý Ngưu phiên âm và dịch nghĩa

    Kim Thành(Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tim-thay-bai-thuoc-bo-duong-giup-minh-mang-sinh-5-con-trai-trong-mot-dem-a90651.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan